Hoàn thiện quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị để tháo gỡ bất cập từ thực tiễn
Quá trình triển khai Luật đã thu được những kết quả quan trọng, toàn diện trên lĩnh vực phát triển đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cũng đã xuất hiện một số tồn tại, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các pháp luật chuyên ngành có liên quan cần giải quyết để hệ thống đô thị Việt Nam phát triển như mục tiêu mà Nghị quyết 06NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.
Tạo nguồn lực để phát triển bền vững
Theo báo cáo của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, qua 12 năm thực hiện (2009 – 2021), Luật Quy hoạch đô thị đã đạt được những kết quả nhất định về phát triển kinh tế. Đô thị hóa đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Các đô thị đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế cả nước, đóng góp khoảng 70 – 75% GDP toàn quốc; chỉ riêng TP. Hà Nội và TP.HCM chiếm 57%, các chỉ số thu ngân sách của các vùng tỉnh và các đô thị lớn cho thấy nhìn chung tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 – 15%, cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Riêng Thủ đô Hà Nội và TP.HCM đóng góp khoảng 30% GDP.
Cùng với sự phát triển nhanh về các mặt kinh tế – xã hội, hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô dân số đô thị. Theo Tổng cục Thống kê, trong thời kỳ 1999 – 2020 hệ thống đô thị Việt Nam đã tăng về số lượng và quy mô dân số đô thị. Năm 1999 cả nước có 604 đô thị (tỷ lệ đô thị hóa 23,61%), năm 2010 có 755 đô thị (tỷ lệ đô thị hóa 30,39%), năm 2015 có 787 đô thị (tỷ lệ đô thị hóa khoảng 33,9%), năm 2020 là 862 đô thị (tỷ lệ đô thị hóa 36,8%). Tốc độ đô thị hóa đạt trung bình 3,5%/năm và tỷ lệ đô thị hóa sau mỗi 10 năm tăng từ 5 – 6% trong suốt 30 năm qua (từ 1990 đến 2020). Năm 1999 tỷ lệ đô thị hóa mới chỉ đạt 23,61% thì đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đã tăng lên 36,8%. Tuy nhiên, nếu thống kê cả các khu vực được công nhận là đô thị mới, đô thị loại V (chưa phân loại hành chính là thị trấn, thị xã…) thì tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt gần 40%.
Giai đoạn 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010 – 2020) theo tinh thần Nghị quyết 26 Hội nghị lần 7 của Ban chấp hành Trung ương Khóa X đã làm thay đổi to lớn, toàn diện, tạo nên bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển nông thôn Việt Nam từ trước và sau đổi mới đến nay, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã vượt qua 10 năm đầu tiên của giai đoạn “chuyển đổi” cấu trúc nông nghiệp theo khung đánh giá của thế giới. Nông nghiệp đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao nhờ phát huy theo chiều sâu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Điều chỉnh khá thành công cơ cấu sản xuất từng ngành, từng lĩnh vực ở các vùng miền nhờ phát huy mạnh lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Thu nhập, đời sống người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ nghèo giảm nhanh. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã và trong các điểm dân cư nông thôn trên toàn quốc được nâng cấp và xây dựng mới, đặc biệt là giao thông nông thôn tạo nên sự thay đổi đáng kể về bộ mặt không gian nông thôn. Đến năm 2021, toàn quốc có 213 huyện/thị xã đạt chuẩn huyện nông thôn mới và trên 68,2% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đến nay gần 100% (99,7%) số xã trên toàn quốc đã được lập đồ án quy hoạch chung xây dựng xã.
Xuất hiện bất cập khi Luật đi vào cuộc sống
Cũng theo báo cáo của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và lĩnh vực quy hoạch đô thị nói riêng thì còn có một số tồn tại. Ở góc độ bộ luật, có sự chồng chéo và chưa thống nhất giữa Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Cụ thể như khu chức năng nằm trong đô thị, khu đô thị nằm trong khu chức năng hoặc trên một địa bàn cùng có khu chức năng và đô thị thì lập quy hoạch theo Luật Xây dựng hay Luật Quy hoạch đô thị? Hay có sự chồng chéo trong các quy định giữa Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các Luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…
Riêng về các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đô thị, qua rà soát các chuyên gia đã chỉ ra một số tồn tại trong công tác lập quy hoạch (quy trình, nội dung…), thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn. Công tác tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn chưa thống nhất về căn cứ để các địa phương đưa ra các yêu cầu lập các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hoặc chưa rõ về căn cứ lập quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư, khái niệm về khu đô thị mới còn chưa thống nhất về quy mô, chưa có quy định cụ thể về khu vực phát triển đô thị, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch còn phức tạp và tốn nhiều thời gian, thiếu hiệu quả, công tác lấy ý kiến trong quá trình lập nhiệm vụ và quy hoạch, thời gian lập quy hoạch, thời hạn quy hoạch, thời gian hiệu lực của quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng…
Về thẩm định quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại như: Trình tự thẩm định, phê duyệt đối với quy hoạch phân khu khu chức năng nằm trong đô thị; phân quyền trong thẩm định quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; chồng chéo, bất cập trong nội dung thẩm định, phê duyệt dự toán, chi phí lập quy hoạch giữa Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công; quy định chưa rõ về trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, trình duyệt quy hoạch (chủ đầu tư – đơn vị tư vấn lập – cơ quan thẩm định và phê duyệt quy hoạch); quy định còn phức tạp về thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đối với khu vực đặc thù (khu vực cửa khẩu biên giới đất liền….).
Bên cạnh đó, một số vấn đề mà các cấp quản lý có ý kiến trên các diễn đàn của Quốc hội, Chính phủ như: Kinh phí lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được bố trí từ nguồn nào, có được sử dụng từ nguồn tài trợ, hỗ trợ không; quy định về định mức, đơn giá, kinh phí lập quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất và quy hoạch các ngành lĩnh vực ngoài đô thị chưa có; nguồn vốn và quy trình bố trí vốn đầu tư công cho công tác quy hoạch còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu cho kịp thời cho công tác quy hoạch; định mức chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch đối với quy hoạch vùng, quy hoạch chung còn thấp….
Cần hợp nhất để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ
Luật Quy hoạch năm 2017 ra đời đã quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là một thành phần trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Để phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ 2021 – 2030, Đảng và Chính phủ đã ban hành các Chương trình, mục tiêu quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội để định hướng xây dựng chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm trong thời kỳ mới. Các vấn đề chính trong quy hoạch, quản lý phát triển hệ thống đô thị và nông thôn toàn quốc cần được rà soát, nghiên cứu định hướng để đảm bảo yêu cầu về kiểm soát, quản lý đô thị và nông thôn phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Công tác quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn chính là phục vụ mục tiêu xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những bước tiến trong chính sách về nhà ở, quyền sử dụng đất đai, đầu tư, sản xuất, kinh doanh đã tác động quá trình phát triển đô thị và nông thôn, thay đổi cấu trúc của các chủ thể tham gia lập và thực hiện quy hoạch. Muốn đạt được mục tiêu như vậy, thì trước hết cần phải rà soát, đánh giá các văn bản pháp luật, từ đó bổ sung và kiện toàn để làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý. Đây là các nội dung rất quan trọng và có giá trị, là một trong những cơ sở cho việc sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Qua nghiên cứu thực tiễn và nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của một số nước trên thế giới cho thấy xu hướng chung là xây dựng hệ thống văn bản quy định chung cho quy hoạch đô thị và nông thôn. Trên cơ sở tính gợi mở của Luật Quy hoạch, các chuyên gia đề xuất hợp nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thành Hệ thống văn bản chung cho quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cụ thể, đề xuất hợp nhất Luật Quy hoạch đô thị và chương II: Quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng hợp nhất thành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP, ngày 07/04/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP, ngày 06/05/2015 Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng hợp nhất thành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch đô thị và nông thôn; Thông tư số 06/2013/TT-BXD, ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn nội dung thiết kế đô thị và Thông tư số 12/2016/TT-BXD, ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng, quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù kết hợp với Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng nông thôn thành Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn.
Báo cáo của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia là bộ tài liệu có giá trị, đề xuất đồng bộ các định hướng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về Quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm: Định hướng đề xuất sửa đổi bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn; Định hướng đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các vấn đề về quy trình, nội dung đồ án quy hoạch; Định hướng đề xuất nội dung sửa đổi bổ sung các vấn đề về tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; Định hướng đề xuất nội dung sửa đổi bổ sung các vấn đề về tổ chức thực hiện và quản lý phát triển theo quy hoạch; Định hướng đề xuất cơ chế phối hợp quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch ngành; Định hướng đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các vấn đề về thi hành luật. Đây là các nội dung căn bản, cụ thể được tổng kết từ thực tiễn và đúc kết từ kinh nghiệm quốc tế, cần được xem xét để sửa đổi, bổ sung cho các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như các luật khác để đảm bảo tính khả thi và đồng bộ của hệ thống pháp luật.