Hà Nam: Có gì bất thường trong việc thu hồi đất mở rộng Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa ở Duy Tiên?
(Xây dựng) – Dù Nhà máy xử lý rác thải rộng hàng nghìn m2 của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Duy Tiên – Hà Nam) đã bị đóng cửa, ngừng hoạt động từ năm 2019, nhưng không hiểu lý do vì sao, chính quyền thị xã Duy Tiên vẫn trình xin UBND tỉnh Hà Nam cho thu hồi thêm gần 1ha đất để thực hiện mở rộng Nhà máy. Đặc biệt, sau khi trình xin các cấp, ngành, dự án có nguy cơ “quay đầu”, được chuyển đổi thành dự án nhà ở cho phù hợp với thực tế địa phương.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa nằm hoang hóa, gây lãng phí từ nhiều năm nay. |
Nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn phải đóng cửa vì gây ô nhiễm
Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa được đầu tư xây dựng từ năm 2010 tại phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên với công suất lò đốt thiết kế ban đầu là 20 tấn/ngày đêm. Nhà máy đi vào hoạt động cuối năm 2012.
Đến năm 2015, Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã nâng công suất xử lý lên 70 tấn/ngày nhưng chưa làm lại báo cáo ĐTM để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cũng trong quá trình hoạt động, người dân sống trên địa bàn liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy. Các ngành chức năng tỉnh Hà Nam cũng nhiều lần có văn bản chỉ đạo, yêu cầu khắc phục xong tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện.
Năm 2018, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh kiểm tra hoạt động của Nhà máy, kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã tiếp nhận khối lượng rác thải sinh hoạt lớn hơn nhiều lần so với công suất thực tế của hệ thống lò đốt dẫn đến tình trạng quá tải, tồn đọng khối lượng rác khá lớn. Hệ thống thu gom nước rỉ rác cũng bị quá tải do công suất thiết kế chỉ là 40m3/ngày đêm, khiến nước thải không được xử lý chảy tràn ra môi trường. Kết quả phân tích mẫu nước thải cho thấy một số thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép như độ màu, COD, BOD5, TSS…
Công ty Tâm Sinh Nghĩa sau đó bị Tổng cục Môi trường xử phạt hành chính gần 300 triệu đồng và yêu cầu phải khắc phục. Tuy nhiên, những bất cập tại đây đều không được xử lý. Đến tháng 3/2019, UBND tỉnh Hà Nam đã ra quyết định dừng hoạt động, đóng cửa nhà máy.
Nhà máy đóng cửa, vì sao chính quyền vẫn xin thêm đất để mở rộng?
Trong khi nhà máy có quy mô rộng hàng nghìn m2 phải đóng cửa vì ô nhiễm thì ngày 18/3/2019, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên Ngô Văn Liên (nay là Chủ tịch UBND thị xã) đã ký kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Duy Tiên. Mục đích thu hồi, theo quyết định này, dựa trên cơ sở Quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy để xây dựng bước tiến hành, tiến độ thực hiện từng công việc, thời gian hoàn thành GPMB thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Cũng sau văn bản này, ngày 3/9/2019, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên tiếp tục có tờ trình xin thu hồi gần 1ha đất (gồm đất nuôi trồng thủy sản và đất giao thông) để giao đất thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa.
Một phần dự án bên trong đang được cho thuê làm trạm trộn bê tông. |
Cũng trong thời điểm này, nhà đầu tư đã lập dự án và trình các ngành chức năng thông qua Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, kết quả họp ngày 23/9/2020 của Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Mở rộng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt số 3 – nâng công suất từ 20 tấn/ngày lên 50 tấn/ngày” tại phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa cho thấy, Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án không được thông qua với lý do: “Khoảng cách từ dự án đến khu dân cư không đảm bảo khoảng cách ly về sinh theo QCVN 01:2019/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT yêu cầu 2.500m; Chủ dự án đã tiến hành nâng công suất nhà máy từ 20 tấn/ngày lên 50 tấn/ngày từ năm 2015, trong quá trình hoạt động người dân xung quanh đã nhiều lần kiến nghị về tình hình ô nhiễm của nhà máy ảnh hưởng đến khu dân cư”.
Hội đồng yêu cầu nhà đầu tư làm rõ các hạng mục công trình của dự án công trình chính, công trình phụ trợ, công trình bảo vệ môi trường. Nêu rõ khối lượng, quy mô kết cấu các hạng mục công trình bao gồm: công trình đã xây dựng, công trình xây dựng mới, công trình cần cải tạo; Nếu rõ cơ cấu sử dụng đất của dự án. Diện tích bãi chôn lấp trở xa không đồng nhất với thiết kế; Cần làm rõ công nghệ xử lý vào của nhà máy cũ và công nghệ xử lý rác sau khi được mở rộng, nâng công suất, làm rõ dự án có hoạt động ủ rác làm phân bản hữu cơ….
Ngày 25/9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam đã có phiếu hướng dẫn Công ty Tâm Sinh Nghĩa hoàn thiện hồ sơ.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên cho biết: Hiện gần 1ha đất mở rộng nhà máy, thị xã đã thu hồi nhưng chưa giao cho nhà đầu tư. Việc giao đất thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Để làm rõ thêm, ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Duy Tiên cho biết: “Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải Duy Tiên, Công ty Tâm Sinh Nghĩa muốn xin mở rộng nhưng tỉnh không cho. Đến nay, tỉnh Hà Nam đã xây dựng nhà máy khác to hơn và đủ để xử lý rác cho toàn tỉnh. Xét thấy, Tâm Sinh Nghĩa gần khu công nghiệp, công suất nhỏ và công nghệ kém nên không cần thiết phải sử dụng đến nhà máy này. Hiện gần 1ha đất đã thu hồi, nhưng giao cho ai còn phải chờ tỉnh”, ông Đạt cho biết thêm.
Quang cảnh gần 1ha đất được thu hồi để mở rộng Nhà máy. |
Nhà máy xử lý rác thải sẽ được chuyển đổi thành dự án gì?
Để tìm hiểu việc gần 1ha đất đã thu hồi và cả vị trí “đất vàng” của Công ty Tâm Sinh Nghĩa (nhà máy đã đóng cửa gần KCN Đồng Văn II) sẽ được giao cho ai và để thực hiện dự án gì, PV Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nam. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Theo quy hoạch, Hà Nam sẽ xóa bỏ nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa và chuyển thành công trình công cộng phục vụ khu công nghiệp, trong công cộng có nhà lưu trú, thương mại phục vụ công nghiệp (không có tính chất ở theo kiểu nhà ở đô thị), bởi vị trí này có một phần là đường đê nên không thể hạ đê làm được. Cụ thể như thế nào, bây giờ phải chờ đề xuất của địa phương, ví dụ như nhà ở công nhân, khu lưu trú, vườn hoa cây xanh…
Theo như trả lời của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, vị trí này rất có thể sẽ là dự án nhà ở xã hội trong tương lai! |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam: “Tỉnh Hà Nam đã chấm dứt chủ trương xây dựng nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, đất này hiện đang giao nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án khác để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện tỉnh đang giao cho Tâm Sinh Nghĩa làm dự án mới và đang định thực hiện dự án nhà ở xã hội tại đây”.
Thực tế trên cho thấy, việc dừng hoạt hoạt động Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa là cần thiết, bởi gây ảnh hưởng môi trường sống của người dân lân cận và người lao động trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh Hà Nam cũng cần có phương án xử lý cụ thể, tránh gây lãng phí, đầu tư không hiệu quả. Mặt khác, để chuyển đổi dự án thành nhà ở lưu trú công nhân hoặc nhà ở xã hội thì cũng cần phải nghiên cứu kỹ, bởi điều này sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của những người sống trong khu vực này, do môi trường KCN bị ô nhiễm.
Nguồn: Báo xây dựng