Gỡ vướng thể chế, pháp lý quan trọng hơn ‘bơm’ tiền
“Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ khác như nới room tín dụng, hạ lãi suất…thì tháo gỡ thể chế, pháp lý phải được coi là giải pháp trung tâm, đột phá quan trọng nhất”, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trao đổi với PV Tiền Phong như vậy khi nói về các giải pháp tháo gỡ một số nút thắt của nền kinh tế hiện nay.
Tái cơ cấu để tự cứu mình
Chính phủ đang cấp thiết đưa ra các giải pháp cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó có việc nới room tín dụng từ 1,5 đến 2%, tương đương 240 nghìn tỷ đồng “bơm” vào nền kinh tế. Ông thấy sao về giải pháp này?
Sớm giải quyết vấn đề pháp lý, tạo thanh khoản, để doanh nghiệp huy động được nguồn vốn (Ảnh minh hoạ) |
Thời gian qua, không phải chỉ có doanh nghiệp, mà trong toàn bộ nền kinh tế cũng đều gặp khó khăn về thanh khoản. Khi phải nâng lãi suất cao lên để huy động tiền vào, chứng tỏ bản thân các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Những tháng đầu năm, vấn đề vĩ mô tương đối ổn, nhưng trong những tháng cuối năm, cả vấn đề vĩ mô của nền kinh tế và câu chuyện nội tại của doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Nới room tín dụng là giải pháp cần thiết trong bối cảnh này vì “khát” vốn đang là tình trạng chung của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng, cũng có những doanh nghiệp dù “khát” vốn nhưng lại không đáp ứng được các điều kiện cho vay. Chính vì vậy, cùng với việc nới room tín dụng cũng cần phải cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, nếu không các doanh nghiệp vẫn không đáp ứng được điều kiện cho vay. Lúc đó, ngân hàng sẽ phải xem xét, cho vay với điều kiện dưới chuẩn. Điều đó không thể không làm, bởi vì nếu điều kiện cho vay quá khắt khe, thì cũng chỉ một bộ phận đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn thôi.
Vấn đề quan trọng khác là phải rót vốn vào lĩnh vực nào để thực sự mang lại hiệu quả, thưa ông?
Tất nhiên, hướng ưu tiên lúc nào cũng là đầu tư vào sản xuất, xuất khẩu, lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế… Tăng tín dụng rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là dòng vốn đó phải được chảy vào các kênh, khu vực doanh nghiệp mang lại hiệu quả, đảm bảo thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, có khả năng thu hồi lại nợ. Vấn đề này thì hệ thống ngân hàng sẽ đánh giá và cho vay, vì họ chính là những người hiểu về doanh nghiệp hơn ai hết.
“Chúng ta đang sửa Luật Đất đai, làm sao không biến thị trường bất động sản thành thị trường đầu cơ, mà phải là thị trường mua bán hàng hoá thông thường, người dân có thể tiếp cận được. Một loạt các biện pháp cần phải giải quyết trong Luật Đất đai sửa đổi, điều chỉnh thị trường theo hướng như vậy”TS. Vũ Tiến Lộc |
Tuy nhiên, bên cạnh nguồn vốn tín dụng, bản thân doanh nghiệp cũng phải có giải pháp để tự cứu mình. Nhiều doanh nghiệp có quan điểm này. Để tự cứu mình, buộc họ phải tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, đa dạng hoá thị trường để họ duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn này. Bởi thực tế, bộ phận doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu để được ưu đãi tín dụng không nhiều. Ngay cả chủ trương bù lãi suất 2%, nhiều doanh nghiệp cũng nói không thể theo đuổi được.
Bên cạnh tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp đã và đang huy động vốn từ các kênh chứng khoán, trái phiếu. Nhưng hai kênh huy động vốn này lại đang gặp rất nhiều khó khăn, biến động. Theo ông, việc này nên để thị trường tự quyết định, hay cần sự can thiệp của Nhà nước?
Trường hợp này có lẽ là cả hai. Trong điều kiện bình thường thì không có vấn đề gì cả, nhưng trong trường hợp bất thường, nên có sự can thiệp của Nhà nước. Sự phối hợp hài hoà giữa yếu tố thị trường với sự điều tiết, điều chỉnh của Nhà nước là rất cần thiết.
Vấn đề gốc rễ, điều không bình thường trong nền kinh tế hiện nay là, ngay cả đầu tư trung và dài hạn, doanh nghiệp cũng dựa vào vốn tín dụng của ngân hàng. Lẽ thường, đầu tư trung và dài hạn phải dựa vào vốn tự có, vốn huy động từ kênh chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Còn vốn tín dụng ngân hàng bản chất là vốn ngắn hạn. Thế nhưng chúng ta bao nhiêu năm nay vẫn trong tình trạng như vậy, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế, cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Do vậy, chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn cần thiết và phải nâng lên. Doanh nghiệp phải dựa vào các kênh đó, chứ không phải dồn tất cả gánh nặng lên hệ thống ngân hàng. Đó là vấn đề căn bản và nền kinh tế cũng phải hướng vào điều đó. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động rất sôi động, nhưng vừa qua lại gặp nhiều khó khăn, trong đó một phần do quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý.
Không thể “ném tiền qua cửa sổ”
Thực tế cho thấy, cùng với tín dụng, vấn đề cấp bách hiện nay là việc tháo gỡ về pháp lý để sớm khơi thông các nguồn lực, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đó cũng chính là lý do Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản. Tính pháp lý của các dự án đang là vấn đề rất lớn đặt ra. Nếu giải quyết được vấn đề pháp lý, lập tức nó lại đủ điều kiện để có thể bán hàng được, thanh khoản có, tiền có, nên doanh nghiệp có khả năng huy động vốn. Còn nếu không được tháo gỡ, một loạt dự án rơi vào khó khăn, bế tắc, rủi ro về mặt pháp lý, tắc thanh khoản, hàng không bán được, doanh nghiệp ngắc ngoải.
Tôi rất hi vọng Tổ công tác của Thủ tướng sẽ nhanh chóng tháo gỡ được việc này, để chúng ta có môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn hơn. Trong đó, an toàn về môi trường kinh doanh, về pháp lý phải được coi là số một. Như với thị trường chứng khoán vừa qua, phải nói là cơ quan quản lý nhà nước cũng thiếu trách nhiệm. Hệ thống các quy định, các tiêu chuẩn, chuẩn mực, cơ chế kiểm tra, thanh tra vẫn vắng bóng. Chẳng lẽ những việc làm khuất tất của doanh nghiệp vừa qua, cơ quan thanh tra, kiểm tra lại không biết? Tôi nghĩ họ biết. Để xảy ra vấn đề như vậy có trách nhiệm của họ chứ (?) Cho nên, ở đây không phải chỉ có riêng trách nhiệm của doanh nghiệp.
Ngay trong việc xử lý các vi phạm cũng phải làm sao đó để đặt lợi ích chung của nền kinh tế lên hàng đầu. Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và phải có chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta có bước tiến đột phá, hi vọng trong cải cách thể chế, thực hiện các biện pháp bảo vệ cán bộ, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng phải có đột phá tương tự như vậy.
Cùng với giải pháp về thể chế, theo ông, lúc này có nên “bơm” tiền để “giải cứu” bất động sản?
Giải cứu thị trường bất động sản không phải việc dễ dàng. Trung Quốc, Hàn Quốc, họ tung ra rất nhiều tiền cứu thị trường bất động sản. Nhưng hệ thống tài chính của họ rất khoẻ, còn chúng ta thực sự khó khăn, nên không thể tung ra những gói tiền lớn như họ được. Chúng ta phải hài hoà, dùng cả biện pháp cứng và mềm, đề cao trách nhiệm, rồi mở room tín dụng, trợ giúp lãi suất, với tổng hợp các biện pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Chúng ta làm gì có tiền để xử lý vấn đề này rốt ráo ngay được.
Giai đoạn này rất khó khăn, đòi hỏi phải có nghệ thuật trong điều hành. Chúng ta không hoảng loạn, nhưng cũng phải với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, mà trước tiên là phải tháo gỡ về mặt pháp lý. Tiền bạc lúc nào cũng quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất. Cái quan trọng nhất là thể chế, là pháp lý. Nếu tháo gỡ được vấn đề này sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề, nên phải được coi là giải pháp trung tâm, đột phá quan trọng nhất. Doanh nghiệp, dự án đúng sai thế nào phải làm rõ. Cái gì Chính phủ làm được, địa phương làm được thì phải làm ngay, nếu vượt tầm thì sớm báo cáo lên Quốc hội để xem xét, quyết định.
Cảm ơn ông!
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp sẽ phải như ngọn hải đăng chỉ dẫn cho các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư xem xét, đầu tư. Chúng ta còn yếu về việc này do thiếu sự minh bạch, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều rủi ro. Nhiều dự án hiện nay vấn đề pháp lý không đảm bảo, thành trở ngại rất lớn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bất động sản, đất đai có nhiều quy định còn chồng chéo, bất hợp lý, gây cản trở trong triển khai dự án, cần sớm được tháo gỡ, khơi thông. |
Nguồn: Báo xây dựng