Đại biểu Quốc hội: Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn bám sát thực tiễn
Trong bối cảnh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ cả về trước mắt, lâu dài cũng như xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh, những vấn đề tồn đọng… Tất cả đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ còn ít ngày nữa là năm 2022 khép lại – một năm nhiều khó khăn, thách thức mà đất nước ta phải đối mặt, ứng phó, xử lý, song cũng là năm ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động chỉ đạo, điều hành kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Năm 2022, trên nền tảng dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ rất quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả nhưng cũng rất linh hoạt, luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ trước mắt, lâu dài cũng như xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh, những vấn đề tồn đọng… Qua đó đã đưa nước ta vượt qua các khó khăn, tận dụng được tối đa những cơ hội, tiềm năng phát triển và đạt được những kết quả toàn diện về kinh tế, xã hội.
Dấu ấn nổi bật là trong năm 2022, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đất nước ta đã giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì được tốc độ tăng trưởng cao; đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm cán cân thanh toán quốc tế; kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu điều hành. Thu ngân sách vượt dự toán Quốc hội giao; công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được chỉ đạo triển triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
“Tất cả những kết quả đạt được là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhiều quyết sách về hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung chỉ đạo; chủ trương đầu tư các công trình, các dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; việc phân bổ, điều chỉnh vốn đầu tư công… đều được Quốc hội khẩn trương xem xét, quyết định để Chính phủ sớm triển khai thực hiện, qua đó góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước”, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên nhận định.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên cho rằng chắc hẳn người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng đều thấy được, cảm nhận rõ được sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, nhất là việc thường xuyên bám sát thực tiễn cơ sở, tích cực kiểm tra thực tế cơ sở, hiện trường để kịp thời có những chỉ đạo, giải quyết những bất cập, vướng mắc trong thực thi chính sách, đôn đốc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm cũng như kịp thời biểu dương, động viên các cơ quan đơn vị triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, nghiêm túc phê bình những cá nhân, cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt…
“Tôi thực sự tâm đắc với câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Chính phủ trước tình trạng né tránh, thoái thác thực thi công vụ do ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm ở một số cán bộ, đó là câu ‘Ai không làm thì đứng sang một bên’ và thực tế là nhiều cán bộ, công chức đã bị phê bình, kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là điều phải làm bởi tình trạng đó cản trở sự phát triển của đất nước, không đáp ứng được kỳ vọng và mong mỏi của người dân và doanh nghiệp”, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên bày tỏ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên cho rằng, nền kinh tế trong quá trình vận hành thì cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết, hạn chế, yếu kém tồn tại do những nguyên nhân cả về chủ và khách quan. Phần thì do tình hình địa chính trị, xung đột, địa kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh, chính sách bảo hộ… giữa các nước, nhóm nước làm quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 chậm lại; giá cả, lãi suất tăng vọt làm giảm tổng cầu của thị trường thế giới, ảnh hưởng rất lớn đến một nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng như nước ta. Phần thì do những yếu kém nội tại của nền kinh tế vốn tồn tại đã lâu, còn chậm được giải quyết, chẳng hạn như các đại dự án yếu kém ngành công thương, các ngân hàng yếu kém, các công trình hạ tầng dở dang, chậm tiến độ, ùn tắc giao thông, ô nhiễm tại các đô thị lớn… Tất cả những thách thức này cần được sớm khắc phục, nhất là trong năm 2023, năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025.
Với động lực tăng trưởng đã được xác định là xuất khẩu, đầu tư công và chi tiêu của người dân, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên tin tưởng Quốc hội, Chính phủ sẽ có những quyết sách sáng suốt, kịp thời để khuyến khích đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, xuất khẩu trong cả lĩnh vực công, nông nghiệp, dịch vụ; các vấn đề về tài chính, tiền tệ, lãi suất, tín dụng…Ví dụ như giữ cho mặt bằng lãi suất tiền vay thấp, đẩy mạnh cảnh cách và cởi mở hơn về thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư; có chính sách vượt trội, phù hợp cho người dân phải rời bỏ ruộng vườn, nhà cửa, tái định cư để nhường đất cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; giảm bớt tình trạng khiếu kiện về đất đai, đảm bảo tiến độ các công trình, dự án, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả đầu tư công, tăng tính lan tỏa của đầu tư công đến nền kinh tế.
Trong năm 2023, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên kỳ vọng Chính phủ và các địa phương đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc thù, cơ chế thử nghiệm về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách, tổ chức bộ máy và thu nhập của cán bộ công chức sẽ thực hiện tốt các cơ chế, chính sách này, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay, nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế so sánh của địa phương mình trong phát triển kinh tế, xã hội và không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân và từ đó, dựa trên những kết quả tích cực đạt được, Chính phủ, Quốc hội sẽ có cơ sở sơ kết, tổng kết các chính sách, cơ chế đặc thù đó, luật hóa và áp dụng chung cho cả nước.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên cũng cho rằng trong một thế giới thay đổi nhanh chóng do sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong thời đại số, nếu không có những quyết sách, bước đi thích hợp cùng ý chí mãnh liệt và quyết tâm cao thì sẽ rất khó để đất nước ta có thể rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước tiên tiến trên thế giới và đạt được các mục tiêu như Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng – là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Quyết liệt giải quyết những vấn đề của ngành y tế
Từ góc độ người công tác trong lĩnh vực y tế, Đại biểu Quốc hội, GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí cho rằng, hai năm qua, ngành y tế “chao đảo” liên tục do dịch COVID-19 chưa có tiền lệ, kéo dài, thậm chí có cả những sai lầm của một số cán bộ, kể cả lãnh đạo Bộ Y tế, ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, nhân viên y tế.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng “bắt tay” và quyết liệt chỉ đạo xử lý, tháo gỡ.
“Đối với những dự án bị tồn đọng của ngành y tế, sau khi có ý kiến giám sát của Quốc hội, chỉ sau chưa đầy 1 tuần, Thủ tướng đã trực tiếp đến kiểm tra và chỉ đạo 2 dự án BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam. Thủ tướng đến từng bệnh viện, xem từng mảnh đất, từng dụng cụ bị hỏng… Hình ảnh này cho thấy Thủ tướng rất quyết liệt trong chỉ đạo”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Thủ tướng cũng liên tục làm việc trực tiếp và chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương khắc phục vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, máy móc thiết bị.
Đặc biệt, trong vấn đề kiện toàn lãnh đạo Bộ Y tế, Chính phủ đã rất kịp thời. Sự chỉ đạo, kiện toàn lãnh đạo Bộ Y tế của Chính phủ đã giúp ổn định công việc, tinh thần và tâm lý của cán bộ, nhân viên y tế.
Tân Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đã bắt tay ngay vào giải quyết những nhóm vấn đề cơ bản. Đó là tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, luật pháp liên quan đến ngành y, vì đa số sự chậm chễ, sai lầm của ngành đều liên quan đến quy định luật pháp, nhất là Luật Khám chữa bệnh sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bắt đầu xem xét những vấn đề chuyên môn sâu hơn, nhờ vậy, hoạt động khám chữa bệnh đang dần được phục hồi.
Nguồn: Báo xây dựng