Quy hoạch Tân Uyên đến năm 2040: Phát triển đa cực và nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái
(Xây dựng) – UBND thị xã Tân Uyên đã có Tờ trình về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị xã Tân Uyên đến năm 2040. Theo đó, thị xã Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính, gồm 10 phường và 02 xã với tổng diện tích tự nhiên gần 19.200ha. Định hướng đến 2040, Tân Uyên được xác định là đô thị dịch vụ – công nghiệp – đầu mối giao thông cấp vùng và nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có công nghệ cao.
Mô hình phát triển đô thị Tân Uyên đến năm 2040, tầm nhìn 2050. |
Cấu trúc và không gian phát triển đô thị
Theo Tờ trình UBND thị xã Tân Uyên gửi Sở Xây dựng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thị xã Tân Uyên đến năm 2040 có xác định mục tiêu là cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương, quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đã được duyệt; Định hướng phát triển đô thị phù hợp với chương trình phát triển đô thị thị xã Tân Uyên và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Tân Uyên: Phấn đấu phát triển thị xã Tân Uyên đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025 và tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II đến năm 2030; Củng cố định hướng phát triển thị xã Tân Uyên là 1 trong 6 đô thị trung tâm của thành phố Bình Dương; Là đô thị công nghiệp – dịch vụ – du lịch, đầu mối giao thông vùng, tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình đô thị hóa, phát triển kinh tế theo hướng bền vững và nâng cao chất lượng sống người dân.
Theo đó, định hướng đến năm 2030, Tân Uyên được xác định tính chất là Công nghiệp – Dịch vụ – Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Đến 2040 là đô thị Dịch vụ – Công nghiệp – Đầu mối giao thông cấp vùng và Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có công nghệ cao.
Ông Đoàn Hồng Tươi – Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên cho biết, căn cứ vào tính chất đô thị, Tân Uyên chia các giai đoạn nâng cấp đô thị. Hiện tại, thị xã Tân Uyên là đô thị loại III theo Quyết định số 1504/QĐ-BXD ngày 20/11/2018 của Bộ Xây dựng. Giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu phát triển thị xã Tân Uyên đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025 và tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II đến năm 2030. Giai đoạn 2031 – 2040, hướng đến xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Cũng theo tờ trình của thị xã, cấu trúc đô thị Tân Uyên vẫn tiếp tục phát triển theo mô hình cấu trúc đa cực theo quy hoạch chung được duyệt năm 2012 với các hướng: Khu trung tâm hành chính vẫn xác định tại trung tâm hiện hữu đặt tại phường Uyên Hưng; Khu vực phía Đông Bắc định hướng phát triển khu đô thị công nghiệp trên cơ sở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng thêm kết nối với Khu công nghiệp Vsip III; Khu vực phía Đông Nam hình thành khu đô thị Cảng trên cơ sở phát triển Cảng Thạnh Phước kết nối với Cảng Thái Hòa; Khu vực phía Tây Nam là vùng giao thoa với Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương định hướng cải tạo chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu và khu vực dọc 2 bên tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, phát triển mới các khu vực còn nhiều đất trống có tiềm năng phát triển nhà ở, ưu tiên phát triển dọc trục chính đô thị như ĐT 746, ĐT 742.
Ngoài ra, khu vực phía Tây Bắc và phía Bắc tiếp tục lấp đầy khu công nghiệp Vsip II và phát triển đô thị mới tiếp giáp trục Vành đai 4, Đại lộ Uyên Hưng, Đại lộ Nam Tân Uyên và ĐT 742. Các khu du lịch sinh thái và cảng tiếp tục phát triển trên hành lang sông Đồng Nai. Phát triển nông nghiệp ở 2 khu vực xã Thạnh Hội và Bạch Đằng kết hợp với du lịch sinh thái.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái
Theo quy hoạch, 2 xã Bạch Đằng và Thạnh Hội được xác định cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, phát triển các mô hình du lịch đa dạng dựa trên tiềm năng sẵn có của thị xã. Bạch Đằng có diện tích gần 1.100ha, còn Thạnh Hội rộng hơn 427ha, do đó định hướng phát triển vùng là xây dựng cầu kết nối Bạch Đằng và Thạnh Hội với Đồng Nai; Phát triển thêm các bến du lịch tại các cù lao Thạnh Hội, Bạch Đằng để phục vụ nhu cầu du lịch; Tiếp tục đầu tư khu du lịch Mekong Golf và Villas tại xã Bạch Đằng, mở cầu kết nối Khu du lịch với khu vực nội thị Thị xã Tân Uyên; Phát triển khu vực sản xuất nông nghiệp kết hợp với bến du lịch, dự án sân golf và biệt thự cao cấp nhằm tạo cảnh quan, xây dựng một số cụm công trình dịch vụ nhỏ tập trung phục vụ du lịch sinh thái; Phát triển các loại hình nhà ở mật độ thấp (nhà vườn, biệt thự) tại khu vực tiếp giáp sông Đồng Nai.
Cầu Bạch Đằng kết nối xã Bạch Đằng với thị xã Tân Uyên và giúp phát triển kinh tế – xã hội của vùng cù lao. |
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp ven đô, sinh thái, ứng dụng công nghiệp cao, sản xuất nông sản đạt chất lượng cao, an toàn thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho đô thị. Trong đó, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ.
Ngoài các khu phát triển khu đô thị hiện hữu, hỗn hợp tập trung trên các tuyến đường đô thị chính như Vành đai 4, Đại lộ Nam Tân Uyên, Đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, đường tỉnh ĐT 742, ĐT 746, ĐT 747… Tại các cửa ngõ đô thị cũng xác định phát triển các khu nhà ở thấp tầng, nhà vườn dọc theo sông Đồng Nai và suối Cái, khu vực xã Bạch Đằng và Thạnh Hội. Trong quy hoạch Tân Uyên, đơn vị tư vấn còn đề xuất các khu vực phát triển đô thị với 13 khu vực, trong đó 10 khu vực phát triển đô thị mới và 3 khu vực cải tạo đô thị. Mỗi khu vực đề xuất hàng trăm héc ta đất trở lên, điển hình như khu phát triển đô thị số 3 tại Vĩnh Tân có diện tích rộng gần 800ha.
Bên cạnh đó, khu vực dự trữ phát triển dài hạn sau năm 2040 nhằm phục vụ cho việc phát triển đô thị, các khu chức năng trong tương lai, bao gồm khu vực tập trung ven suối Cái, suối Vũng Da, suối ông Đông, suối cầu ông Hựu, suối Bưng Cù, rạch Hố Đá và 1 phần ranh phía đông phường Uyên Hưng.
Các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện
Theo ông Tươi, đến năm 2025, thị xã tập trung đẩy mạnh phát triển khung giao thông hoàn chỉnh theo cả 02 hướng Bắc Nam và Đông Tây, tập trung đầu tư cho hệ thống giao thông Đông Tây. Trong đó chú trọng xây dựng tuyến cao tốc, Vành đai 4, đường đi Cảng Thạnh Phước, đường đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một kết nối cầu Bạch Đằng 2 qua Đồng Nai, nâng cấp mở rộng hệ thống đường tỉnh như ĐT742, ĐT747A; giao thông thủy chú trọng phát triển mở rộng cảng Thạnh Phước giai đoạn 2, cảng cạn ICD Vĩnh Tân, xây dựng các bến tại Bạch Đằng và Thạnh Hội; khai thác quỹ đất công xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; giải quyết an sinh xã hội và nâng cao mức sống dân cư đô thị; bảo đảm các tiêu chí đô thị đô thị loại II (Bệnh viện đa khoa 400 giường, xây mới trường THPT Thái Hòa, xây mới trường THPT ở Hội Nghĩa…).
Nút giao thông quan trọng hiện hữu kết nối Tân Uyên với các đô thị khác của Bình Dương. |
Đến 2030, tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật các tuyên đường giao thông (Đại lộ Nam Tân Uyên, đường đi cảng Thạnh Phước, các đường trục chính đô thị, cầu Thạnh Hội 2, cầu Thái Hòa); Xây dựng các khu vực phát triển đô thị, chú trọng các khu dọc Vành đai 4, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng logistis kết hợp cảng sông (hiện đại hóa hạ tầng và trang thiết bị đối với các kho bãi hiện hữu, xây dựng cảng Thái Hòa liên thông với cảng Thị Vải…).
Đến năm 2040, xây dựng đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh và hệ thống ga ở Phú Chánh, tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông và các khu vực phát triển đô thị, tiếp tục chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp thành các khu dịch vụ thương mại, các công trình phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế kết hợp khu ở.
Tân Uyên giành 3.400ha đất để phát triển công nghiệp, trong đó Khu – Cụm công nghiệp chiếm 2.700ha (KCN Nam Tân Uyên, KCN Nam Tân Uyên giai đoạn 1, giai đoạn 2, KCN Vsip 2 và 1 phần của KCN Vsip 3), còn lại khu vực cơ sở sản xuất tập trung có diện tích 700ha ở Uyên Hưng, Khánh Bình, Thạnh Phước, Thái Hòa.
Đối với dịch vụ, Tân Uyên cũng giành 240ha để phát triển các trung tâm đô thị cấp vùng, dịch vụ cảng, logistic, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp.
Tổng diện tích đất giành cho các khu vực phát triển đô thị khoảng 4.300ha, trong đó tỉnh đề xuất 5 khu vực phát triển đô thị rộng 2.700ha, Tân Uyên đề xuất 8 khu với tổng diện tích khoảng 1.600ha. Trong 8 khu vực phát triển đô thị của Tân Uyên đề xuất có 3 khu vực cải tạo đô thị (835ha) và 5 khu vực phát triển đô thị mới (825ha).
Nguồn: Báo xây dựng