Môi giới BĐS lo ‘mất’ Tết, chuyên gia hé lộ thời điểm thị trường khởi sắc
Nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn đang cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn. Với những tín hiệu tích cực về chính sách, chuyên gia dự báo thời điểm thị trường BĐS khởi sắc.
Môi giới lo ‘mất’ Tết, doanh nghiệp tìm cách tồn tại
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thế nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phía Nam đã có lịch cho nhân viên nghỉ Tết sớm, thậm chí một số nơi còn cắt giảm nhân sự.
Anh L.T. A, nhân viên của một sàn giao dịch tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, công ty anh chuyên bán đất nền ở các tỉnh, có khoảng 80 nhân viên. Nửa đầu năm, trung bình mỗi tuần công ty bán được 10 nền đất. Tuy nhiên, từ tháng 6/2022 đến nay, thị trường ảm đạm hẳn.
“Tìm được khách đã khó, mời họ đi xem dự án càng vất vả hơn. Hiện tại, mỗi tuần công ty chỉ bán được từ 1 đến 2 nền. Nhiều nhân viên lo lắng khi Tết đang đến gần, thu nhập ít ỏi từ khoản lương hàng tháng không đủ lo cho gia đình”, anh A. chia sẻ.
Nhiều môi giới BĐS sụt giảm thu nhập khi Tết Nguyên đán cận kề. (Ảnh minh hoạ) |
Thu nhập của nhân viên môi giới BĐS phần lớn đến từ tiền hoa hồng giao dịch. Tuy nhiên, anh N.V.N, nhân viên của một công ty BĐS có trụ sở Q.1, TP.HCM cho hay, công ty vừa thông báo hoãn trả tiền hoa hồng đến tháng 6/2023 và thưởng Tết chỉ bằng một nửa năm trước.
Dù công ty chưa cắt giảm nhân sự nhưng việc “treo” hoa hồng và giảm thưởng Tết đã làm cho nhiều nhân viên như anh N. điêu đứng. Theo anh N, hàng tháng, vợ chồng anh phải trả 15 triệu đồng tiền lãi ngân hàng cho khoản vay mua nhà. Thu nhập giảm mạnh như thế này thì không biết xoay xở ra sao (?)
Chia sẻ với VietNamNet, chủ một sàn giao dịch BĐS tại TP.Thủ Đức cho biết, công ty ông sẽ cho toàn bộ nhân viên bán hàng nghỉ Tết sau khi làm việc hết tháng 12. Vài tháng qua, công ty hoạt động cầm chừng vì hầu như không có giao dịch.
“Ngoài chi phí vận hành cố định, mỗi tháng công ty còn phải tốn nhiều kinh phí marketing nhưng không mang lại hiệu quả. Trước tình hình này, công ty buộc phải cắt giảm 50% nhân viên bán hàng. Dù không mong muốn nhưng phải tinh giản bộ máy để tồn tại trước đã”, vị này nói.
Dự báo thời điểm thị trường khởi sắc
Về diễn biến thị trường BĐS năm qua, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho hay, bắt đầu từ quý 2/2022, mức độ quan tâm và giao dịch BĐS đã có xu hướng giảm. Nửa cuối năm, lượng giao dịch tiếp tục sụt giảm mạnh.
Theo ông Quốc Anh, đây là giai đoạn khó khăn của thị trường BĐS khi có nhiều thách thức về nguồn vốn, giá bán tăng quá cao, thông tin điều tra và khởi tố nhiều chủ doanh nghiệp BĐS… tất cả những yếu tố này đã ảnh hưởng lớn đến mức độ quan tâm của người mua BĐS.
Nhìn lại giai đoạn 2008 – 2012 khi thị trường rơi vào khủng hoảng và dần phục hồi vào giai đoạn 2013 – 2014 với hàng loạt chính sách thông qua, có thể thấy thị trường BĐS trong nước diễn biến theo chu kỳ.
“Nếu theo chu kỳ từng diễn ra trước đây, tính từ thời điểm khi Ngân hàng Nhà nước có động thái hạ trần lãi suất cho đến lúc thị trường BĐS bắt đầu đảo chiều và có bước phục hồi là phải mất mất 1,5 năm.
Vì vậy, nếu chỉ dựa trên chỉ báo lãi suất, xét theo bối cảnh hiện nay, với kịch bản tích cực nhất thì trần lãi suất có thể sẽ được điều chỉnh vào quý 1/2023. Như vậy, phải đến quý 2 hay quý 3/2024, BĐS mới có thể đảo chiều”, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Trong 3 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng đảo chiều của thị trường BĐS gồm tăng trưởng tín dụng, lãi suất và chính sách điều hành của Chính phủ, theo ông Quốc Anh, tăng trưởng tín dụng và chính sách sẽ là hai yếu tố mang lại tác động tích cực và đẩy nhanh tiến trình xoay chiều thị trường. Do vậy, có thể kỳ vọng thị trường BĐS sẽ phục hồi vào cuối năm 2023.
Nguồn: Báo xây dựng