Nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch trực tuyến, thực hiện hiệu quả Đề án 06

Để triển khai Đề án 06 thuộc lĩnh vực của ngành, Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành, Sở Tư pháp kiểm tra, rà soát, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch (đặc biệt là 3 dịch vụ đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử) được đăng ký đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và được cập nhật kịp thời trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

Đồng thời, triển khai thực hiện việc tích hợp, cung cấp các thủ tục hành chính thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch trên Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh (nay là Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh), liên thông dữ liệu từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp để tránh việc nhập lại dữ liệu, công chức phải sử dụng nhiều phần mềm.

Nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch trực tuyến, thực hiện hiệu quả Đề án 06
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.

Bộ Tư pháp đã chủ trì rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên Thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID. Tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp.

Về tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đến nay có 70 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp. Đồng thời, trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã kết nối thêm 30 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 50 dịch vụ công và đang rà soát, tái cấu trúc quy trình, kiểm thử để kết nối các dịch vụ công trực tuyến còn lại lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch. Số Sổ hộ tịch đã được số hóa là 2.524.892 sổ với trên 29 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên 22 triệu dữ liệu. 23/63 tỉnh/thành phố còn lại đều đã xây dựng Kế hoạch thực hiện việc số hóa, nhưng phần lớn các địa phương này chưa thể bố trí kinh phí để triển khai thực hiện.

Bộ Tư pháp cùng Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng Phần mềm dịch vụ công liên thông, tiến hành thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam từ ngày 21/11/2022. Quá trình thí điểm đều có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, tải lên Tài liệu hướng dẫn sử dụng Phần mềm dịch vụ công liên thông dành cho công chức tư pháp – hộ tịch trên Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử.

Tính đến 30/11/2022, có 40 địa phương đã ban hành Quyết định tái cấu trúc quy trình cấp Phiếu Lý lịch tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, trong đó 26 địa phương đã tích hợp thành công dữ liệu công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; có 32 địa phương đã bước đầu thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong lĩnh vực lý lịch tư pháp…

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án 06 của Bộ, ngành Tư pháp cũng gặp một số khó khăn như việc bố trí hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nói chung và các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp nói riêng tại một số địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn tình trạng chưa bố trí được thiết bị riêng dành cho đăng ký, quản lý hộ tịch, có địa bàn sử dụng máy tính đã quá cũ, cấu hình thấp, đường truyền Internet chậm, không ổn định nên vận hành còn trục trặc.

Việc triển khai tái cấu trúc quy trình các dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch, việc tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành, trong đó có Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, Phần mềm cấp Phiếu LLTP của Bộ Tư pháp chưa bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Việc triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch của các địa phương chưa đồng bộ, vẫn còn 23 tỉnh mới ban hành Kế hoạch, chưa triển khai. Trong số 40 tỉnh đã và đang triển khai thì cũng thực hiện không đồng bộ, hiện mới chỉ có dữ liệu của thành phố Hồ Chí Minh được đưa vào khai thác, sử dụng.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, trong năm 2023, Bộ Tư pháp đề nghị UBND cấp tỉnh tiếp tục quán triệt, truyền thông sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án 06, quyền lợi, trách nhiệm của công dân trong đăng ký hộ tịch.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tăng cường phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC, nhất là quy trình cấp phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến và những thủ tục hành chính thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch, nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch trực tuyến một cách thực chất, đúng theo nhu cầu của người dân.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích