Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Hà Hồng –  Thứ hai, 19/12/2022 16:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 19/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy điều hành phiên giải trình.

Tham dự Phiên giải trình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Pháp luật, Tư pháp; đại diện lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương; đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Toàn cảnh Phiên giải trình

Đây là một hoạt động giám sát rất quan trọng của Ủy ban KH, CN và MT của Quốc hội. Tham dự Phiên giải trình có đại diện lãnh đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Ủy ban KH, CN và MT của Quốc hội, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương; Bộ TN và MT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, tỉnh Đồng Nai; một số doanh nghiệp đang trực tiếp hoạt động cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý, đầu tư phát triển công nghệ liên quan chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), và các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này.

Việc quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý CTRSH là vấn đề kinh tế – xã hội – môi trường thiết yếu. Nó đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của từng hộ gia đình, cá nhân và toàn thể cộng đồng, xã hội.

Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Đại biểu Quốc hội Chu Hồi hỏi vấn đề về tính thống nhất của cơ chế chính sách bảo vệ môi trường trong hệ thống pháp luật hiện hành

Trong thời gian qua, công tác quản lý CTRSH mặc dù đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và từng bước đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý CTRSH còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được tập trung xem xét, giải quyết. Hiện nay, khối lượng CTRSH phát sinh ngày càng lớn; tỷ lệ rác thải được chôn lấp trực tiếp còn cao; việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển, khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch tiến độ triển khai còn chậm hoặc không triển khai được; đa số các điểm tập kết, trạm trung chuyển và phương tiện vận chuyển CTRSH tại các địa phương không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật; vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý; việc xử lý các bãi rác tạm; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực vệ sinh môi trường,…

Từ thực trạng trên, thực hiện Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2022 và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban KH, CN và MT của Quốc hội đã tổ chức khảo sát thực tế vấn đề này tại một số địa phương và tổ chức Phiên giải trình này với mục đích chính: Nghe báo cáo, trao đổi làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, đồng thời đề xuất giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời các câu hỏi tại phiên giải trình

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã trả lời 12 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học và doanh nghiệp chung quanh các vấn đề chính: Vướng mắc trong thực tiễn ban hành, hướng dẫn và thi hành pháp luật về quản lý CTRSH; đề xuất, kiến nghị các nội dung cụ thể để Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhăm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực thi chính sách, pháp luật có liên quan.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích