COP 15 và tham vọng về bảo tồn đa dạng sinh học trong thập kỷ tới
COP 15 và tham vọng về bảo tồn đa dạng sinh học trong thập kỷ tới
Theo dõi MTĐT trên
Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc bao gồm các cuộc họp đồng thời của các cơ quan chính phủ thành viên Công ước và các Nghị định thư của nó, bao gồm cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước (COP 15)
Từ ngày 07 đến 19/12/2022, Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) diễn ra tại Montreal, Quebec, Canada, dự kiến sẽ đặt ra mức độ tham vọng cho thập kỷ tới và có hành động mạnh mẽ để đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học hiện nay.
Thực tế cho thấy, đa dạng sinh học, sự đa dạng của mọi sự sống trên trái đấtđang bị mất đi với tốc độ đáng báo động. Các hệ sinh thái, từ rừng và sa mạc đến nước ngọt và đại dương, đang suy giảm nghiêm trọng. Một triệu loài thực vật và động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự đa dạng di truyền đang biến mất. Đa dạng sinh học là nền tảng cho cuộc sống và sinh kế của con người, bởi chúng cung cấp nguồn tài nguyên thiết yếu và các chức năng của hệ sinh thái để duy trì sự sống của con người, bao gồm sản xuất lương thực, lọc không khí và nước, và ổn định khí hậu. Các hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh chúng ta đang bị đe dọa.
Trong khi một loạt các đánh giá toàn cầu quan trọng cung cấp cơ sở khoa học về nhu cầu cấp thiết để giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học và các mối quan tâm của xã hội ngày càng gia tăng, hành động chính sách lại bị tụt lại phía sau. Không có Mục tiêu Aichi nào trong Kế hoạch Chiến lược về Đa dạng Sinh học 2011-2020 hoàn toàn đạt được. Được tổ chức dưới sự bảo trợ của Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc năm 2022 dự kiến sẽ đặt ra mức độ tham vọng cho thập kỷ tới và có hành động mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng này. Điều này bao gồm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc mất đa dạng sinh học có liên quan đến các ưu tiên kinh tế dẫn đến sự phát triển không công bằng và không bền vững.
Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc bao gồm các cuộc họp đồng thời của các cơ quan chính phủ thành viên Công ước và các Nghị định thư của nó, bao gồm cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước (COP 15), cuộc họp lần thứ 10 của Hội nghị các Bên tham gia Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học (MOP 10) , và cuộc họp lần thứ tư của Hội nghị các Bên tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học (MOP 4).
COP 15 dự kiến sẽ thông qua khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) sau năm 2020, trong đó sẽ đặt ra một kế hoạch mới nhằm thay đổi mối quan hệ của xã hội với đa dạng sinh học và đảm bảo tầm nhìn của Công ước về sống hài hòa với thiên nhiên đến năm 2050 được thực hiện. Các cuộc đàm phán về GBF vẫn đang được tiến hành bởi các nhóm công tác (Working Group I và Working Group II)của COP15 sau khi cuộc họp lần thứ 5 của Nhóm Công tác mở rộng (OEWG) kết thúc vào ngày 5 tháng 12 mà không đạt được sự thống nhất về Dự thảo của GBF. .
Một loạt các nội dung chương trình nghị sự khác được liên kết chặt chẽ với GBF, bao gồm: khung giám sát cho GBF; một chiến lược truyền thông; kế hoạch hành động về giới; huy động nguồn lực và cơ chế tài chính; nâng cao năng lực, hợp tác khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, quản lý tri thức và truyền thông; cơ chế báo cáo, đánh giá, tổng kết việc thực hiện; và lồng ghép đa dạng sinh học trong và giữa các ngành. Bên cạnh đó, COP 15 sẽ xem xét thêm các vấn đề về các khu bảo tồn, đa dạng sinh học biển (bao gồm các khu vực biển có ý nghĩa sinh thái hoặc sinh học); đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu; đa dạng sinh học và sức khỏe; thiên nhiên và văn hóa; và sinh học tổng hợp.
Đối với Nghị định thư an toàn sinh học MOP 10, cuộc họp MOP 10 sẽ xem xét một loạt các vấn đề hành chính, tài chính và nội dung liên quan đến Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học và Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về trách nhiệm pháp lý và bồi thường, bao gồm, đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro, phát hiện và nhận dạng các sinh vật biến đổi sống. Đối với Nghị định thư Nagoya MOP 4, cuộc họp MOP4 sẽ đề cập đến các hạng mục tài chính, thủ tục và nội dung liên quan đến xây dựng năng lực, tiếp cận quốc tế chuyên biệt và các công cụ chia sẻ lợi ích cũng như cơ chế chia sẻ lợi ích đa phương toàn cầu.
Do đại dịch COVID-19, Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc được tổ chức thành hai phần. Phần đầu tiên được tổ chức tại Côn Minh, Trung Quốc từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10 năm 2021. Phần thứ hai COP15-CBD được tổ chức tại thành phố Montreal, Canada, từ ngày 7 đến ngày 19 tháng 12 năm 2022, ngay sau cuộc họp lần thứ năm của Nhóm công tác về GBF đã diễn ra từ ngày 3-5 tháng 12/2022. Trong đó, phiên họp cấp cao của các cơ quan chính phủ – quốc gia thành viên Công ước được tổ chức từ ngày 15-17/12. Là quốc gia thành viên của Công ước Đa dạng sinh học, Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP15-CBD do Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn và đại diện của các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao.
Tại Hội nghị, Việt Nam phối hợp với WWF tổ chức Sự kiện bên lề với chủ đề về “Bảo vệ các di sản thiên nhiên Việt Nam” và gặp mặt song phương với các đối tác EU, WB, ACB, WWF… nhằm khẳng định giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam và các cam kết ủng hộ các mục tiêu của CBD, đồng thời huy động sự tham gia, hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần đạt được mục tiêu của GBF trên toàn cầu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị