Ăn gì để giúp cơ thể giữ ấm, chống cảm lạnh vào mùa đông?

Ăn gì để giúp cơ thể giữ ấm, chống cảm lạnh vào mùa đông?

Bảo My –  Thứ hai, 19/12/2022 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vào những ngày thời tiết có đợt rét đậm, rét hại, không chỉ cần mặc trang phục ấm để giữ nhiệt mà chúng ta còn phải ăn những thực phẩm phù hợp để tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể, chống lại thời tiết bên ngoài.

Dưới đây chúng tôi sẽ chỉ ra những thực phẩm siêu tốt cho cơ thể, hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Khoai lang 

Khoai lang chính là lời đáp đầu tiên cho câu hỏi ăn gì để giúp cơ thể giữ ấm, chống cảm trong mùa đông. Trong khoai lang có chứa rất nhiều dưỡng chất giúp tăng đề kháng và tăng miễn dịch như vitamin C, canxi, kali, sắt,… Đặc biệt, vitamin A trong khoai lang đóng vai trò hiệu quả trong quá trình duy trì sức khỏe của bề mặt niêm mạc trong mũi, da hay cả đường tiêu hóa. Ăn khoai lang còn một cách để giảm cân và đặc biệt là có thể phòng chống bệnh ung thư. Giữa thời tiết lạnh giá mà ăn khoai lang nóng, vừa siêu ngon, siêu bổ dưỡng thì còn gì bằng. 

tm-img-alt

2. Gừng 

Nói đến vấn đề ăn gì để giúp cơ thể giữ ấm, chống cảm trong mùa đông thì không thể bỏ qua gừng. Đặc tính của gừng là sinh nhiệt nên làm giữ ấm cơ thể rất tốt. Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, đi vào 3 kinh phế, tỳ, vị nên giúp chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn trớ hay giúp tiêu hóa đều hiệu quả.  Bên cạnh đó, nó còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng cường lưu thông máu, rất hữu ích để cho những người bị nhức mỏi xương khớp trong thời tiết giá rét. 

Ăn một bát canh gừng nóng trong những ngày lạnh giá sẽ giúp bạn đào thải mồ hôi, hạ sốt, nhanh chóng tạm biệt cơn cảm cúm khó chịu. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến khích vào mỗi buổi sáng mùa đông nên uống một tách trà gừng kết hợp chút mật ong sẽ làm cơ thể ấm lên và tránh được cảm lạnh. 

3. Tỏi 

Mặc dù là thực phẩm kén người dùng, nhưng bạn có biết tỏi được mệnh danh là thực phẩm kháng sinh siêu hữu ích với con người. Nếu bạn có thể ăn được gia vị có mùi nồng này thì đó là sự lựa chọn hoàn hảo giúp bạn tránh được bệnh cảm cúm trong mùa đông. Không những có tác dụng làm nóng cơ thể mà tỏi còn có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol, tránh được các bệnh về tim mạch hay đột quỵ. 

Hãy bổ sung tỏi vào thực phẩm hằng ngày trong mùa đông, không những làm tăng hương vị cho món ăn mà còn tăng sức đề kháng và giữ ấm cơ thể. Với những người bị mắc bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản hay hen suyễn,… thì tỏi cũng là vị thuốc vô cùng hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua. 

4. Hành tây 

Nếu bạn đang cảm lạnh trong những ngày đông thì hãy bổ sung ngay hành tây vào chế độ dinh dưỡng của mình nhé! Phytoncide trong hành tây với đặc tính tính kháng khuẩn cao, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn lây nhiễm, cả vi khuẩn E. coli và Salmonella. Nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể dễ đổ mồ hôi, giữ ấm cơ thể và bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh hô hấp dễ mắc phải trong mùa đông. Trong Đông y, hành tây có tính nóng, có tính chất sát khuẩn và chống nhiễm khuẩn, trị ho, giảm cúm, trị giun và rất tốt cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, hành tây cũng được khuyến khích nên dùng cho những người bị viêm phế quản và viêm đường hô hấp.

5. Mật ong 

Mật ong là thực phẩm không thể không nhắc đến khi hỏi ăn gì để giúp cơ thể giữ ấm, chống cảm trong mùa đông. Trong mật ong nguyên chất có chứa hơn 60 chất khác nhau, đều cần thiết cho cơ thể như canxi, kali, sắt, natri,… Bên cạnh đó, mật ong còn rất giàu vitamin B1, B2, C, K, E,… đều giúp tăng cường hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng. Với tính chất sát khuẩn, kháng khuẩn cao, mật ong sẽ sản sinh một lượng nhiệt lớn cho cơ thể, giúp làm ấm, làm dịu cổ họng, điều trị cảm cúm, phòng tránh các virus, vi khuẩn và nhiều bệnh liên quan khác trong thời tiết lạnh. 

Có thể kết hợp mật ong với nhiều nguyên liệu khác để phòng tránh cảm cúm trong mùa đông như ngâm cùng tỏi hoặc pha trà cùng gừng, chanh hay bột quế uống nóng vào mỗi buổi sáng đều mang lại hiệu quả cao. 

6. Các loại thịt và hải sản giàu i-ốt 

Một số loại thịt như thịt gà, thịt bò, thịt bê, sườn lợn,… có hàm lượng protein và carbon hydrat dồi dào. Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa nhiệt lượng, giúp tráng dương bổ thận, lưu thông khí huyết, tăng cường tuần hoàn màu, hỗ trợ nâng cao đề kháng trong điều kiện thời tiết lạnh giá.

tm-img-alt

Bên cạnh bổ sung các loại thịt thì hải sản giàu i – ốt cũng là thực phẩm rất cần thiết cần dung nạp trong mùa đông. Không chỉ có thể giúp tiêu bớt mỡ, phòng chống béo phì mà các món ăn chế biến từ hải sản giàu i – ốt còn thúc đẩy quá trình sinh nhiệt, giúp giữ ấm cơ thể, nâng cao khả năng chịu lạnh , chịu rét rất tốt. Các loại hải sản giàu i – ốt dễ tìm, dễ chế biến là tôm, cua, sò, hến, rong biển,…

7. Cacao nóng 

Theo nghiên cứu cho thấy, trong cacao chứa một thành phần tên khoa học là theobromine giúp cơ thể đẩy lùi các triệu chứng cảm lạnh. Đó là bởi vì theobromine có tác dụng phong bế hoạt động của các dây thần kinh cảm giác của những người bị cảm cúm và giảm tình trạng ho. Thậm chí chất này còn mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị chứng ho mãn tính. 

Một ly cacao nóng vừa bổ dưỡng, thơm ngon lại còn cung cấp cho cơ thể nhiều khoáng chất thiết yêu như đồng, sắt, mangan, magie,… thì quả là một lựa chọn tuyệt vời trong những ngày thời tiết giá lạnh. 

8. Bí đỏ 

Bí đỏ chất rất nhiều canxi, vitamin C và dồi dào kali. Dung nạp vào cơ thể những chất dinh dưỡng này sẽ giúp chúng ta giảm được nguy cơ đột quỵ 20% và đẩy lùi nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, vitamin A và nhiều chất xơ trong bí đỏ còn giúp đẩy lùi cơn đói, giữ nhiệt lâu hơn, bạn sẽ luôn cảm thấy ấm áp trong người. 

tm-img-alt

Đặc biệt, khoáng chất kẽm và sắt có trong hạt bí còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa vi rút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây các bệnh nhiễm trùng. Hạt bí cũng giúp ngăn ngừa dị ứng dẫn đến chứng sổ mũi và ho, rất tốt để chữa cảm lạnh thông thường. 

9. Cháo bột yến mạch 

Cuối cùng trong danh sách ăn gì để giúp cơ thể giữ ấm, chống lạnh trong mùa đông xin đề xuất cháo bột yến mạch. Yến mạch rất giàu chất xơ và các protein từ thực vật nên chỉ cần ăn một bát cháo cũng có thể giúp bạn có đủ năng lượng trong thời gian dài. Ngoài ra, yến mạch cũng rất dễ nuốt, dịu nhẹ cho cổ họng nên sẽ giảm thiểu được cảm giác đau họng khi ăn uống, giảm triệu chứng viêm họng, cảm sốt. 

tm-img-alt

Bạn có thể kết hợp bột yến mạch với nhiều nguyên liệu khác để nấu cháo, làm tăng hương vị như các loại rau củ quả ( cà rốt, khoai tây, bí đỏ,…). Nếu muốn dinh dưỡng hơn thì có thể dùng cháo yến mạch với bơ hạnh nhân hay hạt chia – chứa nhiều khoáng chất, không cholesterol cũng là ý tưởng tuyệt vời đấy./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích