Quản lý kiến trúc nông thôn – Kinh nghiệm từ các quốc gia lân cận
Quản lý kiến trúc nông thôn – Kinh nghiệm từ các quốc gia lân cận
Theo dõi MTĐT trên
Trong bối cảnh đô thị hóa ồ ạt, nhà ở nông thôn đã biến đổi nhanh chóng. Những bài học từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay chính tại một số địa phương tại Việt Nam có thể là kinh nghiệm giúp nông thôn tươi đẹp hơn.
Trong Luật Kiến trúc, yêu cầu về kiến trúc: “Hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình kiến trúc; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên”, và kiến trúc nông thôn: “Bảo đảm tiêu chuẩn về nhà ở, không gian sống, không gian văn hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc”.
Trong bối cảnh đô thị hóa ồ ạt, nhà ở nông thôn đã biến đổi nhanh chóng. Làm sao có các công trình đáp ứng nhu cầu của người dân trong đời sống hiện đại, thích ứng với điều kiện tự nhiên nhưng vẫn giữ được bản sắc và nét đẹp làng quê Việt đang được quan tâm. Những bài học từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay chính tại một số địa phương tại Việt Nam có thể là kinh nghiệm giúp nông thôn tươi đẹp hơn.
CHÍNH SÁCH “LẠT MỀM BUỘC CHẶT” TẠI TRUNG QUỐC
Cho đến nay, Trung Quốc luôn được coi là một quốc gia đi đầu trong công cuộc tái thiết nông thôn. Bằng chính sách Tam nông, Trung Quốc coi việc thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại các vùng nông thôn là ưu tiên hàng đầu.
Trung Quốc cũng là một quốc gia có tốc độ thành lập các đô thị mới tại nhiều cấp với tốc độ chóng mặt. Hàng loạt các thành phố mới được thành lập một cách tương đối nhanh chóng trực thuộc tỉnh, huyện; trong đó có cả hình mẫu thành phố trong thành phố. Việc thành lập các thành phố một cách quá nóng khiến cho Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có hình thái thành phố khá đặc biệt. Rất nhiều thành phố trong đó là những thành phố mới, chỉ có một trung tâm hành chính mới, phần còn lại là những vùng nông thôn nằm bao quanh. Vấn đề cấp thiết đồng bộ hóa toàn bộ diện tích của một đô thị bao gồm cả vùng nông thôn là một thách thức cần có sự đột phá trong cách thức thực hiện. Việc đồng bộ này cũng phải còn là sự nâng cấp một cách đồng bộ về kinh tế, văn hóa lối sống của người dân, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiện nghi xã hội, hệ thống quản lý trật tự đô thị.
Chính sách nhất quán của Trung Quốc coi khu vực nông thôn và ngoại thành là khu vực hỗ trợ không thể tách rời với đô thị. Khu vực ven đô luôn được quy hoạch gìn giữ là khoảng xanh bao quanh đô thị, cung cấp các sản phẩm nông sản cho đô thị trung tâm, là nơi phát triển kinh tế sản xuất hộ gia đình mang lại các giá trị kinh tế xã hội cao. Trong tương lai, Trung Quốc tiến tới xây dựng chất lượng cuộc sống ở các vùng nông thôn sẽ không thua kém gì các khu vực nội đô, thậm chí có một số các tiêu chí vượt trội như mật độ xây dựng thấp, môi trường tốt cho sức khỏe.
Tận dụng một cách triệt để các lợi thế đã có là nền sản xuất hàng hóa trải rộng, trên cơ sở liên kết các xưởng sản xuất hộ gia đình nằm trong các khu dân cư, chính quyền các thành phố mới đã có những chính sách điều chỉnh về quy hoạch kiến trúc, quy hoạch kinh tế xã hội rất cụ thể.
Hầu hết các vùng sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ tại các vùng ven đô được quy hoạch lại theo hướng phân tán nhưng có sự liên kết tương hỗ qua lại với nhau để chính quyền có thể kiểm soát được việc mở rộng chiếm đất của các cơ sở sản xuất, hạn chế sự thất thoát trong sử dụng đất nông nghiệp, quản lý được việc xả chất thải gây ô nhiễm môi trường. Các hình mẫu quy hoạch và thiết kế nhà cũng được thiết lập với thiết kế tổ chức không gian vô cùng linh hoạt như bao gồm cả xưởng sản xuất nhỏ nằm xen lẫn trong khuôn viên quy hoạch, có thiết kế đồng bộ tính đến cả những việc thu gom rác thải, nước thải sản xuất để xử lý tập trung trước khi xả thải ra môi trường.
Chính sách quy hoạch và quản lý mang tính “lạt mềm buộc chặt” này đã phần nào khiến người dân yên tâm và sản xuất, tránh phải chuyển đổi nhiều, tránh được những xáo động mạnh trong phát triển kinh tế. Bước tiếp theo được đặt ra có thể là, sau khi xã hội đã tích lũy một lượng lớn của cải vật chất đủ lớn, chính quyền các thành phố cũng sẽ từng bước hạn chế phát triển một số ngành nghề có giá trị gia tăng ít, gây ô nhiễm môi trường cao tại các vùng nông thôn. Việc này đã được các cơ quan chính quyền hoạch định trước các khu vực dự trữ để phát triển các khu công nghiệp nhỏ sản xuất tập trung tại mỗi khu vực trong tương lai.
Đối với những vùng nông thôn có các ngành nghề sản xuất hàng truyền thống cần bảo tồn và phát huy, việc tái thiết và quy hoạch lại được thực hiện trên tinh thần bảo tồn các giá trị sản xuất truyền thống nhưng vẫn hiện đại hóa nông thôn. Các làng nghề này cũng được quy hoạch. Các giá trị văn hóa truyền thống ở đây có những chính sách phát huy để đây sẽ trở thành những giá trị phi vật thể, là cái hồn và giá trị riêng cho mỗi cộng đồng. Mỗi ngôi làng được tính đến quy hoạch đồng bộ. Bên cạnh các thiết kế điển hình ngôi nhà có tính đến các yếu tố sản xuất truyền thống, còn là quy hoạch dành ra những không gian công cộng để tôn vinh, khuyếch trương cũng như quảng bá các giá trị này. Các ngôi đền tổ nghề được tôn tạo, những sân chơi văn hóa lớn được quy hoạch trước trong thiết kế quy hoạch tổng thể làng. Các hình ảnh, hình mẫu và các sản phẩm thủ công truyền thống được lưu giữ trọn vẹn tại một nhà bảo tàng của vùng. Chính điều này là một cách thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu cũng như mở rộng thị trường cho phát triển kinh tế tại mỗi khu vực nhỏ. Người dân tự được giáo dục nhận thức và tự cảm thấy gắn bó với ngành nghề truyền thống của địa phương mình.
Các khu vực nông thôn thuần nông, chính sách quy hoạch nhắm đến việc tổ chức lại hệ thống sản xuất, quy hoạch gắn với đề xuất các mô hình canh tác mới, gắn với sản xuất nông nghiệp hiện đại kỹ thuật cao, trở thành vùng chuyên canh sản xuất nông sản phục vụ trực tiếp cho bản thân đô thị tại chỗ. Các chương trình quy hoạch và tái thiết cũng nhắm đến tạo sự tiện nghi và phát triển bền vững cho khu vực nông thôn như đảm bảo tỉ lệ trường học, nhà trẻ, trạm y tế trên đầu người. Đảm bảo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được hiện đại hóa.
Xét về khía cạnh phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng. Đây chính là những bài học kinh nghiệm quý báu để có thể áp dụng xây dựng chính sách phát triển nông thôn một cách toàn diện.
“LÀNG MỚI” – CUỘC CÁCH MẠNG TRONG KIẾN TRÚC NÔNG THÔN TẠI HÀN QUỐC
Vào những năm 1970, Hàn Quốc là một quốc gia xây dựng công nghiệp hóa với xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp, tương tự như Việt Nam, thậm chí một số điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn khi đó còn vô cùng thiếu thốn, nhưng phong trào Saemaul Undong (Làng mới) ở Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng lan tỏa rộng khắp, tinh thần của phong trào “Làng mới” còn tác động đến cả các vùng đô thị. Vì vậy, tìm hiểu phong trào “Làng mới” của Hàn Quốc sẽ giúp chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay.
“Làng mới” là phong trào được khởi xướng bởi Tổng thống Park Chung Hye. Ban đầu, phong trào đổi mới nông thôn Hàn Quốc đưa ra 10 nội dung sau: Mở rộng, làm mới đường vào thôn xóm; mở rộng, làm mới đường trong thôn; làm vệ sinh thôn xóm; xây dựng khu giặt giũ chung; đào giếng nước chung; cải tạo mái nhà từ lợp rạ thành mái ngói, xi măng; cải tạo hàng rào quanh nhà từ tường đất thành tường xây gạch, xi măng; sửa cầu; sửa hệ thống đập sông ngòi và xây dựng điểm gom phân bắc. Các nội dung để xây dựng dự án rất thiết thực, tương đối đơn giản, dễ triển khai, có kết quả nhanh. Phong trào được thực hiện trên tinh thần cần cù, nỗ lực, hợp tác.
Những năm sau, phong trào “Làng mới” với mục tiêu là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn. Mô hình này thực hiện 16 dự án mà mục tiêu chính là cải thiện môi trường sống cho người dân nông thôn như: Mở rộng đường giao thông, hoàn thiện hệ thống nước thải sinh hoạt, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, trồng thêm cây xanh và xây dựng sân chơi cho trẻ em… Cải thiện môi trường sống cho người dân nông thôn đuợc coi là nền tảng để bắt đầu cho quá trình phát triển nông thôn.
Trong năm đầu tiên phát động phong trào, chính phủ cấp miễn phí đồng loạt cho 33.000 làng (mỗi làng có 150-200 hộ), mỗi làng 355 bao xi măng (loại 40 kg), giao cho người đứng đầu của làng bàn với dân tự quyết định phương án sử dụng, việc nào cần thiết sẽ ưu tiên làm trước. Người dân đóng góp ngày công, hiến đất làm đường để mở rộng, nâng cấp đường giao thông làng, xã.
Kết quả sau một năm, hơn một nửa tổng số làng có sự cải thiện đời sống, nên năm 1972, chính phủ chọn ra 16.600 xã có thành tích tốt được tôn vinh khen thưởng, tiếp tục được chính phủ hỗ trợ 500 bao xi măng và 1 tấn thép cho mỗi xã làm tốt để đầu tư, theo phương châm hỗ trợ những làng biết vượt lên khó khăn, cán bộ tâm huyết, nhân dân hưởng ứng tốt.
Đến năm 1973, các dự án “Làng mới” đã lan ra khắp cả nước với 34.665 làng tham gia, trung bình mỗi làng/xã được cấp miễn phí 355 bao xi măng. Toàn bộ kế hoạch đều do chính ủy ban làng/xã đó quản lý. Kế hoạch triển khai trên quy mô toàn quốc, phần lớn dựa vào quỹ của xã và lực lượng lao động sẵn có.
Phong trào “Làng mới” là một cuộc cải tổ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng, chứ không chỉ đối với từng cá nhân đơn lẻ. Sự thịnh vượng ở đây không chỉ bó hẹp ở ý nghĩa vật chất, nó còn bao hàm cả ý nghĩa tinh thần, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho cả con cháu mai sau. Phong trào “Làng mới” áp dụng biện pháp tiếp cận từ trên xuống dưới, đứng đầu bởi chính phủ.
Tuy nhiên, đây cũng là biện pháp tiếp cận từ cấp cơ sở lên khi dự án được đưa vào thực hiện. Người dân trong làng đóng góp một phần lớn nguồn vốn và sức lao động để đạt được mục đích của phong trào “Làng mới”. Trong khi đó, Chính phủ chỉ cung cấp một số nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép cần thiết để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. Tất cả các làng nông thôn trên toàn đất nước đều tham gia vào phong trào “Làng mới”, nó đã trở thành chương trình quốc gia thông qua các hoạt động như nâng cao thu nhập, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và nâng cao tinh thần người dân.
Đến đầu những năm 1980, bộ mặt của nông thôn Hàn Quốc đã thay đổi to lớn và toàn diện. Quá trình hiện đại hoá nông thôn đã được hoàn thành. Chính phủ điều chỉnh chiến lược phát triển sang một giai đoạn mới.
Có thể khẳng định, phong trào “Làng mới” với phương châm “Chăm chỉ – Tự lực – Hợp tác” đã tạo nên một điều kỳ diệu, đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới. Đây thực chất là cuộc cách mạng tinh thần, đánh thức khát vọng của người nông dân. Phong trào được thực hiện với phương châm làm từng bước, từ thấp đến cao, từ thí điểm trên diện hẹp đưa ra toàn quốc, từ nông nghiệp lan sang các lĩnh vực khác (để nông dân có đủ thời gian chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, có đủ thời gian để chọn lựa, đào tạo cán bộ cơ sở, các hộ nông dân có thời gian để tự tích lũy tái sản xuất mở rộng chương trình tiến hành trong những năm tiếp theo với các bước từ thấp đến cao). Theo các chuyên gia Hàn Quốc, 6 bài học được rút ra từ phong trào “Làng mới” là: Phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; Phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân; Đào tạo cán bộ phát triển nông thôn; Phát huy dân chủ để phát triển nông thôn; Phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng; Phát triển và bảo vệ rừng, Bảo vệ môi trường bằng sức mạnh toàn dân. Đây là những bài học kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong việc thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn hiện nay.
BỘ MẶT NÔNG THÔN TẠI VIỆT NAM
Việt Nam ta có 63 triệu người đang sống ở nông thôn, họ là “lực lượng đông đảo, sức mạnh to lớn, có vai trò quan trọng với dân tộc”. “Nhưng hôm nay, họ thường xuyên gánh chịu tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa? Là giai cấp chủ nhân đầu tiên của lịch sử Việt Nam nhưng bị thu hồi những bờ xôi ruộng mật để được đền bù bằng số tiền nhỏ nhoi, lam lũ cơ cực nhưng cứ mãi nghèo…
Chắc ai cũng thấy nông dân là tầng lớp nghèo nhất và đang chịu nhiều thiệt thòi nhất so với mọi nhóm khác . Như vậy, làm thế nào để tạo dựng mô hình kiến trúc nông thôn Việt Nam để nơi đó không chỉ là nơi cư trú an toàn mà còn là không gian sản xuất nông nghiệp bền vững? Đó không chỉ là những ngôi nhà lòe loẹt trưng bày trong các cuộc thi mà nó là một bộ phận của cỗ máy sản xuất nông nghiệp hiện đại, thích ứng với những đổi thay của biến động kinh tế, chính trị và thiên nhiên môi trường toàn cầu.
Đối với nông thôn – nơi ở gắn liền với không gian sản xuất nông nghiệp, mà nông nghiệp “Nhất nước/nhì phân/tam cần/tứ giống”, nên hệ sinh thái sông hồ rất quan trọng – đó là chìa khóa của một Hà Nội tăng trưởng Xanh – Bền vững bao gồm chất lượng sống, nông nghiệp sạch và giao thông thủy chi phí thấp, không ô nhiễm cũng như cảnh quan cây xanh mặt nước. Làm như vậy thì mới gia tăng thu nhập từ khu vực nông nghiệp và gia tăng chất lượng sống trong đô thị.
Có thể thấy rằng trong 20 năm qua, kiến trúc nông thôn Việt Nam đang còn bị để lại phía sau rất nhiều trong khi chính tại không gian này có nhiều tiềm năng để chữa chạy cho những thiếu sót trong lòng đô thị. Nếu như các KTS không coi nông thôn là thị trường tiềm năng, bỏ mặc nó trong các nghiên cứu nghiêm túc, hay các cuộc tiếp thị kiến trúc hướng tới nông thôn, hay những cuộc thi kiến trúc nông thôn với những giải pháp xa lạ với thực tế thì nhiều nhóm KTS đã khai thác kiến trúc nông thôn tài tình.
Điển hình như tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), có chàng họa sĩ yêu quê mà bán nhà phố về làng, lập xưởng mộc sưu tầm phục chế hàng trăm khung nhà gỗ ba gian hai chái của nhiều gia đình xứ Đoài dỡ ra để xây nhà mới hay chia nhỏ miếng đất để đưa vào các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng đầy ắp ký ức làng quê Bắc bộ.
Nhà hàng “Bếp Làng” đặt ở đầu làng Đường Lâm giữ nguyên nếp nhà cũ của một nông dân đã bỏ làng đi làm ăn xa. Gian bếp được họa sĩ bố trí lại để có thể chế biến phục vụ hàng trăm thực khách. Khu chuồng gà, chuồng lợn đã quy hoạch lại, nhặt nhạnh từng mảnh gỗ vụn xưa chắp lên nhà hàng 2 tầng, sàn gỗ, mái ngói vững chãi mà vẫn ấm hơi thở của bao nếp nhà xưa chắt chiu ngay tại chốn này.
Tại làng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) có nhà thiết kế thời trang bán nhà Hà Nội mua ngôi nhà ngói ba gian, hàng hiên tô đá màu từ những năm 1970 để sửa sang thành nơi sinh sống. Bà chủ mua lại từng cái chạn cũ, bộ bàn ghế cũ xiêu vẹo quanh xóm bỏ đi để chỉnh sửa làm vật dụng kết hợp trang trí nội thất. Vườn xưa tiêu điều được trồng vài luống cỏ, mấy gốc hồng, vài khóm hoa… Ngôi nhà nhìn ra cánh đồng lúa xanh mướt mà lung linh hình vật cũ mới.
Trên vùng núi cao Sa Pa, giữa nương lúa bậc thang là khóm nhà mái gỗ, ngoài hiên là những khung tre tạo thành sảnh thiên đường. Ngôi nhà xinh xắn, ruộng nương xanh mướt, trập trùng đồi núi mờ sương hồn lãng khách.
Có vài ví dụ về những sáng kiến khai thác kiến trúc nông thôn tài tình ở ba vùng miền khác nhau nhưng cũng gợi ý cho các KTS tiếp cận kiến trúc nông thôn Việt Nam một cách nghiêm túc sẽ mang lại tài nguyên trí tuệ cũng như tiền bạc dồi dào.
Bên cạnh những vốn quý kiến trúc nông thôn truyền thống Việt Nam thì cũng đặt ra vài tình huống kiến trúc nông thôn tương lai.
Tại các làng nghề giữa vùng nông thôn, vấn đề ô nhiễm môi trường nhức nhối: tiếng ồn, khói bụi, chất thải độc hại, nước thải ô nhiễm đang đầu độc bà con nông dân từng ngày từng giờ. Báo chí đưa tin các làng nghề tái chế phế thải là nguyên nhân ô nhiễm nông thôn, nhưng họ quên mất công lao vĩ đại của các làng nghề đó: họ chính là người khởi động ngành kinh tế tuần hoàn – Mô hình sản xuất tiên tiến trên thế giới đã có tại Việt Nam mà không nhận được danh hiệu cao quý nào. Nên chăng các cơ quan Tài nguyên môi trường/Khoa học công nghệ/Công thương/Y tế/Bảo hiểm/ Ngân hàng… nên lấy các ngôi làng này làm điển hình sáng tạo để có những chính sách ưu đãi đặc biệt, xứng đáng với hy sinh của họ.
Các KTS hãy tới đây để nghiên cứu đề xuất các giải pháp kiến trúc sinh thái: thu gom nước thải, chất thải để xử lý tái dụng; Tổ chức không gian ở an toàn lành mạnh trong bối cảnh sản xuất tiểu công nghiệp kết hợp nông nghiệp… những việc chưa có hình mẫu thì KTS Việt Nam có dám đảm nhận là người tiên phong?
Đại dịch COVID đã chứng kiến cuộc tháo chạy của hàng vạn công nhân từ các thành phố, khu công nghiệp về nông thôn, dịch đã vãn nhưng nhiều công nhân không quay lại. Một số doanh nhân tháo vát đã chuyển các nhà máy nhỏ về các vùng xa xôi để thu hút lao động.
Nhiều khu công nghiệp vừa và nhỏ đã tạo nên một mô hình sản xuất nông/công nghiệp hỗn hợp và đang tạo thành mô hình định cư bền vững tại nhiều địa phương. Các KTS cần tiếp cận và hình thành các làng quê mới phát triển bên cạnh các nhà máy công xưởng xen lẫn giữa vùng nông thôn. Làm sao để mô hình hỗn hợp này bổ trợ/tương tác/thúc đẩy lẫn nhau… ấy là nhờ tài năng của các KTS tài hoa và dấn thân.
Kiến trúc nông thôn Việt Nam đã thay đổi, đòi hỏi các KTS đã sớm nhận ra những tồn tại và cơ hội nếu tiếp cận một cách khoa học, toàn diện và công bằng. Hy vọng trong thời gian tới, nhiều sáng kiến mới về kiến trúc nông thôn sẽ được công bố./.
Tài liệu tham khảo
Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 7/2010
Chuyên gia Trần Huy Ánh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị