Doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến xu hướng ‘xanh hoá’ bao bì

Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm xanh tăng mạnh

Thống kê thị trường bao bì nhựa cứng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm ở mức 12,3%, dự báo đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2022, với động lực tăng trưởng từ ngành đồ uống, thực phẩm; đồ dùng gia đình và chăm sóc sức khỏe…

Còn thị trường bao bì nhựa mềm có hai nhóm sản phẩm là bao bì màng đơn và bao bì màng phức hợp. Thị trường sản phẩm này được thúc đẩy nhờ nhu cầu từ ngành thực phẩm đóng gói như cà phê hòa tan, gia vị và xuất khẩu thủy sản.

Tính chung tổng sản lượng bao bì giấy do Việt Nam sản xuất đạt 4,76 triệu tấn (2021) và 4,94 triệu tấn (dự kiến 2022). Bên cạnh đó, khối lượng tiêu thụ giấy bao bì đạt 5,2 triệu tấn (2021) và 5,5 triệu tấn (dự kiến 2022). Ngoài ra, trên bản đồ thế giới, ngành bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép CARG rất cao, dự kiến duy trì ở tốc độ 12,3%/năm đến năm 2023.

Theo chuyên gia, trong tương lai, việc sử dụng các sản phẩm tái chế sẽ trở thành xu hướng. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ngoài các yếu tố như chất lượng, giá cả hàng hóa, bao bì ngày càng chiếm vai trò quan trọng. Bao bì ngày nay không chỉ là công cụ bảo vệ sản phẩm mà còn giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, những loại bao bì, chất liệu bao bì thân thiện môi trường là yếu tố được số đông người tiêu dùng ủng hộ.

Thêm vào đó, trong những năm gần đây, thị trường bao bì có nhiều biến chuyển mạnh mẽ và nhanh chóng do được thúc đẩy bởi xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh tăng lên trên toàn cầu. Ngoài ra, dịch Covid-19 kéo dài cũng làm thay đổi thói quen của một bộ phận lớn người dân từ việc đến quán mua đồ theo cách truyền thống sang cách đặt mua thực phẩm, thức ăn online trên mạng vừa an toàn lại tiện lợi. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến xu hướng đóng gói, bao bì trong thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cũng theo chuyên gia, doanh nghiệp cần đặt mình vào địa vị người mua để nắm bắt nhu cầu khách hàng và thị hiếu tiêu dùng mới trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Nếu như bao bì bắt mắt, khơi gợi tò mò… có thể thu hút khách hàng mua lần đầu nhưng tính bền vững, tiêu chuẩn và thông tin trên bao bì sẽ giữ chân họ dài lâu.

Đối với sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần biết rõ các yêu cầu tại thị trường mục tiêu liên quan đến bao bì để tránh những trường hợp hàng bị từ chối. Đồng thời, đơn vị sản xuất kinh doanh không nên dừng lại ở đổi mới sáng tạo sản phẩm, dịch vụ, mà nên chú động sử dụng bao bì đáp ứng xu hướng tiêu dùng để thu hút khách hàng.

Chuyên gia Hồ Ngọc Phương Thảo chỉ ra rằng, bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa có hai loại; trong đó, bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa; còn bao bì bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp.

 Ảnh minh hoạ

Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân Yến, chuyên gia nghiên cứu về phát triển bền vững, xanh hóa bao bì không nằm ngoài mục tiêu tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường, nhất là tiếp cận xu hướng tiêu dùng mới trên toàn cầu và cơ hội tăng tốc hậu COVID-19. Do đó, tư duy lại bao bì cần phương pháp nghiên cứu phát triển bao trùm sản phẩm, bao bì, dịch vụ như cần cố gắng sử dụng chất liệu tái chế hơn là nguyên chất, ưu tiên hiệu quả và tương thích với hệ thống tái chế, tái sử dụng và xử lý tại địa phương.

Điển hình, tùy tính chất ngành hàng, cam kết của thương hiệu, giá trị cốt lõi doanh nghiệp và kỳ vọng mang lại trải nghiệm cho người dùng… thì định hướng tuần hoàn, gồm: tái chế, dùng lại, tái tạo, cách tân… Doanh nghiệp cần chú trọng công năng của bao bì, tiện nghi cho người dùng, phòng tránh độc hại xâm nhập, sử dụng một loại chất liệu. Hơn thế nữa, nhằm chuẩn bị cho sự bùng nổ sâu rộng của thương mại điện tử đòi hỏi ngành bao bì, nhất là thiết kế bao bì tối ưu hóa cho toàn chuỗi cung ứng. Đồng thời, bao bì carton chiếm ưu thế, cơ hội cho bao bì nhựa mềm có thành phần tái chế.

Doanh nghiệp cần có hành động kịp thời

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam có độ mở cao. Tính đến thời điểm này xuất khẩu đạt trên 700 tỷ USD, 800 tỷ USD sẽ là mục tiêu xuất khẩu của năm tới. Hiện các nước đề cao vấn đề phát triển xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn nên tái chế trở thành xu hướng mới, kể cả sản phẩm bao bì, cao su, may mặc, gỗ… Bao bì thân thiện với môi trường được người tiêu dùng lựa chọn hơn. Doanh nghiệp Việt nên tìm hiểu kỹ và có hướng chuyển dịch kịp thời tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Về đóng gói, bao bì cho thị trường nội địa và xuất khẩu, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, theo xu hướng hiện nay, bao bì phải phù hợp với quy cách mới về thân thiện môi trường. Đồng thời, ghi nhãn bao bì đúng là những cái rất mới và quan trọng hơn bao bì đẹp. Bao bì đẹp cũng tùy phân khúc khách hàng, cái đẹp là cái tinh tế nhất, hấp dẫn nhất song quan trọng vẫn là quy cách.

“Nhật Bản thu gom 600.000 tấn ống nhựa trong đó trên 90% được quay về sản xuất. Các nước đã tái chế bao nylon từ hàng chục năm trước. Còn Việt Nam đang đem chôn rác và đốt rác nhưng không thể đốt được vì chưa phân loại. Cả triệu tấn nhựa hiện chưa tái chế được” – ông Việt Anh nói và cho biết, ở Việt Nam việc tìm hiểu về quy định bao bì, nhãn mác còn rất hạn chế. Trong khi đó, các nước đang áp dụng kinh tế tuần hoàn. Muốn tuần hoàn thì phải dùng nguyên liệu tái chế. Sản phẩm phải quay lại giấy, trở về giấy, ống nhựa phải trở về ống nhựa.

Theo ông Việt Anh, sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có quy định về tái chế, tài chính cho tái chế. Tái chế nghĩa là đưa ra bao nhiêu phải thu lại bấy nhiêu chứ không còn khái niệm chung chung kiểu như sản phẩm thân thiện môi trường. Định hướng những chính sách cụ thể để tái chế dễ dàng thực hiện, ông Việt Anh thông tin thêm, những sản phẩm không tái chế được không cho đầu tư, không duyệt dự án đầu tư. Cần xây dựng quy định trên cơ sở phù hợp. Khuyến khích doanh nghiệp làm tái chế để các doanh nghiệp ai cũng muốn làm tái chế vì tái chế có lời.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích