Bộ Y tế: Thu hồi giấy đăng ký 4 loại thuốc nhập ngoại trong đó có 2 loại thuốc chữa ung thư

Theo đó, 4 loại thuốc bị thu hồi giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam gồm: Thuốc Avastin (Bevacizumab 100mg/4ml) số đăng ký: SP3-1226-21; Thuốc Avastin (Bevacizumab 400mg/16ml) số đăng ký: SP3-1227-21; Thuốc Mircera (Methoxy Polyethylene glycol – epoetin beta 100mcg) số đăng ký: QLSP-1151-19; Thuốc Albuminar-25 (Human Albumin 12,5g/50ml) số đăng ký: SP-1184-20.

Trong số này, 2 loại thuốc Avastin (Bevacizumab 100mg/4ml) và thuốc Avastin (Bevacizumab 400mg/16ml) do Công ty Genentech Inc (Mỹ) sản xuất, Công ty F.Hoffmann-La Roche Ltd (Thụy Sĩ) đóng gói và đăng ký lưu hành là thuốc chuyên điều trị bệnh ung thư đại trực tràng.

Hai loại thuốc còn lại là thuốc Mircera (Methoxy Polyethylene glycol – epoetin beta 100mcg) do Công ty Roche Diagnostics GmbH (Đức) sản xuất được sử dụng trong điều trị thiếu máu; còn thuốc Albuminar-25 (Human Albumin 12,5g/50ml) do Công ty CSL Behring LLC (Mỹ) sản xuất, Công ty Unico Alliance Co., Ltd. (Hồng Kông) đăng ký lưu hành là dung dịch huyết tương.

 Thuốc Mircera (Methoxy Polyethylene glycol – epoetin beta 100mcg) bị thu hồi Giấy đăng ký lưu hành

Lý do thu hồi giấy đăng ký lưu hành 4 loại thuốc trên tại Việt Nam là do cơ sở sản xuất, hoặc cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề nghị thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam (theo quy định tại điểm g, khoản 1 điều 58 Luật Dược số 105/2016/QH13 và khoản 5 điều 40 Thông tư số 08/2022/TT-BYT).

Cục Quản lý Dược lưu ý, 4 loại thuốc bị nêu trên nếu sản xuất trước ngày quyết định thu hồi này có hiệu lực và đã nhập khẩu vào Việt Nam, hoặc thuốc nhập khẩu vào Việt Nam đã được giao hàng tại cảng đi của nước xuất khẩu trước ngày quyết định này có hiệu lực thì tiếp tục được phép lưu hành đến hết hạn dùng của thuốc.

Cơ sở đăng ký thuốc, sản xuất thuốc phải có trách nhiệm theo dõi, và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc trong quá trình lưu hành. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý khi mua hay sử dụng những loại thuốc này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Luật Dược của Việt Nam, thuốc kém chất lượng/không đạt tiêu chuẩn là những sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng hay các tiêu chuẩn đặc biệt hoặc cả hai, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra. Những thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng khi sử dụng rất có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Một số hệ lụy có thể xảy ra khi dùng thuốc kém chất lượng bao gồm:

Khi dùng thuốc không đạt chất lượng, hàm lượng hoạt chất có thể không đủ để đem lại tác dụng điều trị bệnh. Ngoài ra trong quá trình sản xuất, tạp chất có thể xuất hiện do tương tác giữa hoạt chất và tá dược làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Những chất lạ này khi vào cơ thể có khả năng gây ra những phản ứng dị ứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Cũng theo tổ chức WHO, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất không những không điều trị được tình trạng bệnh đang có mà còn có thể gây ra những vấn đề khác do chất lượng của các nguyên liệu trong thuốc.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích