Linh hoạt trong phòng, chống dịch để đạt được các mục tiêu
Thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên phạm vi cả nước. Với Hà Nội, Thủ đô đã bước sang tuần thứ 6 thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và thực tế đã thu được những chuyển biến tích cực. Tuy số ca nhiễm mới vẫn còn, nhưng về cơ bản chúng ta đã khoanh vùng để bóc tách các F0 để tạo ra nhiều “vùng xanh” an toàn.
Trong suốt thời gian qua, tuyệt đại đa số người dân ủng hộ và tuân thủ nghiêm Chỉ thị của Chủ tịch UBND Thành phố. Nhiều địa bàn, nguyên tắc giãn cách “gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện”… được thực hiện triệt để, đồng bộ.
Ngoài ra, trong những ngày chống dịch khẩn trương, Hà Nội đã làm được rất nhiều việc thiết thực, đóng vai trò làm nên bước ngoặt trong “cuộc chiến” với “giặc Covid-19”.
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân nhằm kiểm soát và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. (Ảnh: Giang Nam) |
Còn nhớ, trong ba làn sóng dịch bệnh trước đây, khi có các ca dương tính Hà Nội đã chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Nhờ sự sát sao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, Hà Nội đã thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh.
Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, làn sóng dịch bùng phát trở lại, đánh dấu đợt dịch lần thứ tư. Ở phía Bắc, dịch tấn công vào các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khác, trong đó có Hà Nội. Hà Nội đã nhanh chóng tiến hành những đợt xét nghiệm thần tốc, trên diện rộng, trong đó lấy 1 triệu mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR đối với các khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao. Sự quyết liệt này đã góp phần tích cực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Đến nay, bên cạnh thực hiện chiến lược “5K + vắc xin”, Thành phố kiên trì phương châm truy vết thần tốc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ, không để bùng phát thành ổ dịch lớn. Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những cơ sở, khu vực có nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc đối với những người về từ các địa phương có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Công tác kiểm soát dịch được thắt chặt trên địa bàn Thủ đô. (Ảnh: Giang Nam) |
Các ban, ngành chức năng của Hà Nội cũng vào cuộc tích cực. Đó là đẩy mạnh tiến hành kiểm tra, kiểm soát những trường hợp ra ngoài không cần thiết, vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là việc thúc đẩy nhanh nhất công tác tiêm vắc xin diện rộng cho người dân… Trong sự cố gắng của Hà Nội, sự nỗ lực ngày đêm phòng, chống dịch bệnh của những người dân có ý thức và tuân thủ thì vẫn còn xảy ra hiện tượng một vài nơi còn lơ là… Nhưng phải khẳng định, những vi phạm này là cá biệt, tựa như “con sâu làm rầu nồi canh”, hoàn toàn không mang ý nghĩa đại diện cho cả một tập thể.
Thời gian giãn cách xã hội lần thứ 3 gần kết thúc, vấn đề mà người dân quan tâm là Thành phố sẽ chọn phương chống dịch nào để đạt hiệu quả nhất?
Quan điểm nhất quán và có tính nguyên tắc của Đảng bộ, chính quyền Thành phố là luôn lấy “người dân là trung tâm, là chủ thể”. Bảo vệ sức khỏe nhân dân, hạn chế tối đa việc lây nhiễm trong cộng đồng tiến tới đẩy lùi dịch bệnh luôn là quan điểm xuyên suốt. Tuy nhiên, xác định virus SARS-CoV-2 luôn luôn có những biến chủng khó lường, bởi vậy phải có những “đối sách” trong chiến lược phòng, chống dịch để phù hợp với thực tiễn cuộc sống trên tinh thần cầu thị và khoa học. Một mặt phải đảm bảo an toàn không để dịch bùng phát, một mặt phải đảm bảo cho hoạt động sản xuất- kinh doanh trở lại.
Bên cạnh phòng, chống dịch công tác an sinh, đẩy mạnh chăm lo cho người lao động được các cấp Công đoàn Thủ đô quan tâm thực hiện. (Ảnh: Giang Nam) |
Trên tinh thần đó, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã đưa ra kịch bản quyết liệt phòng, chống dịch với phương án phân 3 vùng đối với 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội, áp dụng từ ngày 6-21/9.
Theo đó, vùng 1 là “vùng đỏ” nơi có nguy cơ cao về lây nhiễm cộng đồng sẽ “siết chặt” việc giãn cách để bóc tách các F0…; Vùng 2, phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1. Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, có thể chia thành phân khu trong phân vùng để tổ chức thực hiện đảm bảo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” trong Vùng 2 cho các khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi…; Vùng 3, là vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.Chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy, toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện của Phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín…
Việc phân vùng này theo đánh giá của các chuyên gia là rất khoa học, linh hoạt đáp ứng được 2 mục tiêu cốt lõi: Khoanh vùng để hạn chế lây lan, bóc tách triệt để các F0 ra khỏi cộng đồng; nơi an toàn và tương đối an toàn đẩy mạnh sản xuất- kinh doanh để không ảnh hưởng đến đứt gãnh kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đây chính là cách làm linh hoạt phù hợp thực tiễn cuộc sống dựa trên nền tảng khoa học của Thành phố.
Trong lúc chờ phủ tiêm vắc xin để tiến tới miễn dịch cộng đồng, để đại dịch sớm được đẩy lùi, để các phương án phòng, chống dịch của Đảng bộ, chính quyền Thành phố vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất, vấn đề còn lại phụ thuộc sự chấp hành và vào cuộc của chính quyền các cấp, toàn thể hệ thống chính và tất cả người dân, cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp. Sinh thời, Hồ Chủ Tịch từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là bài học vô cùng quý giá của dân tộc ta qua hàng ngàn năm dựng và giữ nước trước bao thiên tai, địch họa mà chúng ta cần tiếp tục phát huy.
Nguồn: Báo lao động thủ đô