Lấy ý kiến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá

Về cơ sở, lý do xây dựng quy chuẩn, theo Bộ NN&PTNT, vào ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu do các tàu cá của Việt Nam chưa tuân thủ quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt là tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài dẫn tới những lô hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU bị kiểm tra chặt chẽ, gây tốn nhiều thời gian và phát sinh chi phí lớn.

Do đó, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là cần phải quản lý, giám sát hoạt động của đội tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác thủy sản IUU và giải pháp hữu hiệu là lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá đánh bắt xa bờ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trước tình hình diễn biến về biến đổi khí hậu khiến cho các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều và phức tạp trên Biển Đông thì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá là cần thiết và bắt buộc trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản, người và tài sản của ngư dân.

Trên thực tế, Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, trong đó quy định tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Để cụ thể hóa quy định của Luật, ngày 08/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản, trong đó đã quy định một số yêu cầu kỹ thuật cơ bản của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá (điều 44 Nghị định này) và quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống nhất quản lý hệ thống giám sát tàu cá trên toàn quốc; quy định quản lý kỹ thuật về hệ thống giám sát tàu cá (điểm e, khoản 1, Điều 71 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP).

Tính đến 30/8/2022, tổng số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên theo quy định phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khoảng 29.931 chiếc (chiếm 33% tổng số tàu cá cả nước). Trong tổng số 29.931 tàu cá đó, tính đến nay có 28.399 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của 9 nhà cung cấp đã được Tổng cục Thủy sản thông báo là thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá, cụ thể là: Movimar (Công ty CLS); Vifish18 (Công ty Vishipel); Thuraya SF2500, Thuraya Marine Star (VNPT Vinaphone); VHK-S, VHK-SL (Viện Hàn lâm KH&CNVN); S-Tracking (Tập đoàn Viettel); BA-SAT-01 (Công ty Bình Anh); InReach Mini (Công ty L’Trần); ZuniVN-01 (Công ty TNHH Zunibal Việt Nam); BK88VN (Công ty Cổ phần thiết bị Điện – Điện tử Bách Khoa; GTS-V68 (Công ty TNHH Viễn thông Khánh Hội).

Ảnh minh hoạ

Có thể thấy, hiện nay, các thiết bị giám sát hành trình tàu cá rất đa dạng về chủng loại và đặc tính kỹ thuật. Nhiều nhà cung cấp thiết bị tham gia thị trường với nhiều sản phẩm chưa được đánh giá về chất lượng, chưa đánh giá được sự phù hợp đối với nhu cầu của ngư dân cũng như phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Nhằm thống nhất việc quản lý kỹ thuật, đảm bảo an toàn kỹ thuật và an toàn thông tin khi lắp đặt, cần thiết phải xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ: Tiêu chuẩn quốc gia; Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật; kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.

Trước thực trạng cung cấp, lắp đặt, khai thác, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá có nhiều vấn đề cần thống nhất, bên cạnh việc kết hợp tham khảo cả tiêu chuẩn và các tài liệu khác, nhóm thực hiện nhiệm vụ – ban soạn thảo quy chuẩn – đã triển khai tổ chức các chuyến điều tra, khảo sát tại nhiều địa phương để thu thập thông tin, tổng hợp, xử lý số liệu, dữ liệu, xác định yêu cầu thực tế phục vụ cho công tác xây dựng Quy chuẩn.

Qua điều tra, khảo sát nhận thấy hầu hết ngư dân đã nhận thức được sự cần thiết của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá và mong muốn có một quy chuẩn kỹ thuật chung về thiết bị này để đảm bảo cho việc vận hành, theo dõi hoạt động của tàu, giúp như dân quản lý phương tiện và tài sản tốt hơn, tránh vi phạm hải phận, chủ quyền các nước. Đồng thời khi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đáp ứng đầy đủ quy định kỹ thuật bắt buộc còn giúp theo dõi, ứng cứu ngư dân kịp thời, chủ động khi có sự cố không may xảy ra trên biển đối với tàu cá. Bên cạnh đó, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá cũng phải thỏa mãn các yêu cầu quản lý chuyên ngành đặt ra hiện nay.

Quy chuẩn nêu rõ các yêu cầu đối với phần cứng và phần mềm của thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, phần cứng thiết bị giám sát hành trình phải có vỏ hộp, dây dẫn, cổng kết nối, phụ kiện đi kèm phải được làm bằng vật liệu thích hợp với điều kiện hoạt động trên biển. Đối với các cổng kết nối ra bên ngoài phải có nắp đậy đảm bảo kín nước theo tiêu chuẩn IP67. Ưu tiên các cổng kết nối sử dụng phương thức kết nối không dây.

Đây là điều kiện tiên quyết giúp hạn chế các loại vật liệu kém bền nhằm hạ giá thành sản xuất, vi phạm các tiêu chuẩn về vật liệu thân thiện với môi trường, chất liệu nhựa/kim loại liên quan trực tiếp đến thời gian sử dụng. Đồng thời, đảm bảo chất lượng, độ bền của sản phẩm khi sử dụng trong môi trường trên biển. Việc đo thử nghiệm sẽ áp dụng một số tiêu chuẩn, quy trình tại Việt Nam.

Phần cứng thiết bị giám sát hành trình phải có bộ nhớ để lưu trữ các dữ liệu hành trình theo quy định (đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu đã được ghi, lưu trữ). Dung lượng bộ nhớ đảm bảo để lưu giữ các dữ liệu bản tin GSHT quy định tại mục 2.2.4 của Quy chuẩn này…

Hán Hiển 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích