Thanh Hóa: Cần xem xét việc kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường, khắc phục sạt lở trong khai thác cát tại mỏ số 66

(Xây dựng) – Sau khi dư luận phản ánh về những bất cập trong hoạt động khai thác cát, gây sạt lở bờ, bãi sông tại mỏ cát số 66, thuộc địa bàn xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa), chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã kiểm tra và yêu cầu chủ mỏ tạm dừng khai thác, khắc phục tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn về công tác kiểm tra, giám sát, xử lý của các cấp có thẩm quyền cũng như các giải pháp khắc phục.

Thanh Hóa: Cần xem xét việc kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường, khắc phục sạt lở trong khai thác cát tại mỏ số 66
Tàu chứa cát đang tiến hành bơm cát vào điểm sạt lở.

Mỏ cát số 66 được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác số 211/GP-UBND ngày 30/12/2019 cho phép Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung (Công ty Miền Trung) được khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên trên diện tích 3,65ha, trữ lượng được phép khai thác 140.974m3, công suất 29.300m3/năm, trong thời gian 5 năm. Tại khoản 5, khoản 8 thuộc Điều 2 của giấy phép nêu rõ “Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Trung có trách nhiệm: Thực hiện đầy đủ nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường… đã được UBND tỉnh phê duyệt và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thường xuyên thực hiện việc kiểm soát các khu vực khai thác, chế biến… Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Để nhấn mạnh công tác bảo vệ môi trường, tại Điều 3 của Giấy phép số 211 đã ghi rõ những nội dung mà chủ mỏ phải thực hiện trước khi tiến hành khai thác. Trong đó có đoạn “trước khi tiến hành khai thác, Công ty Miền Trung phải thực hiện đóng cọc và trồng tre chống sạt lở tại bờ hữu sông Mã theo nội dung phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt và phương án đảm bảo an toàn bờ, bãi sông được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định”.

Cũng về nội dung này, tại Quyết định số 1916/QĐ-UBND ngày 24/5/2018 “Phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ cát số 66…”, tại Khoản 1 (Điều 1) nêu “Giải pháp cải tạo phục hồi môi trường: Khu vực khai thác: Đóng cọc và trồng tre chống sạt lở dọc bờ hữu sông Mã trước khi tiến hành khai thác”. Tại Điều 6 nêu: “Ủy nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án… đã được phê duyệt; công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường”.

Thanh Hóa: Cần xem xét việc kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường, khắc phục sạt lở trong khai thác cát tại mỏ số 66
Hàng cọc tre dài khoảng 3,5m, cắm xuống sâu khoảng 35-40cm được chủ mỏ gia cố để chống sạt lở.

Như vậy, tại các văn bản cho phép triển khai dự án của UBND tỉnh, công tác bảo vệ, phục hồi môi trường luôn được quan tâm và nêu cụ thể giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra tại mỏ số 66 với tình trạng sạt lở nghiêm trọng cho thấy, công tác này đã bị chủ mỏ cố tình “lãng quên”. Cùng với đó, phải chăng còn có sự “thả nổi” thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời của các cấp, ngành chức năng có thẩm quyền của huyện và tỉnh?

Trở lại với thực tế đang diễn ra tại đây, tại Biên bản kiểm tra hiện trạng mỏ cát số 66, lập ngày 15/11/2022 của UBND xã Thiệu Quang có đoạn nêu: “Tại thực địa khai thác đã bị sạt lở khoảng 1/3 của điểm mốc số 1 và số 2, chiều dài 15m, rộng 7m. Theo cam kết ngày 30/8/2022, đến nay đơn vị chưa cung cấp được danh sách tàu, thuyền, thông tin cá nhân chủ phương tiện về công an xã; các vị trí bắt buộc thả phao ranh giới mỏ trên sông không có, cụ thể mốc 3, 4, 5… yêu cầu đơn vị khai thác cung cấp danh sách chủ phương tiện, yêu cầu chủ khai thác khắc phục sạt lở bằng giải pháp đóng cọc tre và phên liếp chắn, bơm hút đất cát vào vị trí sạt lở theo đúng hiện trạng ban đầu, cắm phao mốc 3 vị trí 3, 4, 5… trước ngày 20/11/2022”.

Cũng về nội dung này, ngày 30/11/2022, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) phối hợp với UBND xã Thiệu Quang và Hạt Quản lý đê điều huyện Thiệu Hóa đã tiến hành kiểm tra, làm việc với đại diện chủ mỏ và lập Biên bản vụ việc. Nội dung ghi rõ: “Tại thời diểm kiểm tra, công ty đang khai thác cát, sỏi bình thường; hiện trạng có một cung sạt lở dài khoảng 50m, sâu vào từ 5-10m, chiều cao trung bình khoảng 1,5m tính từ mặt nước, dấu vết sạt lở còn mới”. Cũng tại biên bản này, theo ý kiến của UBND xã Thiệu Quang thì khu vực sạt lở là khu đất lưu không để trồng tre chống sạt lở, hiện tượng sạt lở diễn ra từ 15/11/2022 đến nay. Về nguyên nhân sạt lở, biên bản nêu: “Hiện tượng sạt lở một phần do hoạt động khai thác cát của Công ty Miền Trung, một phần do biến đổi dòng chảy, thủy triều, do sóng của tàu thuyền đi qua và do mưa to, xả lũ tại các thủy điện”.

Thanh Hóa: Cần xem xét việc kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường, khắc phục sạt lở trong khai thác cát tại mỏ số 66
Đoạn bờ sông sạt lở đã được cắm cọc tre, bên trên là phần đất lưu không (thuộc phạm vi dự án) để trồng tre chống sạt lở trước khi khai thác.

Mới đây nhất, chấp hành chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Thiệu Hóa và xã Thiệu Quang, tổ chức kiểm tra vụ việc. Theo công văn Báo cáo số 11181/STNMT-TNKS ngày 20/12/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Thường trực Tỉnh ủy, tại thời điểm kiểm tra (ngày 14/12/2022) đơn vị khai thác đã thả phao mốc đầy đủ, đúng vị trí, đã cung cấp danh sách chủ phương tiện, mã số, số đăng ký phương tiện khai thác; có văn bản báo cáo chính quyền địa phương tạm dừng khai thác và đang đóng cọc tre, bơm hút cát vào chân bãi bồi để gia cố bờ, bãi sông.

Về diễn biến sạt lở: Đoạn sạt lở nằm phía bờ hữu sông Mã, tổng chiều dài khoảng 288m. Trong đó, đoạn qua khu vực mỏ dài khoảng 288m, phía thượng lưu mỏ dài khoảng 60m.

Căn cứ kết quả kiểm tra… yêu cầu Công ty Miền Trung tiếp tục tạm dừng khai thác. Có biện pháp gia cố bờ, bãi sông, không để phát sinh thêm sạt lở. Tiếp tục theo dõi nếu có diễn biến nghiêm trọng phải có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền. Sau khi hoàn thành gia cố bờ, bãi sông (có xác nhận của UBND huyện Thiệu Hóa, UBND xã Thiệu Quang), báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để được xem xét hoạt động trở lại.

Để tìm hiểu, xác minh vụ việc, mới đây, PV Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với UBND xã Thiệu Quang và đi thực tế tại mỏ cát số 66. Tại đây, hoạt động gia cố lại bờ, bãi sông đang được chủ mỏ tiến hành. Trước mắt PV là hàng cọc tre được cắm xuống sông, chạy dài suốt đoạn sạt lở thuộc khu vực mỏ (riêng đoạn sạt lở phía trên mỏ chưa được gia cố). Trên đoạn sông thuộc khu vực mỏ, một chiếc tàu đang hút cát để bơm vào điểm sạt lở nhằm “trả lại hiện trạng ban đầu” khu vực bờ, bãi sông.

Thanh Hóa: Cần xem xét việc kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường, khắc phục sạt lở trong khai thác cát tại mỏ số 66
Các phương tiện đang tiến hành hút cát để xả vào điểm sạt lở.

Như vậy, thực tế ghi nhận tại hiện trường cho thấy, chủ mỏ là Công ty Miền Trung đã và đang chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền: Tạm dừng khai thác và khắc phục sạt lở, gia cố bờ bãi sông. Tuy nhiên, điều mà dư luận còn băn khoăn với những câu hỏi đặt ra là: Công tác quản lý Nhà nước trong kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác mỏ của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có bị “thả nổi”? Bởi theo phương án phục hồi, bảo vệ môi trường của Công ty Miền Trung đã được phê duyệt, trước khi khai thác, đơn vị phải tổ chức trồng tre và đóng cọc chống sạt lở. Nhưng theo quan sát của PV, yêu cầu này hầu như đã bị chủ mỏ “bỏ qua”, không thực hiện trước khi tiến hành khai thác. Thêm nữa, khi tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, các cấp, ngành chức năng mới vào cuộc kiểm tra, yêu cầu khắc phục. Lúc này chủ mỏ mới buộc phải dừng hoạt động và “sửa sai” theo yêu cầu.

Thêm một câu hỏi nữa là phương pháp gia cố, chống sạt lở bằng hàng cọc tre mỏng manh, được cắm xuống đất với chiều sâu chỉ vài chục cm đang được chủ mỏ tiến hành, liệu có thể ngăn chặn được tình trạng sạt lở hay không, khi mà hoạt động khai thác được tiến hành trở lại? Bởi vì việc hút cát liên tục sẽ làm lòng sông tiếp tục bị “đào sâu” xuống, lượng phù sa, cát, bùn từ thượng nguồn xuống không thể “bù đắp” trong thời gian ngắn. Thêm vào đó còn có những nguyên nhân khác như: Mưa lớn, các nhà máy điện xả lũ, tàu thuyền gây sóng khi qua lại khu vực mỏ?

Câu hỏi này xin gửi đến UBND huyện Thiệu Hóa và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích