VN-Index rung lắc tuần cuối năm, nhà đầu tư có ‘hốt bạc’ từ chứng khoán?

Thị trường vừa có tuần giao dịch không như kỳ vọng, các chỉ số điều chỉnh, thanh khoản sụt giảm mạnh. Nhà đầu tư có xu hướng bán hạ tỷ trọng margin và cổ phiếu trước kỳ nghỉ lễ. Tuần giao dịch cuối năm, trong bối cảnh dòng tiền suy yếu, chuyên gia cho rằng, khó kỳ vọng đà đi lên rõ nét của thị trường.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào giai đoạn ảm đạm trước tết với sự sụt giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản. Cụ thể, áp lực bán mạnh đã diễn ra trong 2 phiên đầu tuần, khiến cho chỉ số VN-Index giảm mạnh khoảng 2,8% về mức 1.023 điểm.

Kết tuần, VN-Index giảm 3,1% về mức 1.020,3 điểm. HNX-Index giảm 3,6% về mức 205,3 điểm, và UPCoM-Index cũng giảm 1,6% xuống 71 điểm

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn giảm 2,2% so với tuần trước về 15.806 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại vẫn duy trì mua ròng trên sàn HoSE với giá trị đạt 1.373 tỷ đồng (-25,9% so với tuần trước). Đồng thời, khối ngoại cũng tăng gấp 3 lần giá trị mua ròng trên sàn HNX-Index với giá trị đạt 120 tỷ đồng nhưng lại bán ròng 37 tỷ đồng trên sàn UPCoM-Index (so với bán ròng 4 tỷ đồng tuần trước).

VN-Index rung lắc tuần cuối năm, nhà đầu tư có ‘hốt bạc’ từ chứng khoán?
Giá trị giao dịch của các nhóm nhà đầu tư qua các phiên trong tuần (thống kê: FiinTrade)

Ngân hàng và bất động sản (2 ngành trụ của thị trường) chứng kiến áp lực bán gia tăng. Cụ thể, ngành bất động sản ngoại trừ VHM (+1%), các cổ phiếu khác thuộc nhóm này đều giảm mạnh như NVL (-17%), PDR (-10%), KDH (-4,6%) và NLG (-1,6%).

Sự phân hóa diễn ra đối với ngành ngân hàng khi MBB (-5,6%), TCB (-5,3%), VIB (-5,5%) đều giảm trong khi STB (+3,1%), EIB (+1,6%) lại có hiệu suất đầu tư khả quan trong tuần qua. Sự sụt giảm của thị trường còn đến từ nhiều ngành khác, trong đó có ngành Chứng khoán với các cổ phiếu như VND (-12,8%), HCM (-8,4%) và SSI (-10,7%). Điểm sáng hiếm hoi tuần qua có thể kể đến các cổ phiếu phòng thủ như NT2 (+2,7%) và PC1 (+1,9%).

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, tuần qua, với diễn biến vĩ mô không có thêm thông tin trọng yếu, sự sụt giảm về điểm số và thanh khoản có thể được lí giải bởi tâm lí thận trọng và rút tiền trong thời điểm Tết cận kề. Thị trường đã có một tuần giao dịch không như kỳ vọng khi các chỉ số chứng khoán điều chỉnh cùng với thanh khoản sụt giảm mạnh. Nhà đầu tư có xu hướng bán hạ tỷ trọng margin và cổ phiếu trước kỳ nghỉ lễ.

Ngân hàng Nhà nước có tuần hút ròng mạnh trên thị trường mở nhằm kéo lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tăng trở lại để duy trì chênh lệch đủ hấp dẫn so với lãi suất đồng USD. Động thái này là để hỗ trợ tỷ giá trước áp lực tỷ giá quay trở lại. Tuy nhiên, điều này khiến thanh khoản có xu hướng co hẹp lại và tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn.

Sang tuần giao dịch cuối năm, ông Hinh cho rằng, dòng tiền có thể tiếp tục co hẹp trước kỳ nghỉ lễ khi nhà đầu tư trong nước có xu hướng hạ tỷ trọng margin và cổ phiếu. Trong khi đó, giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài có thể sụt giảm khi bước vào tuần nghỉ lễ giáng sinh và năm mới.

“Trong bối cảnh dòng tiền suy yếu, khó có thể kỳ vọng đà đi lên rõ nét của các chỉ số chứng khoán trong tuần tới. Nhiều khả năng, chỉ số VN-Index giằng co trong biên độ hẹp 1.000-1.050 điểm trong tuần tới với thanh khoản thấp. Do đó, nhà đầu tư có thể canh những phiên tăng để chủ động hạ tỷ trọng margin và cổ phiếu về ngưỡng an toàn trong tuần giao dịch cuối năm”, ông Hinh khuyến nghị.

Tuần sau là tuần cuối cùng của năm tài chính 2022, hoạt động chốt NAV của các quỹ đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường. Dù vậy, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch với thanh khoản thấp với xu hướng đi ngang ở chỉ số, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch hoặc nắm giữ với tỷ trọng cổ phiếu thấp.

Với diễn biến hiện tại khi thanh khoản đã xuống mức thấp, chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, VN-Index sẽ rung lắc, có thể có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành để tìm điểm cân bằng trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm mới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích