“Sông Tô” kể chuyện ngày xửa ngày xưa

“Sông Tô” kể chuyện ngày xửa ngày xưa

MTĐT –  Thứ hai, 26/12/2022 13:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sông Tô Lịch hay còn gọi với cái tên thân thương là sông Tô, theo “Lĩnh Nam Chích Quái”, đó là một con sông chiến lược một hào nước thiên nhiên bảo vệ quấn quanh La thành.

Cái tên Tô Lịch tương truyền lấy từ một thủ lĩnh là Thành Hoàng của Long Đỗ Hương, vì có công nhiều với dân nên khi mất được phong làm Long Đỗ Thần hay Tô Lịch Giang Thần của Long Đỗ Hương. Trải qua hơn 2000 năm lịch sử, có đến hơn 30 làng xã dựa vào Sông Tô mà ra đời, rồi thịnh suy theo dòng nước.

Sông Tô khi xưa là một phân lưu của sông Cái (sông Hồng ngày nay) và thông thủy với Hồ Tây. Trước thế kỷ 11, sông Tô có hai cửa khẩu, cửa thứ nhất nối với sông Hồng gọi là Hà Khẩu (Giang Khẩu), và cửa thứ hai nối với Hồ Tây gọi là Hồ Khẩu.

Trong các tài liệu địa chí, lịch sử đều viết rằng sông Tô là một tuyến đường sông quan trọng và hàng ngày người dân vẫn đánh cá, vận chuyển hàng hóa từ sông Hồng tỏa đi các nơi. Sông Tô bao quanh kinh đô Thăng Long xưa, là một cạnh của “Tứ giác nước Thăng Long”.

Sông Tô có giá trị về mặt giao thông đường thủy và gần như là ranh giới tự nhiên của kinh thành Thăng Long. Vào thời Nguyễn, sông Tô vẫn còn là một dòng sông quan trọng, dù theo biến đổi tự nhiên, sông Hồng dần chuyển dòng sang phía tả ngạn, cửa sông Tô bị bồi tụ dần, nước sông Hồng không vào được, dần dần sông Tô mất đi vị thế con đường thủy của mình. Năm 1889, người Pháp lấp một phần sông Tô để quy hoạch ra 36 phố phường.

"Sông Tô" kể chuyện ngày xửa ngày xưa - Tạp chí Kiến Trúc
Tranh vẽ minh họa bến thuyền và quang cảnh đời sống trong thành Thăng Long xưa

Nhìn trên bản đồ và những dấu tích để lại thì sông Tô chảy theo một đường quanh co, từ cửa sông là phố Chợ Gạo thông ra sông Hồng, chảy qua các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, rồi vào Hàng Cá, quặt lên Hàng Lược, rồi khi hết Hàng Lược lại vòng theo hướng Phan Đình Phùng ra Thụy Khuê, đến cửa Hồ Khẩu, rồi quặt xuống đoạn sông Tô hiện nay.

Phố Hàng Lược tên cũ là phố Sông Tô Lịch vì gần như trọn cả con phố nằm trên dòng sông. Nhưng có lẽ dễ nhận ra nhất là đoạn phố Nguyễn Siêu và Ngõ Gạch, phố cong cong mềm mại dáng vẻ của một con sông, nếu ai đã từng đi qua có thể không biết rằng mình đang dạo bước trên chính một dòng sông cổ. Ở cửa sông Tô, phố Chợ Gạo dấu tích vẫn còn.

Thời Pháp, chỗ này còn được gọi là bãi Chợ Gạo vì có nhiều gạo được tích trữ, buôn bán ở đây, con phố này ngắn nhưng có một điểm đặc biệt là có một dãy nhà giữa lòng phố, thoạt đầu cứ nghĩ là hai phố nhưng kì thực chỉ là một. Sở dĩ phố rộng vì bến sông xưa cần một khoảng không gian khá lớn để làm kho bãi, vận chuyển hàng hoá.

"Sông Tô" kể chuyện ngày xửa ngày xưa - Tạp chí Kiến Trúc
Tranh vẽ minh họa vua Lý Thái Tổ xây dựng thành Thăng Long và bến thuyền sầm uất

Sau năm 1889, khi chính thức bít kín hai cửa sông, không còn nối với sông Hồng, không thông thủy với Hồ Tây, sông Tô coi như trở thành một dòng sông “chết”, một con sông bị ô nhiễm, mang nước phế thải trong thành phố.

Một con sông lịch sử hơn 2000 năm, trở thành dòng nước cống, không chỉ làm mất một di sản thiên nhiên của Thủ đô, mà còn làm ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân lân cận trong những thập kỷ gần đây. Chính vì vậy, không chỉ riêng sông Tô mà cả các con sông khác cũng đang rất cần những sáng kiến, những giải pháp để được hồi sinh.

"Sông Tô" kể chuyện ngày xửa ngày xưa - Tạp chí Kiến Trúc
Châu Âu cam kết trả lại vẻ nguyên sơ cho các dòng sông

Thế giới đã và đang thực hiện cam kết phục hồi trạng thái nguyên sơ cho các dòng sông

Kể từ năm 1962, kênh đào Amsterdam (Hà Lan) – Rhein được hoàn thành, từ đó các con kênh phụ được đào để nối với kênh chính, hình thành hơn 90 khu đảo nối liền bằng 600 cây cầu theo đủ loại phong cách kiến trúc. Chính vì thế, Amsterdam được mệnh danh là “Venice phương Bắc”. Amsterdam đã và đang bắt tay vào triển khai những kế hoạch trả lại dòng chảy tự nhiên cho dòng sông.

Anh là một trong những quốc gia đi đầu trong việc hiện thực hóa việc phục hồi với cam kết trả lại vẻ nguyên sơ cho các dòng sông. Đến nay, nước này đã hoàn thành 1.500 dự án phục hồi sông ngòi trên tổng số 2.700 dự án quốc gia của họ.

Duero, một trong số những con sông lớn nhất Tây Ban Nha, cũng đang sạch dần bóng đập và nhiều công trình khác gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của sông. Vùng đầm lầy phía cửa sông Skjern, con sông lớn nhất Đan Mạch, cũng đã dần hồi sinh sau khi các đường gấp khúc của sông được phục hồi.

Áo và Đức thì đang nỗ lực loại bỏ những con đê để hồi sinh vùng đồng bằng của một nhánh sông Danube. TP Paris của Pháp, nước chủ nhà của Thế vận hội Olympics 2024, đang nỗ lực hết sức để có thể tiến hành những chặng bơi cho các vận động viên ngay tại dòng sông Seine.

Đây là ý tưởng của thị trưởng Anne Hidalgo. Cũng như “Làm sạch nước sông Seine để người dân Paris có thể tự do bơi lội” là lời hứa của Jacques Chirac khi còn là Thị trưởng TP Paris năm 1988.

Hoa Kỳ thành lập tổ chức American Rivers, chịu trách nhiệm bảo vệ các dòng sông hoang dã, khôi phục những dòng sông bị phá hoại và bảo tồn nguồn nước sạch cho cộng đồng và thiên nhiên. Từ năm 1973, tổ chức này đã bảo vệ và phục hồi hơn 150.000 dặm sông thông qua nỗ lực vận động, các dự án trong cộng đồng và các chiến dịch thường niên America’s Most Endangered River.

Ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), con suối Cheonggyecheon vốn bị vùi lấp bên dưới một đường cao tốc trên cao từ những năm 1960. Đến những năm 1990, một số nhà sử học phản đối việc một di sản quan trọng như con suối Cheonggyecheon bị lãng quên, các nhà nghiên cứu môi trường thì bày tỏ mối quan ngại rằng hệ sinh thái tự nhiên bị phá vỡ khi dòng suối chôn vùi dưới lòng đất.

Kết quả là vào năm 2005, dòng suối được khai thông sau 47 năm bị vùi lấp. Dòng suối được khôi phục, tạo môi trường trong lành thu hút các loài chim, cá và côn trùng về trú ngụ.

Dòng suối còn có thác nước, cầu đi bộ, đường chạy cho người dân rèn thể lực và một công viên 400 ha. Suối Cheonggyecheon nhanh chóng trở thành địa điểm hấp dẫn với không gian ngập bóng cây xanh cho người dân thành phố thư giãn, hàng trăm triệu khách du lịch ghé thăm kể từ ngày mở cửa.

Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện chiến lược trả lại những dòng sông sạch, duy trì dòng chảy liên tục, dựa trên nguyên tắc “một nhánh sông, một chính sách”, người đứng đầu quản lý một nhánh sông, một hồ nước, nếu để gây ra sự việc tổn hại môi trường sẽ bị truy cứu trách nhiệm chính trị và hành chính trọn đời.

Đây là dự án quy mô lớn, với chiều dài 50 km, xuyên suốt 13 hồ nước nội thành, trong đó gồm Lục Hải – 6 hồ nước có ý nghĩa lịch sử quan trọng tại lõi trung tâm thành phố. Đặt nền tảng cho giấc mơ tiến tới một thành phố du lịch, nơi có “những dòng sông hạnh phúc”. Nhật Bản, Singapore,… và các nước khác trong khu vực Châu Á cũng đã và đang tích cực thực hiện cam kết hồi sinh các dòng sông.

Hồi sinh “Sông Tô”

"Sông Tô" kể chuyện ngày xửa ngày xưa - Tạp chí Kiến Trúc
Dự án táo bạo phá đường khôi phục suối Cheonggyecheon của Seoul (Hàn Quốc)

Sông Tô không phải con sông duy nhất bị lấp trên địa bàn cả nước. Có nhiều con sông bị lấp không còn dấu vết, sông Tô thì vẫn còn những đoạn đứt quãng, ô nhiễm, nhỏ hẹp.

Sông Tô ngày nay có toàn bộ chiều dài còn lại gần 20 km, bề ngang cũng bị thu hẹp và thuyền nhỏ chỉ lưu thông được trong từng đoạn ngắn, bắt đầu từ đầu Hoàng Quốc Việt, chảy cùng hướng với đường Bưởi, đường Láng, đường Khương Đình và đường Kim Giang về phía Nam và đổ ra sông Nhuệ.

TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, cuộc thi, có nhiều phương án làm sạch sông Tô, như phương án lấy nước từ Hồ Tây, lấy nước sông Hồng qua cống Liên Mạc, hoặc lấy nước từ sông Nhuệ, áp dụng công nghệ từ Nhật Bản … đã có những dấu hiệu tích cực làm sạch một số đoạn sông.

Hoặc như đề xuất cải tạo sông Tô trở thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh, … Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự có sáng kiến nào về việc khôi phục, khai thông dòng nước theo những dấu tích lịch sử mà sông Tô đã để lại. Tương lai xa hơn liệu có thể tái hiện lại 30 làng xóm lịch sử ven sông Tô chăng?

"Sông Tô" kể chuyện ngày xửa ngày xưa - Tạp chí Kiến Trúc
Minh họa không gian dành cho mương nước hở liên thông các đoạn sông
"Sông Tô" kể chuyện ngày xửa ngày xưa - Tạp chí Kiến Trúc
Tranh vẽ minh họa thời xưa các vua chúa thường đi thuyền rồng dạo chơi trên Sông Tô

Đương nhiên, bước đầu tiên trong kế hoạch phục hồi sông ngòi là loại bỏ ô nhiễm, làm sạch dòng sông. Bước tiếp theo là phải trả về cho sông dòng chảy tự nhiên vốn có bằng cách phá đê, dỡ đập, loại bỏ những hàng rào nhân tạo làm méo mó dòng chảy tự nhiên của sông. Ngoài ra còn cần tái tạo những đoạn sông gấp khúc ban đầu, phục hồi thảm thực vật …

Hà Nội rất rất cần có một quy hoạch bảo tồn các dòng sông cổ. Sông Tô cần được hồi sinh bằng cánh thông dòng, nối lại với sông Hồng và Hồ Tây, tái hiện lại hai cửa khẩu, cần phải khảo sát kỹ lưỡng, tính toán mọi khả năng khôi phục theo từng đoạn sông đã bị vùi lấp, đoạn nào có thể mở thì mở, đoạn nào khó thì kết nối bằng mương nước ngầm, rãnh nước hở, thậm chí là kênh dẫn nước trên cao… Hoặc bằng một cách nào đó để những đoạn sông bị vùi lấp bởi những con đường, những công trình kiến trúc vẫn có một khoảng không gian cộng sinh, để liên thông được với nhau như cách thế giới đã và đang thực hiện.

Mặt khác, việc hồi sinh sông Tô sẽ tạo ra nhiều lợi ích đối với Thủ đô Hà Nội như: Giảm nguy cơ ngập úng đô thị, giảm đảo nhiệt đô thị, tăng cường tính đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống sức khỏe, tinh thần của cộng đồng, tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng đối với nhận thức về di sản văn hóa, tăng cường cảnh quan đô thị hấp dẫn, …

Phương án nào cũng sẽ đòi hỏi tốn kém rất nhiều tài lực, nhân lực và thời gian, tuy nhiên, Thủ đô cần có một tầm nhìn và định hướng dài hạn thay vì những siêu dự án hào nhoáng bóng bẩy nhất thời. Hy vọng một ngày không xa, sông Tô sẽ được hồi sinh một cách trọn vẹn với bề dày lịch sử vốn có của nó. Có một điều chắc chắn là Thủ đô Hà Nội sẽ càng thêm cổ kính hơn, ấn tượng hơn và hấp dẫn hơn với một di sản “Sông Tô 2000 tuổi”.

ThS.KTS. Nghiêm Quốc Cường
Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

  • Kể chuyện sông tô lịch 2000 năm. Nhà sử học Lê Văn Lan;
  • Thăng Long Hà Nội dưới góc nhìn văn hóa – GS Trần Quốc Vượng;
  • Dòng sông là cội nguồn tạo ra một TP – Nguyễn Thành Công;
  • Lược sử nước Việt bằng tranh – Tạ Huy Long; Worldbank.org;, development.asia; seoulsolution.kr; inhabitat.com; Britishcouncil.vn; Special.nhandan.vn; tapchikientruc.com.vn; kinhtemoitruong.vn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích