Thanh Hóa: “Bức tranh quê” tươi sắc từ phong trào xây dựng Nông thôn mới
(Xây dựng) – Kết thúc năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng với sự nỗ lực, đồng thuận và quyết tâm, mặc dù còn chưa được như kỳ vọng, nhưng Thanh Hóa đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, tạo nền tảng vững chắc cho thời gian tiếp theo.
Người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc. |
Ngoài những khó khăn thường gặp như: Hạn chế về nguồn lực, vốn hỗ trợ cho chương trình của Trung ương phân bổ chậm, kinh tế suy giảm do dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ nông sản…Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của Thanh Hóa cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước còn gặp phải khó khăn không nhỏ. Đó là việc ban hành Bộ tiêu chí mới về xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao của Trung ương vào thời điểm gần cuối năm, lại phải chờ sự hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan để hoàn tất khung pháp lý trước khi triển khai thực hiện.
Điều này đã khiến các địa phương phải điều chỉnh lại kế hoạch, mục tiêu xây dựng Nông thôn mới bởi hàng loạt tiêu chí cũ không phù hợp với bộ tiêu chí mới, nhất là các huyện, xã thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, có những tiêu chí, tiêu chuẩn cần phải có sự hỗ trợ của cấp trên, của các nhà đầu tư, các đơn vị liên quan, như tiêu chí về tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch tập trung, tỷ lệ về khám chữa bệnh từ xa, về nhà văn hóa thôn, bản…
Trước tình hình trên, để gỡ “nút thắt” cho các địa phương, căn cứ mục tiêu, lộ trình đã định và hướng dẫn của Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ban Chỉ đạo Nông thôn mới của tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành một cách sát thực, trực tiếp để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, nêu rõ quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư của Trung ương và vốn đối ứng ngân sách địa phương, phân bổ kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cũng xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo quyết liệt chương trình xây dựng Nông thôn mới của các xã, thôn, bản. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hiệu quả dành cho các xã trong xây dựng Nông thôn mới gắn với chương trình phát triển sản phẩm OCOP.
Về phía cơ sở, nhiều xã đã có cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn về Nông thôn mới nâng cao như: Huy động Đoàn thanh niên, các nhà mạng hỗ trợ tiếp cận, sử dụng internet, sổ khám bệnh điện tử; kêu gọi đầu tư nhà máy nước sạch tập trung; vận động nhân dân hiến đất, đổi đất tạo mặt bằng xây dựng nhà văn hóa, trung tâm thể thao đạt chuẩn; huy động các tổ chức, đoàn thể tham gia trồng hoa, cây xanh, dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, duy trì phong trào luyện tập văn nghệ, thể thao…
Nhờ cách vận dụng chủ động, sáng tạo, phù hợp với thực tế từng địa phương, sự sâu sát trong công tác chỉ đạo, điều hành, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hiệu quả, vượt qua những khó khăn, thách thức, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 của Thanh Hóa đã đạt được kết quả đáng phấn khởi. Trong đó, chỉ tiêu về thôn, bản đạt Nông thôn mới kiểu mẫu đã vượt kế hoạch năm, với 76/60 thôn, bản đạt Nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, ngoài những tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, tiêu chí về thu nhập, giáo dục, y tế… còn có những tiêu chí không thể đong đếm và không “mua” được bằng tiền, đó là nếp sống lành mạnh với phong trào văn hóa, rèn luyện thể dục thể thao trong các khu dân cư ngày càng phát triển, việc hiếu, hỷ được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt.
Về kết quả xây dựng Nông thôn mới, trong 11 tháng đầu năm 2022, Thanh Hóa có thêm thành phố Sầm Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới. Toàn tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 4 xã “cập bến” Nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến cuối năm 2022, Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, về cơ sở có 346 xã (chiểm 74,4%) và 904 thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới; 56 xã đạt Nông thôn mới nâng cao; 9 xã và 245 thôn, bản đạt Nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, trong thời gian cuối năm này, các địa phương cùng Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới của tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị cho công tác thẩm định, công nhận thị xã Bỉm Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới và một số xã, thôn, bản đạt Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.
Thu hoạch dưa kim hoàng hậu, sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh của huyện Thọ Xuân. |
Song hành cùng kết quả xây dựng Nông thôn mới, Chương trình OCOP của tỉnh cũng thu được những kết quả vượt dự kiến, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, kích thích sản xuất theo hướng phát triển hàng hóa, phát huy tiềm năng đất đai, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh có thêm 120 sản phẩm OCOP, nhưng trong 11 tháng đầu năm, đã có 134 sản phẩm được công nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên con số gần 300, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 235 sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, dự kiến đến hết tháng 12/2022, tỉnh sẽ có thêm 3 sản phẩm đạt 5 sao (cấp quốc gia), đó là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của huyện Nga Sơn.
Mô hình trồng măng tây cho thu nhập cao tại Vĩnh Lộc. |
Cùng với sự phát triển về số lượng, vươn lên đứng thứ 2 cả nước về sản phẩm OCOP, trong năm 2022, tất cả 27 huyện của tỉnh đều có sản phẩm OCOP mới với sự phong phú về chủng loại, từ thực phẩm ăn, uống đến đồ tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng… nhờ có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có sự quảng bá, giới thiệu rộng rãi, có mặt trên các sàn thương mại điện tử. Hầu hết các sản phẩm OCOP đều được khách hàng tin dùng, tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân mở rộng đầu tư, nâng cao quy mô, năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang thăm một gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ thương mại khu vực Bắc Trung bộ năm 2021. |
Cũng nhờ sự phát triển của sản phẩm OCOP, chương trình đồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất được đẩy mạnh đã hình thành nên những vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa lớn. Theo đó, nhiều sản phẩm, cây trồng, vật nuôi đặc thù, từng nổi tiếng của các địa phương đã được khôi phục, phát triển, nâng tầm thương hiệu. Đó là các sản phẩm như: Bưởi Luận Văn, vịt Cổ Lũng, mật ong hoa rừng Yên Nhân, bánh lá răng bừa Yên Định, bánh gai Thọ Xuân, nước mắm Lê Gia, nem nướng Như Thanh, bánh nhãn Lang Chánh, măng khô Mường CaDa… Ngoài ra, cũng nhờ chương trình OCOP, nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống cũng được khôi phục và phát triển mạnh mẽ như làng nghề đúc đồng xã Thiệu Trung, làng nghề làm bánh tráng các xã của huyện Thiệu Hóa, làng nghề làm nem chua, sản xuất hương của thành phố Thanh Hóa…
Khép lại năm 2022 đầy sôi động, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế – xã hội, chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP của Thanh Hóa đã đạt được những thành quả không nhỏ, đem lại sự thay đổi toàn diện, sâu sắc cho khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, tạo nên “bức tranh quê” tươi tắn và đầy sinh khí.
Nguồn: Báo xây dựng