2022: Năm xoay trục sang năng lượng sạch

2022: Năm xoay trục sang năng lượng sạch
Nhiều chính phủ đẩy nhanh phát triển năng lượng sạch như năng lượng mặt trời trong năm 2022. Ảnh: AFP

Renew Power – một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất của Ấn Độ – nằm trong số các tập đoàn lớn và nhỏ hy vọng nhận được một phần trong kế hoạch trị giá 2,6 tỉ USD của chính phủ nhằm khuyến khích sản xuất điện mặt trời. Đó là sự khuyến khích lớn nhất như vậy trong lịch sử Ấn Độ.

Giám đốc điều hành của Renew Power, Sumant Sinha cho biết, quỹ của chính phủ dành cho năng lượng sạch gửi đi “tín hiệu mạnh mẽ” rằng quốc gia này muốn “trở thành một địa điểm sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo và cuối cùng là một giải pháp thay thế toàn cầu cho Trung Quốc”. Công ty có hơn 100 dự án năng lượng sạch trên khắp Ấn Độ đã trở thành công ty điện gió và mặt trời lớn thứ 10 thế giới chỉ trong hơn một thập kỷ.

Các chính phủ lớn khác trên thế giới đã bật đèn xanh cho các chính sách năng lượng tái tạo đầy tham vọng trong năm qua nhằm mục đích mở rộng quy mô lớn điện gió và mặt trời, cùng với sự phát triển của các công nghệ như thu giữ carbon và lưu trữ trong lòng đất.

Mỹ đã ký thành luật Đạo luật Giảm thiểu Lạm phát – luật khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử Mỹ; Nghị viện Châu Âu đã thông qua kế hoạch REPower EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong khi Trung Quốc công bố các kế hoạch đầy tham vọng nhằm giúp nước này đạt được các mục tiêu năng lượng sạch năm 2030, trước thời hạn 5 năm.

Các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ hiện nay là xây dựng đà phát triển này vào năm 2023, tăng cường cơ sở hạ tầng lưới điện và giải quyết các vấn đề phụ trợ làm chậm quá trình phân phối và truyền tải năng lượng sạch.

“Từ góc độ năng lượng, năm 2022 sẽ là một năm bản lề. Lần đầu tiên, chúng ta có bằng chứng rõ ràng rằng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sau 200 năm tăng trưởng đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2019 và đang đi dọc trước khi suy giảm không thể tránh khỏi” – Kingsmill Bond, chiến lược gia năng lượng tại Viện Rocky Mountain (RMI – nhóm phi lợi nhuận về năng lượng sạch) cho biết.

Theo nghiên cứu của RMI, nhu cầu năng lượng toàn cầu đã tăng thêm khoảng 6 exajoules (EJ) vào năm 2022 – đủ năng lượng cho khoảng 6 triệu chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Đây là mức tăng trưởng hàng năm ít hơn bình thường vì việc sử dụng năng lượng ngày càng hiệu quả hơn. Tăng trưởng điện mặt trời và điện gió trong năm nay cũng được ước tính khoảng 6 exajoules. Trong khi đó, giá của năng lượng sạch ngày càng gần với giá của nhiên liệu hóa thạch và trong một số trường hợp còn rẻ hơn.

Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, giá dầu đã tăng cao trên 100 USD/thùng vào giữa năm 2022, giá khí đốt và than cao dẫn đến giá điện tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng năng lượng sạch đã tiết kiệm cho các quốc gia Châu Á, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, tổng cộng 34 tỉ USD trong năm qua.

Các nhà phân tích năng lượng nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina và các mối đe dọa khí hậu ngày càng gia tăng như lũ lụt thảm khốc ở Pakistan đã đẩy nhanh các chính sách năng lượng sạch và các khoản đầu tư lớn để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời trên khắp thế giới.

Việc đột ngột thiếu khả năng tiếp cận nhiên liệu hóa thạch và khủng hoảng chuỗi cung ứng cũng là những lý do chính khác dẫn đến xu hướng tích cực hướng tới năng lượng sạch.

Mặc dù có động lực tích cực đối với năng lượng sạch, nhưng cũng có một số cạm bẫy. Vibhuti Garg, nhà kinh tế năng lượng tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, cho biết, một số nơi quay trở lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngay cả khi nó có giá cao hơn. Sản lượng than của Ấn Độ đã tăng khoảng 17% từ tháng 4 đến tháng 11. Bangladesh tăng nhập khẩu khí đốt và tiếp tục mở các nhà máy nhiệt điện. Đức – quốc gia ủng hộ mạnh mẽ năng lượng sạch – đã chuyển sang sử dụng than đá và dầu mỏ để giải quyết nhu cầu năng lượng ngắn hạn của mình.

Tuy nhiên, được thúc đẩy bởi động lực từ những năm trước, lĩnh vực năng lượng sạch trên toàn thế giới vẫn cất cánh trong năm nay. Một báo cáo khác của IEA cho thấy các diễn biến trong năm 2022 đã kích hoạt động lực chưa từng có đối với năng lượng tái tạo, và thế giới sẽ bổ sung nhiều năng lượng tái tạo trong 5 năm tới như đã đạt được trong 20 năm qua. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng năm 2022 sẽ được ghi nhớ là năm mà lần đầu tiên năng lượng tái tạo đã được thúc đẩy mạnh mẽ như vậy.

Theo SONG MINH/Laodong.vn

https://laodong.vn/the-gioi/2022-nam-xoay-truc-sang-nang-luong-sach-1129841.ldo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích