Nghiên cứu các biến thể gien liên quan đến bệnh võng mạc – dịch kính xuất tiết

Nghiên cứu các biến thể gien liên quan đến bệnh võng mạc – dịch kính xuất tiết

MTĐT –  Thứ tư, 28/12/2022 15:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bệnh võng mạc-dịch kính xuất tiết có tính chất gia đình (Familial exudative vitreoretinopathy – FEVR) là một rối loạn di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc.

Với mục tiêu xác định các biến thể gien liên quan đến bệnh võng mạc-dịch kính xuất tiết, TS. Đỗ Mạnh Hưng và nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu hệ gen đã tiến hành đề tài: “Nghiên cứu các biến thể gen liên quan đến bệnh võng mạc-dịch kính xuất tiết có tính chất gia đình ở người Việt Nam”, mã số đề tài: GUST.STS.ĐT2020-SH06.

Nghiên cứu các biến thể gien liên quan đến bệnh võng mạc-dịch kính xuất tiết
TS. Đỗ Mạnh Hưng

Bệnh võng mạc-dịch kính xuất tiết có tính chất gia đình (Familial exudative vitreoretinopathy – FEVR) là một rối loạn di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc. Đặc điểm điển hình của mắt bị bệnh là vùng vô mạch ở võng mạc chu biên, tùy vào mức độ nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa thị lực.

Những tổn thương nhãn cầu của FEVR tương tự như bệnh võng mạc do sinh non, tuy nhiên hầu hết bệnh nhân FEVR đều sinh đủ tháng. Cho đến nay, nhiều gien đã được xác định có đột biến gây bệnh FEVR, với các kiểu di truyền bao gồm: di truyền gien trội/lặn trên nhiễm sắc thể (NST) thường và di truyền gien lặn liên kết NST X.

Những khiếm khuyết trong con đường tín hiệu Norrin/Frizzled4 được cho là có liên quan đến bệnh FEVR. Chụp mạch huỳnh quang là một khám nghiệm quan trọng trong việc chẩn đoán FEVR, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và ở những thành viên gia đình không có triệu chứng.

Nghiên cứu các biến thể gien liên quan đến bệnh võng mạc-dịch kính xuất tiết
Dịch kính đảm nhiệm chức năng chính đó là giữ cho vùng trung tâm của mắt luôn được trong suốt để ánh sáng có thể truyền đến võng mạc và cho chúng ta bắt đầu có thị lực

Để xác định đột biến gien gây bệnh FEVR, các phương pháp thường được kết hợp bao gồm giải trình tự gien nhằm phát hiện các đột biến gien loại nhỏ và lai phân tử hoặc khuếch đại gen (PCR) để phát hiện các thay đổi DNA lớn.

Trong nghiên cứu này, nhóm đã thu mẫu máu ngoại vi của các bệnh nhi được chẩn đoán mắc FEVR tại Bệnh viện Mắt Trung ương ở Hà Nội, Việt Nam và các thành viên trong gia đình của họ. Tất cả bệnh nhân đều được khám lâm sàng mắt, bao gồm soi đáy mắt hoặc chụp mạch huỳnh quang.

Việc chẩn đoán FEVR và điều trị bệnh sớm là việc rất cần thiết. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình của bệnh nhân FEVR cũng cần được khuyến khích khám sàng lọc bệnh. Do đó, chẩn đoán di truyền đóng vai trò quan trọng để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, và tư vấn di truyền. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng đóng góp vào cơ sở dữ liệu về các đa hình của gen gây FEVR trên các bệnh nhi Việt Nam.

Nghiên cứu các biến thể gien liên quan đến bệnh võng mạc-dịch kính xuất tiết
Quy trình giải trình tự và phát hiện đột biến gây bệnh

Sau khi ADN của 20 bệnh nhi được sử dụng để giải trình tự, các biến thể mới và hiếm được tìm thấy trong các gen liên quan đến FEVR kết quả là 11 bệnh nhi được xác định có mang đột biến gây bệnh hoặc có khả năng gây bệnh, chiếm 55% tổng số bệnh nhi.

Có tổng cộng 9 đột biến được tìm thấy trên 4 gen gây bệnh FEVR, cụ thể là 3 đột biến dị hợp tử ở gen FZD4 (3 bệnh nhân), 3 đột biến bán dị hợp tử ở gen NDP (3 bệnh nhân), 3 đột biến dị hợp tử ở gen KIF11 (3 bệnh nhân) và 1 biến thể đồng hợp tử ở gen ATOH7 (2 bệnh nhân). Các dạng đột biến bao gồm 2 đột biến dịch khung, 3 đột biến vô nghĩa, 4 đột biến sai nghĩa và 2 đột biến splicing. Đặc biệt, 4 trong số 11 đột biến là đột biến mới và không được tìm thấy trong nhóm đối chứng của cơ sở dữ liệu 500 người Việt Nam.

Kết quả thu được của nhóm nghiên cứu là bộ số liệu các biến thể của các mẫu bệnh FEVR ở người Việt Nam: Đã xác định được tổng số 12 đột biến gây bệnh/ có khả năng gây bệnh trên những gien gây ra kiểu hình FEVR.

Trong đó có 4 đột biến mới chưa có trong cơ sở dữ liệu đột biến gây bệnh. Những phát hiện của nhóm nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý lâm sàng và tư vấn di truyền của các bệnh nhi này, đặc biệt là trong các trường hợp không có triệu chứng, đồng thời đóng góp vào quá trình tư vấn di truyền cho những gia đình có đột biến gây bệnh.

Nhóm nghiên cứu mong được tiếp tục nghiên cứu trên bộ mẫu lớn hơn, và sử dụng thêm các phương pháp khác để phát hiện đột biến gây bệnh ở những bệnh nhân chưa phát hiện được nguyên nhân gây bệnh.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp viện do GS.TS Vũ Đình Lãm – Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch hội đồng nghiệm thu, ngày 21/10/2022 và được xếp loại xuất sắc.

CHU THỊ NGÂN

Trung tâm Thông tin – Tư liệu

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích