Động lực cho “kỳ tích” kinh tế
Phát huy tinh thần từ Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Ảnh: Hanoimoi.com.vn |
Những ngày này, Thủ đô Hà Nội đang trong không khí kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Từ chiến thắng kỳ vĩ này của quân và dân Hà Nội, chúng ta lại lật giở trang sử hào hùng của dân tộc. Có lẽ, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hiếm có dân tộc nào tạo ra nhiều kỳ tích như Việt Nam. Vào thời kỳ nhà Trần, khi vó ngựa đế quốc Mông Nguyên xâm chiếm phần diện tích lục địa Âu – Á, thì khi xâm lược Đại Việt đã bị quân dân nhà Trần đánh phá tan tác. Và Đại Việt chính là quốc gia duy nhất lúc bấy giờ đánh bại được sự bành trướng của đế quốc Nguyên Mông.
Tiếp đó, Việt Nam cũng là nước nô lệ đầu tiên đập tan chủ nghĩa thực dân (Pháp) mở màn cho phong trào giải phóng dân tộc khắp các quốc gia bị thuộc địa trong thế kỷ XX. Và rồi, những ngày mùa đông năm 1972, để tạo thế “thượng phong” trên bàn đàm phán Paris về chiến tranh Việt Nam, Chính phủ Mỹ đã chọn “trò chơi” cân não mà theo cách gọi của các nhà sử học là “phi nhân tính”, dùng máy bay ném bom chiến lược B52 “rải thảm” xuống các đô thị, hệ thống hạ tầng của miền Bắc, trọng tâm là Thủ đô Hà Nội.
Nhưng với bản lĩnh Việt Nam, ý chí Việt Nam được hun đắp bởi nghìn năm dựng nước, giữ nước của cha ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Hà Nội đã làm nên trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu. Đây cũng chính là dấu mốc lịch sử, Việt Nam là quốc gia duy nhất đánh bại được “pháo đài bay – B52” bất khả xâm phạm của không lực Hoa Kỳ…
Tự hào về lịch sử, viết tiếp tương lai, qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, phải công nhận đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay, xét dưới tất cả các góc độ chính trị, kinh tế, xã hội. Từ đất nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức lớn, nhỏ của thế giới; đồng tham gia “luật chơi” các hiệp định thương mại đa phương, song phương… nhờ đó vị thế chính trị của Việt Nam được nâng tầm và khẳng định trên trường quốc tế.
Từ một đất nước bị đói, Việt Nam nay đã vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản tốp đầu thế giới, kinh tế thị trường biến Việt Nam thành “thiên đường” mua sắm, ẩm thực… thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện; sự thụ hưởng văn hóa, công nghệ thông tin cũng xếp ở mức cao. Đặc biệt, góc độ công nghệ, với sự hiện diện của những Viettel, bạn bè quốc tế và kiều bào phải công nhận, Việt Nam có tốc độ đường truyền internet vào loại tốt nhất thế giới…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, thành tựu trên, nhìn một cách tổng thể những kết quả đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng cơ sở còn lạc hậu, trong đó điển hình là hệ thống đường sắt; hệ sinh thái doanh nghiệp (nói ngắn gọn là sức sống của nền kinh tế) còn dựa vào khai thác tài nguyên, chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tạo ra các sản phẩm chủ lực, làm nên thương hiệu quốc gia và là “đòn bẩy” cho kinh tế đất nước phát triển.
Thời kỳ mới, tình hình mới, với quan điểm “đi tắt đón đầu”, chúng ta tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy những thành tích đã đạt được, nhìn nhận khách quan, rút ra những bài học kinh nghiệm về những gì còn khiếm khuyết, sửa chữa, đổi mới quyết tâm làm nên trận “Hà Nội- Điện Biên phủ trên không” trên bình diện kinh tế!
Nguồn: Báo lao động thủ đô