Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất
Triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại Hội nghị thường niên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho hay, cơ chế chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đang được Bộ KH&CN hoàn thiện theo hướng chú trọng xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động khoa học công nghệ.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các bộ ngành, đơn vị liên quan nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ những bất cập trong hệ thống luật pháp và chính sách để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách về kinh tế, đầu tư, thương mại.
Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro và độ trễ. Nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ những bất cập trong hệ thống luật pháp và chính sách để khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách về kinh tế, đầu tư, thương mại…
Nhiệm vụ thứ 2, Bộ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế xã hội, qua đó tạo bứt phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Thứ 3, Bộ sẽ thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, trong đó chú trọng lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị thường niên về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại ĐH Quốc gia TP HCM. Ảnh: VNE
Tháo gỡ vướng mắc trong nghiên cứu khoa học
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, mặc dù chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ hiện đã được điều chỉnh, đổi mới nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh công việc hằng ngày, nghiên cứu khoa học, viết bài báo, các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TP.HCM còn phải làm thanh quyết toán, thủ tục giải ngân đề tài… mất rất nhiều thời gian.
“Không nên biến nhà khoa học thành kế toán viên. Tôi cho rằng đã đến lúc có cơ chế đồng giám sát. Theo đó, các sản phẩm, kết quả nghiên cứu nên để các nhà khoa học tự giám sát lẫn nhau.
Khi các nhà khoa học làm đề tài nghiên cứu cần công bố và công khai trên mạng để các nhà khoa học khác giám sát. Ví dụ như một khoản kinh phí bao nhiêu có thể làm ra được sản phẩm nghiên cứu đó. Còn các quy định về giải ngân, quyết toán, tài chính hiện liên quan tới luật thì từng bước đơn giản hóa các thủ tục và giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà khoa học, chủ nhiệm đề tài”, ông Quân kiến nghị.
TS Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ – cũng kiến nghị xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ.
Ông đề nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, thực hiện tốt vai trò điều phối của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và đặc biệt là trong doanh nghiệp.
Xây dựng cơ chế gắn kết hoạt động nghiên cứu với triển khai và chuyển giao công nghệ để ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.
Ở góc độ nhà khoa học, TS Hồ Nhựt Quang (ĐH Quốc tế TP HCM) kiến nghị cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết giữa đại học với các phòng nghiên cứu phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn nước ngoài tại Việt Nam. Ông cho rằng, các doanh nghiệp có nguồn lực cơ sở vật chất, nhân lực chất lượng cao với nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng họ cũng có những vấn đề cần giải quyết.
Bảo Lâm