Wash-Up: Nền tảng đặt lịch rửa xe tại nhà

Wash-Up: Nền tảng đặt lịch rửa xe tại nhà

MTĐT –  Thứ tư, 28/12/2022 11:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bằng việc ứng dụng công nghệ, Wash-Up tự tin có thể tạo ra một thay đổi lớn trong lĩnh vực bảo dưỡng xe truyền thống: giúp tiết kiệm tối đa lượng nước sạch; khách hàng không phải chờ đợi…

Bằng việc ứng dụng công nghệ, Wash-Up tự tin có thể tạo ra một thay đổi lớn trong lĩnh vực bảo dưỡng xe truyền thống: giúp tiết kiệm tối đa lượng nước sạch; khách hàng không phải chờ đợi; cửa hàng gia tăng nguồn thu nhập nhờ đa dạng dịch vụ, tối ưu chi phí thuê nhân công, giảm tiền thuê mặt bằng.

Bài toán của ngành rửa xe

Wash-Up ra đời từ năm 2018 từ ý tưởng của Phạm Hoàn Vũ, Trần Phúc Thịnh và Lê Thái Hưng. Ý tưởng bắt nguồn từ việc, mỗi khi muốn rửa xe, họ thường phải tranh thủ giờ nghỉ trưa hay cuối tuần. Mỗi lần như thế, họ thường mất tới 40 phút hoặc cả tiếng chờ đợi. Quan sát khu vực rửa xe, họ cũng nhận thấy nhiều bất cập như nước sạch bị lãng phí, chủ cửa hàng mất nhiều chi phí thuê mặt bằng nên giá thành đội lên cao, không tận dụng được nguồn nhân công ở các thời điểm trong ngày.

Thấy rằng việc làm sạch, chăm sóc xe là nhu cầu rất lớn của người dân, nhưng kiểu rửa xe truyền thống đang có quá nhiều bất cập. Tất nhiên họ muốn giải quyết “những điều trông thấy mà đau lòng đó”, dù cũng còn băn khoăn, không biết nhu cầu của khách hàng có thật vậy.

Một khảo sát được thực hiện với khoảng 300 người dân ở TP.HCM trả lời để những nhà sáng lập hiểu về thói quen và nhu cầu rửa xe. Kết quả, người đi xe máy có nhu cầu rửa 1-2 lần/tháng, người đi ôtô có nhu cầu rửa 1-2 lần/tuần. Điều đó làm các founder tự tin hơn về sự ra đời của mô hình “rửa xe tiện lợi”.

tm-img-alt
Nhân viên của Wash-Up đang rửa xe tại nhà cho khách hàng. Nguồn: WashUp

Những nhà sáng lập của Wash-Up cũng đặt mình vào vị trí của bốn nhóm người dùng sản phẩm trong xã hội để lý giải ý nghĩa của “tiệm rửa xe tiện lợi”. Đầu tiên là góc nhìn của người chủ gara kinh doanh truyền thống. Trong năm yếu tố tác động đến hiệu quả của một gara gồm thời tiết, chi phí mặt bằng, máy móc, nguồn nhân lực và đối thủ cạnh tranh thì yếu tố chi phí mặt bằng vốn là nỗi đau đầu của bất kì chủ hộ kinh doanh nào. Để thuê được vị trí thuận lợi, diện tích tốt, họ phải mất tới 50-60% chi phí vận hành. Như vậy, nếu có một mô hình vận hành có thể tiết kiệm chi phí này chắc hẳn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp.

Ở góc độ môi trường, ngành rửa xe đang lãng phí nhiều nước sạch và gây ô nhiễm khi cần tới 5-6 lít nước để rửa một chiếc xe máy và 80-100 lít nước để rửa ô tô. “Chúng ta có cần tốn nhiều nước đến thế để rửa sạch một chiếc xe không? Chúng tôi đã tự hỏi mình như thế” – ông Phạm Hoàn Vũ băn khoăn, nhất là khi các thành phố lớn chịu nhiều áp lực về nguồn nước sạch và xử lý hệ thống nước thải trong thành phố.

Ở góc độ người tiêu dùng, sau dịch bệnh, họ ngại đến chỗ đông người. Điều đó dẫn đến việc giảm nhu cầu đến tiệm vật lý và yêu thích hoạt động online. Điều này tiếp tục khiến vấn đề chi phí mặt bằng thêm căng thẳng khi tần suất rửa xe của khách ít đi.

Những nhà sáng lập của Wash-Up cũng nhận thấy, người lao động thường xuyên đối mặt với bệnh ngoài da và bệnh hô hấp do thường xuyên tiếp xúc với nước, hóa chất.

Bao quát hơn, những điều tra thị trường giúp họ nhận ra rằng, mỗi lần ra tiệm bảo dưỡng khách hàng mong muốn phương tiện giao thông được kiểm tra kỹ lưỡng về tính an toàn như lốp xe, thắng xe có bị ăn mòn?

Ông Phạm Hoàn Vũ nói: “Rửa xe là một hoạt động chăm sóc xe cơ bản và chúng tôi thấy mình cần đưa ra cảnh báo cần thiết đó cho khách hàng. Là những người cung cấp dịch vụ, chúng tôi thật sự muốn nhìn sâu vào nhu cầu của từng nhóm khách hàng để hiểu họ thật sự muốn gì, mô hình này giải quyết bài toán nào và có thật sự khả thi không”.

Wash-Up đã ra đời bằng sự kết hợp của hai công nghệ. Đó là nền tảng công nghệ kết nối khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và công nghệ chăm sóc xe bằng hơi nước nóng. Những người thợ được đào tạo bài bản về quy trình kỹ thuật có thể làm sạch mọi phương tiện giao thông và thiết bị trong gia đình.

Sự thay đổi của ngành chăm sóc xe

Hãy tưởng tượng buổi sáng bạn đi làm, gửi xe trong hầm của tòa nhà và ngồi tại bàn làm việc, đặt lịch rửa xe trên nền tảng Wash-Up. Đúng thời gian trên lịch, nhân viên của Wash-Up có mặt tại bãi xe, tự động làm sạch chiếc xe. Bằng máy Steam hơi nước nóng, sử dụng điện áp dân dụng 220V – 10A, vòi phun có áp lực nước Max 5 bar và tốc độ đun nước thành hơi nhanh trong vòng 20 giây. Thiết bị vệ sinh bằng hơi nước nóng có tốc độ làm sôi nước nhanh gấp năm lần so với các máy khác cùng loại, chuyển đổi trạng thái nước sang hơi nước ở nhiệt độ 500C để dễ dàng làm sạch vết bẩn.

Việc rửa xe bằng hơi nước nóng sẽ không làm ảnh hưởng đến các chi tiết điện tử và cảm biến trong xe, đồng thời tránh xịt nước trực tiếp vào các đầu giắc điện, điện tử, cổ hút gió… Nhờ vậy, kỹ thuật viên của Wash-Up làm sạch tối ưu cho xe mà chỉ cần 2-3 lít nước cho mỗi chiếc xe máy và 5-10 lít nước cho một chiếc ô tô. Sau khi rửa xe, nước không lênh láng trên mặt sân như thường thấy mà được thu gom, trả lại mặt sàn khô ráo, đảm bảo mỹ quan.

Chi phí cho một chiếc xe máy là 40 nghìn, một xe ô tô là 115 nghìn. Khách hàng không mất công chờ đợi, không phải chờ cuối tuần mới đưa xe đến gara chăm sóc.

Theo ông Phạm Hoàn Vũ, ở góc độ kinh doanh, Wash-Up giúp các cửa hàng truyền thống tăng trưởng khách hàng, nhất là ở khung giờ thấp điểm. Nếu như trước kia, ở khung giờ từ 9-11h là lúc xe đang ở văn phòng, tiệm rửa xe không có việc thì từ khi triển khai dịch vụ tới tận các chân tòa nhà, chung cư thì người dân lại đặt lịch rất nhiều.

Nhà sáng lập của WashUp tự hào: “Chúng tôi phát hiện ra rằng sau dịch, thói quen của khách hàng đã thay đổi. Họ ít ra tiệm hơn mà thích phục vụ tại nhà. Các công nghệ Wash-Up đang sở hữu trong tay sẽ tạo ra một cuộc cách mạng làm thay đổi ngành chăm sóc xe truyền thống. Quan trọng hơn, khi làm khách hàng yên tâm ở ngoài cửa, chúng tôi có thể dễ dàng bước vào nhà giúp họ làm sạch máy lạnh, chăn đệm, sofa, các thiết bị nhà bếp…”.

Bởi vậy, startup đẩy mạnh dịch vụ chuyển giao công nghệ cho các tiệm rửa xe truyền thống, tăng cường hoạt động đào tạo kỹ thuật làm sạch cho phương tiện giao thông, máy móc tại nhà. Theo đó, người thợ khi tham gia vào hệ sinh thái của Wash-Up được đào tạo đúng chuẩn để có thể trở thành người thợ tư vấn kỹ thuật và bảo trì. Theo đó, việc làm sạch sẽ không dừng lại ở phương tiện giao thông mà dịch vụ sẽ được mở rộng ra các máy móc, thiết bị trong nhà và nhiều nhu cầu khác của người tiêu dùng.

Về lộ trình, năm 2022 sau khi hoàn thiện cung cấp dịch vụ rửa xe tại nhà, đến năm 2024, Wash-Up sẽ hoàn thiện dịch vụ vệ sinh thiết bị điện tử, gia dụng trong gia đình. Đến năm 2026, từ dữ liệu lớn có được, Wash-Up sẽ triển khai hệ sinh thái dịch vụ chăm sóc một chiếc xe như mua bán bảo hiểm, phụ tùng cho xe, lắp đặt phụ kiện theo yêu cầu, mua bán xe cũ theo yêu cầu.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích