Lắng nghe để gỡ vướng pháp lý cho doanh nghiệp
Cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp “cùng nhau lắng nghe”
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Diễn đàn là cơ hội để cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp “cùng nhau lắng nghe”, cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hiện nay. Từ đó có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2022. |
Thảo luận tại Diễn đàn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đánh giá, việc tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật là hết sức cần thiết trong điều kiện doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Theo ông Tuấn, hoạt động sản xuất kinh doanh bao giờ cũng có rủi ro, rủi ro có thể đến từ thị trường, bạn hàng… nhưng có một rủi ro rất quan trọng là rủi ro từ chính sách. “Rủi ro pháp lý có thể sụp đổ doanh nghiệp, nên cần phải giảm thiểu rủi ro chính sách cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Đề cập đến việc doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, chính sách rất tốt nhưng lại đặt ra vấn đề pháp lý cho nhiều bên. Với các ngân hàng thương mại, chương trình hỗ trợ từ tiền ngân sách, nên có tâm lý rất thận trọng, còn doanh nghiệp sử dụng vốn từ chương trình hỗ trợ cũng nhận thấy rủi ro khi phải đối mặt với những cuộc thanh tra, kiểm toán…
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thị trường là công cụ huy động, phân bố, sử dụng nguồn lực có hiệu quả nhất. Đại hội Đảng lần thứ XII xác định thể chế là một đột phá chiến lược nhưng trọng tâm Đại hội XII lúc đó là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Còn bây giờ, Đại hội Đảng lần thứ XIII vẫn xác định thể chế là đột phá chiến lược nhưng trọng tâm là phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, để các loại thị trường này tác động tới việc huy động, phân bố, sử dụng các nguồn lực… Đây cũng là lĩnh vực hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn nhất, cũng là nút thắt lớn nhất trong việc huy động và phân bố nguồn lực.
Theo ông Cung, những thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn nhau, không rõ ràng, không cụ thể trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường đang là rào cản và chúng ta đang cố gắng tháo gỡ. Việc ban hành 1 luật sửa 9 luật là động thái để làm việc này, tuy nhiên, chỉ là sửa những vấn đề rất tủn mủn, không làm thay đổi các vấn đề căn bản của lĩnh vực này.
Đáng quan tâm, ông Cung đưa ra kiến nghị: “Đừng sửa luật, hãy phân tích trong 7, 8 luật của lĩnh vực này có luật nào đang thừa thì bỏ. Đừng sửa, tôi khẳng định càng sửa càng rối”. Theo ông Cung, nên giữ lại Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Xây dựng, Luật Khuyến khích và ưu đãi đầu tư, nếu được thì xây dựng Luật Tài sản. Đồng thời, cần hạn chế can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp, và nâng cao vai trò của Toà án như một chỗ giải quyết tranh chấp đáng tin cậy…
Vướng mắc từ cơ chế thực hiện
Các thủ tục hành chính về phê duyệt đầu tư cấp phép vẫn kéo dài là ý kiến của ông Trần Anh Đức, luật sư thành viên Công ty luật Allen & Overy. Theo ông Đức, luật quy định thời hạn giải quyết 15 ngày, 30 ngày, nhưng thực tế các dự án liên quan đến đất đai, thủ tục mất 3 tháng, 6 tháng, thậm chí có dự án bất động sản kéo dài đến 3 năm, 5 năm mà không được phê duyệt, doanh nghiệp rất bức xúc.
Chủ động nhận diện, cảnh báo cho doanh nghiệp Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đáp ứng tốt nhất kỳ vọng của cả nước, cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý đối với doanh nghiệp, người dân còn hạn chế… Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các ý kiến của doanh nghiệp tại Diễn đàn này, có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời; chủ động nhận diện, cảnh báo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc pháp lý, giúp doanh nghiệp kịp thời có biện pháp xử lý, bao gồm cả việc tiếp cận và sử dụng các phương tiện hỗ trợ pháp lý. |
Theo ông Đức, đây không phải là vấn đề của luật, mà vướng mắc từ cơ chế thực hiện trên thực tế. Doanh nghiệp phản ánh, cơ quan Nhà nước có lắng nghe, có trao đổi, nhưng kết quả không giải quyết được, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước vẫn là chuyện lòng vòng hỏi ý kiến. Các vấn đề đều có cơ sở, nhưng thật sư chưa có cơ chế để giải quyết.
Đề cập đến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, doanh nghiệp rất ngại thanh tra, kiểm tra về thuế.
“Khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật, làm sai luật, nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót, kể cả với doanh nghiệp lớn”, bà Thảo nói và mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra nếu có thì nên theo hướng hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn thay vì nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật. Trong bối cảnh hiện nay cần đồng hành, đồng cảm với doanh nghiệp, khi doanh nghiệp tiếp cận nhiều gói hỗ trợ, nhiều chính sách hơn, do đó tình trạng thanh tra, kiểm tra nhiều hơn.
Phát biểu bế mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh là cơ quan tổng hợp để tham mưu chung cho Chính phủ về xây dựng chính sách, Bộ Tư pháp trân quý những ý kiến góp ý, tham mưu, những trăn trở muốn tìm ra giải pháp của các đại biểu tại Diễn đàn. Các đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ một số quy định, thậm chí là bỏ một số luật thay vì sửa đổi, bổ sung mà chưa đồng bộ; trả lại nhiều hơn quyền cho các doanh nghiệp, coi doanh nghiệp Nhà nước cũng như là doanh nghiệp bình thường; bảo đảm bình đẳng giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài…
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đây là các ý kiến khoa học, thẳng thắn, có phần táo bạo, được ghi nhận từ đại diện của các giới khác nhau, từ nhà quản lý, những người trước đây làm công tác quản lý, doanh nghiệp, đặc biệt là từ các nhà khoa học. Trong chức năng, nhiệm vụ và theo thẩm quyền, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Chính phủ và các cơ quan có liên quan, ghi nhận những trăn trở của các đại biểu. Các cơ quan Nhà nước sẽ cố gắng, nhưng ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải phát huy trách nhiệm, từ đó những góp ý mới khả thi, được chấp nhận.
Với tư cách là một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ, quá trình hoạch định chính sách, chuyển từ mong muốn suy nghĩ thành quy định, quy định được rồi sau đó tổ chức thực hiện đó là cả một quá trình. “Chúng ta cùng cố gắng, trước mắt khá nhiều việc có thể bắt đầu ngay như câu chuyện phản ứng chính sách tốt hơn, trả lời rõ ràng hơn để tháo gỡ những vấn đề thực tiễn”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Theo Ban Tổ chức, Diễn đàn không chỉ dừng lại ở những chia sẻ, trao đổi tại hội trường, mà Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục theo đuổi nhằm tìm ra lời giải cụ thể, rõ ràng cho những khó khăn, vướng mắc pháp lý thông qua việc kết nối, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô