Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp cận nhanh cuộc CMCN 4.0

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, từ khi triển khai Đề án 844 từ năm 2016 đến nay, Việt Nam từ hệ sinh thái khởi nghiệp kém năng động đã vươn lên vị trí thứ 3 về thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia (GII) đứng thứ 48/132 quốc gia, đứng đầu trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Đến hết năm 2021, đã ghi nhận hơn 1,5 tỷ USD đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, cao nhất từ trước đến nay. Trong 3 quý đầu năm 2022, Việt Nam thu hút gần 500 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ do bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp. Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và tăng trưởng tốt về số lượng. Cả nước hiện có khoảng 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp tư nhân; hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có hơn 200 không gian làm việc chung, 79 cơ sở ươm tạo, 29 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 170 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ khởi nghiệp lâu dài.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trong đó khẳng định chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ của cuộc cách mạng 4.0. Khái niệm đổi mới sáng tạo mở được doanh nghiệp, các đối tượng khởi nghiệp và cơ quan chức năng tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở.

Năm 2022, để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, Bộ KH&CN phối hợp các địa phương, các vùng tổ chức ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các hoạt động phát huy thế mạnh của địa phương, đưa ra sản phẩm đặc thù, phát triển xanh, bền vững cùng với ý tưởng của những người khởi nghiệp rất sáng tạo, gắn với vùng miền, xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của vùng.

Theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, thế giới đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều từ hậu quả của đại dịch Covid-19; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia…

Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh đó, mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và đang lấy lại đà tăng trưởng. Trong 11 tháng năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 137.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 32,2 % so với năm trước.

“Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý 1 năm 2023. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh trong đó có hoạt động khởi nghiệp”, ông Nghĩa nhận định.

Đồng thời ông cho biết, năm 2022, hoạt động khởi nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước, các trường đại học/cao đẳng được quan tâm với việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở. Đây là xu hướng đang triển khai ở nhiều nước trên thế giới, còn ở Việt Nam, được kỳ vọng tạo sự đột phá trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ năm 2022”.

Tháng 4/2022, lần đầu tiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghệ Việt Nam vinh dự khi được đồng chủ trì với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao tại TP.Hạ Long mà khách mời tham dự rất đặc biệt, chỉ là Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố. “Sau Diễn đàn, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia với sự hỗ trợ chuyên môn từ Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia – VSMA đã hợp tác, phối hợp với một số địa phương để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như thúc đẩy các hoạt động kết nối theo tinh thần của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở”, ông Bùi Trung Nghĩa cho biết.

Đặc biệt, năm 2022 lại tiếp tục khẳng định sự nỗ lực của VCCI trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua việc phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP Việt Nam) cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.

Ông Nghĩa cũng nhận định hoạt động khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2023 sẽ gặp nhiều thách thức khi chứng kiến sự sụt giảm trên toàn cầu và ở khu vực Đông Nam Á về dòng vốn đầu tư mạo hiểm và những thách thức của nền kinh tế nước ta trong việc kiểm soát lạm phat, ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu về vốn, nguồn lực cho phát triển. Việt Nam với thị trường gần 100 triệu dân, với độ mở và hội nhập của nền kinh tế cao, tăng trưởng ổn định ở mức 6-6,5% (không tính 2 năm 2020 và 2021 do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19) và nằm trong khu vực Đông Nam Á phát triển năng động vẫn đang được coi là thị trường hấp dẫn đối với các dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Mặt khác, sự thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của ứng dụng tri thức, khoa học và công nghệ thành quả của cuộc CMCN 4.0 trong đời sống, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cùng những nỗ lực của Chính phủ và các lệnh cấm, bộ , ngành đưa ra các chính sách, giải pháp cho cộng đồng, xã hội và thị trường sẽ là những yếu tố quan trọng để có thể thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

“Hơn nữa, sự kết nối, hợp tác để làm chủ và ứng dụng thành công công nghệ cao trong các dự án khởi nghiệp để hướng tới những mục tiêu có tính nhân văn, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của cộng đồng đang tồn tại trở thành xu thế mà các nhà sáng lập doanh nghiệp Việt đang tập trung nỗ lực đạt được để thành công. Chúng ta luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ và cổ vũ cộng đồng khởi nghiệp trong những nỗ lực vượt bậc của mình”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích