Nam Sách (Hải Dương): Thiết lập mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt, góp phần cải thiện môi trường

Nam Sách (Hải Dương): Thiết lập mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt, góp phần cải thiện môi trường

MTĐT –  Thứ tư, 21/12/2022 11:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở, sự chung tay của toàn thể cộng đồng dân cư, đến nay công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên phạm vi toàn huyện Nam Sách đã đi vào nền nếp.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Nam Sách và Ban chỉ đạo (BCĐ) huyện đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt; xuất bản và in 40 nghìn cuốn “Sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn” để phát cho 100% số hộ dân và các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. 100% Đảng ủy xã, thị trấn cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Huyện ủy đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, từ đó tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động từ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được quan tâm triển khai thực hiện với đa dạng các hình thức như: xây dựng hơn 30 chuyên mục “phân loại rác thải tại nguồn, hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” phát hàng tuần trên sóng phát thanh của Đài phát thanh huyện với hơn 300 tin, bài. Đăng tải hàng chục tin, bài, ảnh, clip trên Cổng thông tin điện tử của huyện, trên trang fanpage của Đài phát thanh huyện. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tuyên truyền trực quan, lưu động, sân khấu hóa, tuyên truyền qua các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề của các hội, đoàn thể; tuyên truyền trong trường học. Cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể, giáo viên, học sinh các trường học phát huy vai trò gương mẫu trong thực hiện việc thu gom, phân loại rác tại gia đình mình, tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo xây dựng 44 vị trí ô ủ rác hữu cơ, với tổng số 120 ngăn ủ rác, tổng diện tích là 3.749m2; trong đó có 11 xã xây dựng ô ủ rác hữa cơ tập trung ở 01 điểm. Xây dựng 20 điểm trung chuyển rác vô cơ với tổng diện tích 5.643m2. Đây là việc làm mới trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung, do đó ban đầu còn gặp nhừng khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện.

tm-img-alt
Thu gom phân Compost từ ủ rác hữu cơ tại ô ủ tập trung. Ảnh: CTTĐT

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở, sự chung tay của toàn thể cộng đồng dân cư, đến nay công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên phạm vi toàn huyện đã đi vào nền nếp. Ý thức của người dân về phân loại rác thải sinh hoạt đã được nâng cao. Toàn huyện có 9.624 hộ dân xử lý rác hữu cơ tại nhà (chiếm tỷ lệ 24%). Một số xã có số hộ dân đăng ký xử lý rác hữu cơ tại nhà cao như: Phú Điền 69%, Nam Chính 67%, Minh Tân 80%,… Một số xã thực hiện phân loại rác tốt như: Nam Trung, An Lâm, Thị trấn Nam Sách, Hợp Tiến, Nam Chính, Quốc Tuấn, Cộng Hòa, Phú Điền, Thanh Quang, Nam Tân. Định kỳ, 240 lao động của 91 tổ thu gom rác thải ở 19 xã, thị trấn thực hiện thu gom rác sau khi các hộ gia đình đã thực hiện phân loại để chuyển đến các điểm xử lý theo quy định. Mặc dù ban đầu gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý rác hữu cơ tại các ô ủ, tuy nhiên đến nay nhiều xã đã có giải pháp khắc khục và xử lý thành công rác hữu cơ thành phân compost. Ước tính trên địa bàn toàn huyện từ ngày 01/5/2022 đến nay có khoảng trên 10.000 tấn rác thải sinh hoạt hữa cơ (tươi) đã được xử lý tại hộ gia đình và tại các ô ủ tập trung. Một số xã làm tốt công tác ủ mùn rác hữu cơ như: Nam Trung, An Sơn, An Lâm, thị trấn Nam Sách, Hợp Tiến, Nam Chính, Cộng Hòa. Trong đó xã Nam Trung đã 3 lần thu gần 50 tấn phân compost từ việc ủ rác hữu cơ.

Đối với rác vô cơ, sau khi phân loại từ hộ gia đình, rác được thu gom chuyển đến các điểm trung chuyển, sau đó đơn vị xử lý (Công ty Seraphin) vận chuyển về nhà máy xử lý. Tổng lượng rác vô cơ trên địa bàn huyện đã được thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý tính từ 01/5 đến ngày 31/10/2022 là trên 3000 tấn, với số chi phí xử lý là trên 2,6 tỷ đồng. Qua tổng hợp, phân tích của phòng Tài nguyên và Môi trường cho thấy khối lượng rác vô cơ sau phân loại tính bình quân người/ngày là 0,15 kg.

Cũng theo phòng Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh những xã làm tốt việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt thì vẫn còn có xã, có địa bàn chưa thực sự làm tốt việc phân loại. Qua kiểm tra tại các điểm trung chuyển rác vô cơ ở một số địa phương vẫn còn tình trạng chưa phân loại triệt để, còn lẫn rác hữu cơ vào rác vô cơ làm tăng chi phí xử lý, hay lẫn rác vô cơ vào ô ủ rác hữu cơ khiến việc xử lý rác hữu cơ thành phân compost gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Những kết quả bước đầu là rất quan trọng để mỗi địa phương nhìn nhận những kết quả đã đạt được và hạn chế trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở địa bàn mình. Nhìn nhận rõ trách nhiệm của cá nhân được giao phụ trách, của tổ chức trong chỉ đạo thực hiện, từ đó có biện pháp nhằm tiếp tục nỗ lực nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phân loại, thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thời gian tiếp theo. Đồng thời tiếp tục triển khai nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng nơi quy định, kịp thời phát hiện và phản ánh các trường hợp vi phạm, không có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung ở các xóm, các gia đình; phát huy tốt vai trò của người có uy tín để vận động, thuyết phục người dân hiểu hơn vai trò của mình trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn; để mỗi người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh ở bất cứ đâu, từ những việc nhỏ trong sinh hoạt, lao động mỗi ngày, có như vậy mới bảo vệ môi trường sống xanh-sạch-đẹp của chúng ta hiện tại và cho thế hệ mai sau như mục tiêu mà Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Huyện ủy đã đặt ra.

Thanh Mai (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích