Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật

Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật

MTĐT –  Chủ nhật, 25/12/2022 21:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chống xói bằng bao cát bằng vải địa kỹ thuật GSC có đủ trọng lượng để chống lại các lực thủy động, được đặt ngẫu nhiên theo thứ tự hình học giống như các hệ thống chống xói thông thường, tạo nên một hệ thống chống xói an toàn và linh hoạt.

Nền móng của tua-bin điện gió ngoài khơi bị ảnh hưởng bởi quá trình xói đáy biển do tác động của dòng chảy và sóng. Sự hình thành xói tùy thuộc vào cấu trúc tua-bin điện gió, độ sâu xói S từ S ≥ 1,4 ÷ 1,9 lần đường kính cọc cho đến S x 2,5 lần đường kính cọc theo các phương pháp và hướng dẫn thiết kế khác nhau. So với các điện gió trong bờ, tua-bin điện gió ngoài khơi được xây dựng trong điều kiện công trường khó khăn với độ sâu nước có thể lên tới 40 m.

Điều này dẫn đến khó tiếp cận đối với bất kỳ công trình xây dựng và bảo trì nào. So sánh các khía cạnh chi phí và thời gian, nên đề xuất các biện pháp chống xói cho từng kết cấu để tránh những rủi ro do xói đáy biển không kiểm soát được, có thể dẫn đến các vấn đề về ổn định. Chống xói truyền thống gồm hai phần địa kỹ thuật: Lớp lọc (giữ ổn định đáy biển) và lớp phủ cứng bên ngoài để tạo ứng suất giới hạn chống lại ứng suất cắt đáy.

Các bao cát bằng vải địa kỹ thuật GSC có đủ trọng lượng để chống lại các lực thủy động, được đặt ngẫu nhiên theo thứ tự hình học giống như các hệ thống chống xói thông thường, tạo nên một hệ thống chống xói an toàn và linh hoạt. Chúng kết hợp cả hai yếu tố địa kỹ thuật cần thiết: Lớp lọc cũng như lớp phủ cứng bên ngoài. Thay vì sử dụng vật liệu đá làm vật liệu chống xói, việc sử dụng các bao cát địa kỹ thuật GSC sẽ không gây ảnh hưởng và tổn thương đến lớp phủ chống ăn mòn thép và các thiết bị cáp điện của kết cấu móng tuabin điện gió. Những lợi thế nữa có thể thấy là chúng ta dễ dàng thi công cọc xuyên qua lớp chống xói đã được lắp đặt và hoàn thiện trước.

Từ khóa: Bao địa kỹ thuật, vải không dệt, nền móng điện gió ngoài khơi, cọc đơn.

Key words: Geotextile containers, nonwoven, offshore wind energy foundations, monopiles.

I. GIỚI THIỆU

Việc liên tục phát triển và lắp đặt các tua-bin gió ngoài khơi (OWT) ở độ sâu có thể lên tới 40 m ở biển đặt ra câu hỏi liên quan đến sự ổn định lâu dài của các kết cấu chống đỡ (hình 1).

Giống như mọi cấu trúc ngoài khơi được lắp đặt trên đáy biển, OWT ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy cục bộ, đáy biển và trạng thái cân bằng động giữa các tác động thủy động lực bên ngoài và đáy trầm tích di động. Ở Biển Bắc, đáy biển chủ yếu là cát và cát mịn. Do sự tương tác giữa kết cấu móng và đáy biển, dự kiến sẽ có ít nhiều tác động riêng biết của quá trình xói và bồi lắng trong vùng xung quanh, do dòng chảy và sóng gây ra, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động, khả năng sử dụng và độ ổn định của tuabin gió.

Các quá trình xói phụ thuộc vào thời gian này phụ thuộc vào loại kết cấu, lực tác động thủy động lực học và tính chất đáy biển. Các quá trình xói và các tác động tiếp theo của nó đối với các cấu trúc móng ngoài khơi được mô tả trong Lesny (2010) và Heerten & Peters (2011).

Sau khi xây dựng và đưa vào vận hành 12 OWT với loại móng ba chân tripod (Hình 1) và một trạm biến áp với móng jacket để làm thử nghiệm và nghiên cứu nhà máy năng lượng gió “Alpha ventus” vào năm 2009 ở phía nam Biển Bắc ở độ sâu nước xấp xỉ 30 m, những kết quả đầu tiên về những thay đổi cục bộ ở đáy đã được công bố: Chỉ sau một mùa đông tương đối yên tĩnh không có những cơn bão bất thường, độ sâu xói lên tới 6 m đã hình thành ở trung tâm của các đơn vị móng ba chân tripod, trong khi độ sâu xói tại móng cọc lên tới 4,5 m. Trên các cọc jacket, độ sâu xói lên tới 4,5 m vào năm 2010.

Không có biện pháp bảo vệ chống xói nào đã dung cho các móng nói trên. Xem thêm thông tin về sự hình thành xói đã quan sát được trong Heerten & Peters (2010). Độ sâu xói gần đây được ghi nhận lên tới 7 m và sự phát triển của sự hình thành xói trên toàn cầu bao gồm các loại móng và cọc ba chân tripod được ghi lại trong Dahlke (2011). Các giải pháp chống xói có thể được thực hiện một cách an toàn trong các điều kiện khắc nghiệt ngoài khơi được khuyến nghị.

Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 1: Các loại móng phổ biến cho tua-bin năng lượng gió ngoài khơi.

II. QUÁ TRÌNH XÓI MÒN

Xói xảy ra bất cứ khi nào ứng suất thủy động ở đáy lớn hơn ứng suất cắt tới hạn của đất. Móng cọc cho OWT là một chướng ngại vật dòng chảy, sự hình thành xói như trong Hình 2 đã được biết đến từ nhiều thập kỷ. Sự hình thành xói rất khó dự đoán, do đó cần thiết kế biện pháp bảo vệ chống xói phù hợp. Độ sâu xói tương đối S/D có thể được tính toán bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Đối với dự tính xói (S/D), (S là độ sâu xói, D là đường kính cọc), các phương pháp tiếp cận khác nhau được xuất bản trong Lesny (2010). Theo Sumer và Fredsoe (2002), độ sâu xói trung bình S/D = 1,3 với độ lệch chuẩn 0,7 có thể xem xét đến kết hợp thủy động lực học của dòng chảy và sóng. Theo xác nhận của Germanischer Loyd, độ sâu xói cần được xem xét cho thiết kế móng cọc S/D = 2. Trên thực tế, những kinh nghiệm gần đây về phát triển xói dẫn đến giả định rằng độ sâu xói S/D = 2,5 có thể không mức an toàn đối với các địa điểm ngoài khơi.

Khoảng cách các cọc càng lớn thì ứng suất thủy động lực ở đáy càng bé. Gần cọc, dòng chảy có thể tăng lên hệ số 2 (Hình 3). Ứng suất cắt đáy có thể tăng lên đến hệ số 4. Trong Whitehouse (1998), việc mở rộng kích thước nên được xem xét cho các hệ thống chống xói từ 3 đến 4 x D với D là đường kính cọc.

Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 2: Sự hình thành xói đối với cọc đơn (mono-piles) có D/L
Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 3: Tăng dòng chảy do tác động thủy động lực đối với cọc đơn monopole (Heerten & Peters, 2010).

III. BẢO VỆ CHỐNG XÓI

Các phương án bảo vệ chống xói mòn được phát triển để bảo vệ bờ và đáy thường được thực hiện bằng một lớp lọc được bao phủ bởi một lớp cứng bên ngoài. Nhưng việc chuyển các hệ thống cổ điển này sang điều kiện ngoài khơi cần phải được thảo luận. Trong trường hợp lớp đất đáy mịn, độ sâu nước lớn, dòng chảy hoặc sóng mạnh, hiệu quả thực tế của việc bảo vệ chống xói cổ điển thường không đạt được. Không có hệ thống chống xói nào hoạt động hiệu quả, nếu bỏ qua lớp lọc giữa lớp vỏ cứng và lớp đất mịn dưới đáy, vì lớp vở cứng sẽ chìm xuống sâu.

Nhiều thiết kế chống xói vẽ lớp lọc bằng sỏi đẹp mắt đã được thi công. Nhưng kiểm tra kỹ hơn cho thấy rằng các giai đoạn thực hiện và trạng thái cuối cùng khác xa với các khái niệm thiết kế ban đầu. Các lớp lọc cổ điển được làm từ hỗn hợp sỏi trãi rộng (ví dụ 1-200 mm), được bao phủ bởi một lớp vỏ vật liệu cứng (các lớp đá, rip-rap). Lớp vỏ vật liệu cứng là cần thiết để giữ cho lớp lọc sát với nền di động để ổn định đáy dưới (tránh dịch chuyển đất ở đáy).

Lớp vỏ vật liệu cứng cung cấp trọng lượng cần thiết và độ ổn định chống lại các lực thủy động, do đó lớp đất bên dưới có thể được ổn định do lực giữ lại. Do đó lớp lọc cần giữ được đất nhưng khả năng thấm nước cao. Trong Heerten (1981) những kinh nghiệm ban đầu về các kỹ thuật chống xói khác nhau cho các kết cấu ngoài khơi đã được đưa ra. Những vấn đề nêu trên vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay, sau 30 năm.

Lớp vỏ vật liệu bên ngoài làm bằng rip-rap (đá xô bồ), thì luôn cần có lớp lọc bên dưới; nếu không thì sự phát triển xói sẽ không thể dừng lại. Các lớp lọc dạng hạt theo tiêu chí THERZAGI chắc chắn sẽ không hoạt động ở các khu vực ngoài khơi, nhưng các lớp lọc là yếu tố quan trọng

• Các lớp vỏ vật liệu cứng sẽ chìm xuống đáy,

• Lớp chống xói có thể bị phân tán do xói trên bề mặt và xói lở ở cạnh,

• Lớp đất ở đáy có thể bị hút ra ngoài qua lớp chống xói,

• Việc đổ đá gây rủi ro đối với các vật liệu nhạy cảm (dây điện và lớp bảo vệ chống ăn mòn),

• Đá của lớp vỏ vật liệu có trọng lượng cao có thể xuyên qua lớp lọc.

Các thiết kế mặt cắt điển hình dạng hạt cũng như vải địa kỹ thuật cho các giải pháp chống xói cho OWTs được thể hiện trong Hình 4. Trái ngược với các giải pháp dạng hạt, một hệ thống đơn giản hóa được tạo bởi 2 lớp bao cát vải địa kỹ thuật chắc chắn làm bằng vải lọc không dệt:

Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 4. Giải pháp chống xói cho nền móng của OWT (OWT = Turbine điện gió ngoài khơi). Ở trên: giải pháp dạng hạt và bên dưới: giải pháp với bao vải địa kỹ thuật.

IV. CHỐNG XÓI BẰNG BAO CÁT ĐỊA KỸ THUẬT (GSC)

Khái quát

Dựa trên kinh nghiệm lâu dài thu được từ các biện pháp bảo vệ chống xói và đo đạc ổn định đã thực hiện, việc sử dụng các bao cát vải địa kỹ thuật chắc chắn, được sản xuất từ vải địa kỹ thuật Không Dệt dày (NW GSC) mang lại những lợi ích đáng kể như bảo vệ chống xói cho các tua-bin gió ngoài khơi:

• Nếu được đặt thành hai lớp và được thiết kế phù hợp thì không cần thêm bất kỳ lớp màng lọc hoặc lớp phủ nào nữa. Hai lớp bao GSC (bao cát địa kỹ thuật) bảo vệ chống xói hoàn toàn (Hình 4). Quá trình thi công được đơn giản hóa và không có lớp vật liệu cứng nặng nề nào có thể làm hỏng thiết bị nền móng của tuabin đắt tiền trong quá trình thi công.

• Kích thước của bao GSC phải to nhỏ phù hợp để chịu được tải trọng thủy động và ổn định trước lực dịch chuyển. Khi dung lượng của bao GSC lên tới từ khoảng V = 1 m³ đến 1,5 m³, việc sử dụng vải địa không dệt xuyên kim với khối lượng trên một đơn vị diện tích mA = 600 g/m² đã được chứng minh là có hiệu quả, và đã được sử dụng thành công trong nhiều thập kỷ như vải địa kỹ thuật lọc trong công trình thủy và nước. Từ đó, một lớp bảo vệ chống xói linh hoạt được tạo ra và được hỗ trợ bởi các hiệu ứng đan vào nhau giữa các bao GSC.

• Vật liệu vải địa kỹ thuật cần phải được chứng minh trong các thử nghiệm hiệu suất đặc biệt về độ bền, khả năng chống mài mòn và hiệu quả lọc, điều này nên tập trung vào các ứng dụng thủy lực cho vải địa kỹ thuật. Hướng dẫn RPG (1994) để thử nghiệm vải địa kỹ thuật từ BAW (Cơ quan Nghiên cứu Liên bang về Đường thủy Đức) được khuyến nghị sử dụng. Các phương pháp cho cát vào và vận hành khác nhau có thể được phát triển. Các ví dụ được hiển thị từ Hình 5 đến Hình 7.

Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 5. Thi công, cho cát vào và may kín các bao địa tại “Eidersperrwerk” (1993).
Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 6. Lắp đặt ổn định xói bằng cách sử dụng sà lan/tàu đổ đá (1993).
Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 7. Lắp đặt ổn định xói bằng cách sử dụng cần cẩu (1994) tại Cảng List / đảo Sylt (trái) và phải: lắp đặt bảo vệ chống xói cho một cọc điện gió ngoài khơi ở Ireland (2011).

• Xói có thể xảy ra đồng thời hoặc ngay sau khi thi công cọc. Vì vậy cần bảo vệ đáy chống xói trước khi đóng cọc. Bằng cách sử dụng bao GSC bằng vải địa không dệt được đặt ở toàn bộ khu vực đáy trước khi đóng cọc, việc bảo vệ chống xói sẽ nguyên vẹn cả trước và sau khi đóng cọc. Không cần bổ sung thêm biện pháp bảo về đáy khác.

Điều này trái ngược với các phương pháp cũ, khi quá trình đóng cọc không thể thực hiện qua các lớp vỏ cứng bên ngoài mà phải qua lớp lọc. Điều này có nghĩa là lớp lọc dạng hạt thường lộ ra ngoài và không được bảo vệ (bởi lớp vỏ cứng chưa thi công) trong nhiều tháng và do đó không an toàn chống xói . Kinh nghiệm

Là dự án tiên phong dùng GSC, việc ổn định xói ở độ sâu 30 m và độ dốc 1:1 tại barrier chống triều cường của sông Eider là một cửa biển Bắc được áp dụng. Câu hỏi được đặt ra: “Làm thế nào để lắp đặt một lớp lọc dạng hạt một cách an toàn trên mái xói lở di động ở độ sâu 30 m nước và dòng chảy mạnh thường xuyên”? Từ quan điểm vật lý, lớp lọc cần bao gồm cát và sỏi cát được lắp đặt tối thiểu hai lớp khác nhau để phù hợp nhất với điều kiện nền đất hoặc hỗn hợp sỏi lọc đa dạng được phân loại hợp lý (0/150 mm) trong một lớp.

Các hỗn hợp sỏi lọc trên phạm vi rộng như vậy sẽ ổn định chống xói trong xây dựng lộ thiên trừ khi lớp phủ được lắp đặt, nhưng về mặt vật lý, các lớp lọc phân bố hạt được thiết kế cẩn thận như vậy sẽ phân tách khi rơi qua độ sâu nước d > 2 m nếu độ đồng đều của hạt U = d60/d10 > 5. Các hạt nặng hơn sẽ rơi nhanh hơn trong nước so với các hạt nhỏ hơn. Hỗn hợp này sẽ không chạm đáy một cách an toàn như nó đã được trộn ban đầu. Các hạt mịn hơn sẽ rơi theo sau các hạt thô hơn, do đó sẽ có một tình huống bất lợi của lớp lọc “ngược lại” với đáy.

Các hạt mịn hơn sẽ bị xói ngay sau khi lắp đặt dưới dòng chảy và hiệu ứng ổn định đối với lớp đất phía dưới bị giảm. Do đó, hỗn hợp sỏi được thiết kế rộng rãi ít nhiều vô giá trị. Các lớp lọc có độ đồng nhất của hạt U 0,5 m/s. Do đó, đối với dự án “Eidersperrwerk”, ý tưởng đã được đưa ra là nhét hỗn hợp sỏi đa dạng vào các bao vải địa kỹ thuật làm từ vải không dệt xuyên kim (bao NW GSC) để tránh các quá trình phân tách trong các hoạt động đổ sỏi từ mặt nước.

Từ đầu năm 1993, giải pháp này là sự khởi đầu của việc sử dụng thành công bao NW GSC bền và linh hoạt với dung tích bao V = 1 m3 làm vật liệu ổn định chống xói. Khoảng 48.000 bao GSC đã được lắp đặt thành công bằng cách thả từ mặt nước. Giải pháp này là duy nhất trên toàn thế giới và được coi là cực kỳ thành công. Chưa tới 10 trong số 48.000 bao GSC bị hư hỏng trong quá trình lắp đặt. Thông tin chi tiết được đưa ra trong Heibaum (2002a, 2002b).

Vào năm 1994, các dòng triều cường mạnh tại Ley of List (Đảo Sylt, Biển Bắc, Đức) đã gây ra sự hình thành xói nghiêm trọng với độ nghiêng 1:1 và độ sâu 20 m xung quanh khu vực đáy cọc ván của công trình bờ sông. Sự ổn định kết cấu của vách ngăn thép bên bờ biển có nguy cơ bị lật đổ. Chiều sâu chôn cọc của cọc ván phải được bảo vệ bằng cách sử dụng khoảng 7.000 bao vải địa kỹ thuật để ổn định xói ngay lập tức.

Việc thi công đã được thực hiện bằng cách sử dụng cần cẩu. Sau 12 năm được sử dụng trong môi trường khắc nghiệt ở Biển Bắc, các cuộc điều tra và khảo sát đã được tiến hành (Schade, 2008). Các mái nghiêng xói được ổn định tốt và bề mặt vải không dệt được bảo vệ bởi một lớp tảo và trai tự nhiên. Dòng thủy triều thường xuyên (2 m/s) cho thấy độ ổn định thủy lực tốt của bao NW GSC.

Giàn đo lường ngoài khơi Amrumbank West đã hoạt động từ năm 2005 đặt cách khoảng 100 km trước bờ biển phía tây của Schleswig-Holstein. Bên cạnh giàn nghiên cứu FINO 1 và FINO 3, dữ liệu khí tượng thủy văn được thu thập, điều tra các điều kiện môi trường cho các nhà máy điện gió ngoài khơi ở Biển Bight/Biển Bắc của Đức. Giàn đo lường bao gồm một móng cọc đơn được trang bị các thiết bị đo lường và tháp khung thép.

Tổng chiều cao là 135 m với đường kính cọc đơn D = 3,5 m ở đáy. Ở độ sâu nước 23 m, tổng số 450 bao NW GSC, thể tích 1 bao V = 1 m³ (trọng lượng G ~ 1,6 t) đã được đặt xung quanh cọc đơn để bảo vệ chống xói. Kể từ khi bắt đầu vào năm 2005, công trình bảo vệ xói này đã đứng vững hơn 5 năm với các dòng chảy từ sóng, gió và thủy triều; bao gồm cơn bão lớn “Britta” vào tháng 11 năm 2006 và tất cả các cơn bão khác trong giai đoạn này. Vào tháng 6 năm 2009, các cuộc khảo sát sonar (siêu âm dưới nước) đã được thực hiện để chụp và scan sự hình thành của đáy.

Hướng sóng chính từ tây bắc và tây nam làm bao địa GSC được bao phủ bởi cát, nhưng không thể phát hiện xói lở như xảy ra tại các công trình khác sau một năm (Alpha Ventus). Công trình chống xói đã tồn tại thành công trước mọi tác động từ các dòng chảy do sóng, gió và thủy triều trong giai đoạn vận hành cho đến nay với dung tích mỗi bao NW GSC khoảng 1 m³ và trọng lượng là 1,6 tấn. Hơn nữa, hệ thống chống xói cho khu điện gió ngoài khơi Amrumbank West đã được hiện thực hóa bằng các bao cát vải địa kỹ thuật GSC.

Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 8: Sinh vật biển phát triển trên bề mặt chống xói bằng Secutex® SoftRock sau 10 năm đặt dưới nước (Schade, 2008).

V. KẾT LUẬN

Vật liệu địa kỹ thuật được chấp nhận và là vật liệu xây dựng thiết yếu để sử dụng trong kỹ thuật thủy lợi. Nền tảng cho sự phát triển toàn cầu này là việc vải lọc không dệt đầu tiên tại Mittellandkanal của Đức vào năm 1969. Ngày nay, hơn 40 năm sau, khoảng 200 km kè gần như không cần bảo trì tại các kè của Mittellandkanal được thực hiện bằng vải địa kỹ thuật lọc được xác nhận là thành công. Bảo vệ đê bờ và đáy được thực hiện theo cách giống như bảo vệ chống xói.

Cả hai hệ thống đều yêu cầu bộ lọc cho lớp biên ổn định và lớp bề mặt phải chịu được các tác động thủy động lực. Geotextile filter layers are an effective and erosion-stable alternative to granular filters if made from thick and robust needle-punched nonwovens Các lớp lọc bằng vải địa kỹ thuật là một giải pháp thay thế hiệu quả và ổn định chống xói cho các bộ lọc dạng hạt nếu được làm từ các sản phẩm vải địa không dệt xuyên kim dày và chắc chắn.

Khả năng chống đâm thủng động chống lại đá rơi là rất tốt khi xem xét rằng vải địa kỹ thuật thường được biết là nhạy cảm với tải trọng cơ học. Ý chính đằng sau điều này là do độ dãn dài tốt của vải địa không dệt xuyên kim, vật liệu sẽ ngăn chặn một cách an toàn các ứng suất tới hạn trong các tác động động.

Kinh nghiệm trong các dự án từ đầu những năm 1990 và được nghiên cứu trong các thử nghiệm sóng khác nhau (Recio, 2008) và khảo sát thực địa (Schade, 2008, Heerten & Peters, 2011) các bao bằng vải địa kỹ thuật chứa đầy cát là những yếu tố hiệu quả cho các mục đích trong kỹ thuật thủy lợi. Các bao GSC này được làm từ vải địa không dệt xuyên kim (NW GSC), đơn giản hóa việc bảo vệ chống xói bằng cách thay thế vỏ cứng và lớp lọc.

Không cần bổ sung vật liệu dạng hạt để bảo vệ chống xói. Nhiều dự án sử dụng bao NW GSC để bảo vệ chống xói đã được thực hiện từ năm 1990. Ngoài ra, đã có kết quả từ các phân tích về hiệu quả sau 10 năm dùng dưới nước.

Các công trình móng của OWT (turbine điện gió ngoài khơi) cần được bảo vệ bằng các hệ thống đơn giản và dễ thi công do độ sâu của nước là 40 m và điều kiện khí hậu sóng gió rất khắc nghiệt. Bằng việc dùng bao NW GSC bảo vệ xói, có thể giảm chi phí cho thị trường năng lượng điện gió ngoài khơi đang phát triển, tăng độ ổn định và bền cọc.

Những trải nghiệm tích cực về tính hiệu quả đã đạt được trong các thử nghiệm với Luồng Sóng Lớn (GWK), ở Hanover, Đức (Hình 9). Những trải nghiệm rất thú vị trên thực tế thu được từ cuộc khảo sát bảo vệ chống xói cho kết cấu cọc Amrumbank West (Hình 10). Việc chống xói của bao GSC tại điện gió ngoài khơi Amrumbank West thể hiện thuyết phục về chức năng và độ bền của giải pháp.

Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 9: Thử nghiệm mô hình vật lý về hiệu quả bảo vệ chống xói cho các nền móng OWT (Gruene et al, 2007).
Nền móng điện gió ngoài khơi: Chống xói hiệu quả bằng bao cát địa chất kỹ thuật
Hình 10: Chống xói 5 năm phục vụ cho cọc ngoài khơi Amrumbank West (Heerten & Peters (2011).

Janne Kristin Pries
Naue GmbH&Co. KG, Gewerbestraße 2, D-32339 Espelkamp
Nguyễn Ngọc Hoàng
Naue Asia SDN BHD 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dahlke, C. (2011): Offshore Windenergie: Genehmigungsverfahren, Stand der Planung, aktuelle Entwicklungen, Seminar Baugrunderkundung, Gründungsinstallation und -monitoring für Offshore-Windenergieanlagen, Haus der Technik, Essen, Germany, 7th and 8th December 2011 (in German).

2. Grüne, J., Sparboom, U.; Oumeraci, H., Schmidt-Koppenhagen,R, Wang, Z.,  Hildebrandt, A. (2007): Offshore-wind turbines – Large-scale investigations on scour protection for monopile foundations under sea state conditions. Conference Windforce 2007, Bremerhaven.

3. Heerten, G. (1981): Experience of different Scour protection Techniques at Offshore-Structures in the North Sea. 5th Australian Conference on Coastal and Ocean Engineering, 25-27 Nov. 1981.

4. Heerten, G. (2010): Geotextile containers for coastal and hydraulic engineering structures made of specially designed nonwoven geotextiles. Key-Note Lecture on 9th International Conference on Geosynthetics ICG. Rio de Janeiro, Brasil, 2010.

5. Heerten, G. & Peters, K. (2011): Kolkschutz für Offshore-Windenergieanlagen in der Nordsee. Fachzeitschrift geotechnik, 34. Jahrgang, Ausgabe 1/2011, in German, S. 51 – 58.

6. Heibaum, M. (2002a): Scour Protection and Repair by Filtering Geosynthetics Containers. First International Conference on Scour of Foundations, ICSF-1, Texas A&M University, College Station, Texas, USA, November 17-20, 2002.

7. Heibaum, M. (2002b): Geosynthetic containers – a new field of application with nearly no limits. 7th International Conference on Geosynthetics, Nice, France, 2002. 

8. Peters, K. (2011): Kolkschutzmaßnahmen für Offshore-Windenergieanlagen, Seminar Baugrunderkundung, Gründungsinstallation und -monitoring für Offshore-Windenergieanlagen, Haus der Technik, Essen, Germany, 7th and 8th December 2011 (in German).

9. Recio, J. (2008): Hydraulic Stability of Geotextile Sand Containers for Coastal Structures – Effect of Deformations and Stability Formulae. Publication: Institute for Hydrodynamics and Coastal Engineering (Leichtweiss-Institute LWI), Technical University Braunschweig, Germany.

10. RPG (1994): Guidelines for testing geotextiles for navigable channels. Federal Waterways Engineering and Research Institute (BAW), Karlsruhe, Germany.

11. Schade, D. (2008): Long term stability of a harbour protection measure. Proceedings, International Conference on Coastal Engineering ICCE, Hamburg. August 31 to September 5, 2008.

12. Sumer, B.M. and J. Fredsøe, 2002: The mechanics of scour in the marine environment, World Scientific Publishing Co. Pte. Ltd. Singapore. ISBN 981-02-4930-6.

13. Whitehouse, R. (1998): Scour at marine structures, Thomas Telford, London, UK, ISBN 0-7277-2655-2.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích