Cần làm rõ ranh giới các loại quy hoạch theo pháp luật, đặc biệt là quy hoạch đô thị và nông thôn

Cần làm rõ ranh giới các loại quy hoạch theo pháp luật, đặc biệt là quy hoạch đô thị và nông thôn

MTĐT –  Thứ hai, 19/12/2022 08:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bài viết này lựa chọn địa bàn thực tiễn là huyện Sóc Sơn – một địa bàn nhiều đặc thù và khá đa dạng về tính chất – để làm ví dụ tìm hướng giải quyết cho sự chồng chéo và những mâu thuẫn trong công tác quy hoạch.

Trong bối cảnh hệ thống quy hoạch đô thị trên cả nước đồng loạt phải được thực thực hiện, đôi khi chồng chéo, cần một cái nhìn tổng thể để định hướng, đặc biệt là trong quy hoạch hệ thống đô thị cần làm rõ lằn ranh đô thị với nông thôn. Bài viết này lựa chọn địa bàn thực tiễn là huyện Sóc Sơn – một địa bàn nhiều đặc thù và khá đa dạng về tính chất – để làm ví dụ tìm hướng giải quyết cho sự chồng chéo và những mâu thuẫn trong công tác quy hoạch.

Có nhiều định nghĩa về quy hoạch xây dựng và việc thực hành này được thực hiện ở mỗi quốc gia khác nhau theo điều kiện thực tế, song nhìn chung quy hoạch xây dựng là để giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội, đó là phạm vi hoạt động gồm nhiều bộ môn nhằm tạo ra một sự bố trí có trật tự về không gian trong một khoảng thời gian bằng cách tìm sự hài hoà và hiệu quả.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta cùng nhìn nhận lại tình hình thực hành quy hoạch đô thị tại Việt Nam, quy hoạch được người Pháp ‘du nhập’ vào Việt Nam để xây nên những thành phố thuộc địa ‘hoành tráng’ (tham khảo ‘Lịch sử Hà Nội’ của Phillipe Papin). Trong bối cảnh không có kinh tế thị trường, nền quy hoạch mang đậm dấu ấn của Liên Xô cũ cũng đậm tính ‘hoành tráng’ để thể hiện quyền lực của chính quyền.

Sau đó, khi bắt đầu mở cửa, chúng ta lại ‘choáng ngợp’ trước sự phát triển nhanh chóng của thế giới, mong muốn hội nhập trở nên mãnh liệt, hơn nữa, tư duy ‘hoành tráng’ vốn là một trong những nền tảng quan trọng có được từ nền giáo dục cũ, các nhà quy hoạch sư Việt Nam không mấy khó khăn để vẽ ra các đô thị khang trang, to đẹp từ quy dân số, quy mô đất đai đến các khu trung tâm đô thị mới tương đối ‘mênh mông’ theo dự báo để đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị 10 năm, 20 năm và có tầm nhìn đến tận 50 năm.

Thêm vào đó, sự thúc ép ‘tăng trưởng’, với ý hiểu ‘đô thị hóa’ là cái đích của sự phát triển, các nhà cầm quyền, các nhà quản lý và cả cư dân đô thị, những người quyết định mong muốn viễn cảnh nơi mình sống cũng chờ đợi một ‘sự khang trang’, ‘một thứ gì đó vượt bậc’ hoặc ‘ghi kỷ lục’.

Đó là một trong những lý do ra đời những đồ án quy hoạch thiên về ‘kích cỡ’ hơn là tính hợp lý, khả năng vận hành (trong điều kiện tự nhiên, văn hoá xã hội của từng nơi chốn) cũng như triết lý và mô hình tổ chức xã hội (những yếu tố gần gũi, quen thuộc đôi khi trở nên khác lạ và không thể liên hệ được).

Tóm lược quá trình thực hiện các loại đồ án quy hoạch trên địa bàn Huyện Sóc Sơn – cùng nhìn nhận, đánh giá

Sóc Sơn ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế về mặt địa lý, cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km, có nhiều đầu mối giao thông quan trọng của Quốc gia, của Vùng và Thủ đô Hà Nội như: Sân bay quốc tế Nội Bài, tuyến đường quốc lộ 18, quốc lộ 3, tuyến đường cao tốc Hà nội – Thái Nguyên, tuyến đường vành đai 4,…

Đặc biệt, sân bay quốc tế Nội Bài – đầu mối hạ tầng không chỉ của Thủ đô Hà Nội mà của Quốc gia đặt tại địa bàn Sóc Sơn hiện đang có kế hoạch nâng cấp, mở rộng đáp ứng yêu cầu vận chuyển hiện tại và tương lai là cơ hội lớn, nâng cao vị thế, chức năng, vai trò đô thị của toàn Huyện.

Sóc Sơn cũng là địa bàn còn nhiều quỹ đất để xây dựng phát triển, cảnh quan tự nhiên phong phú với những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng, đây cũng là những tiền đề quan trọng để Huyện Sóc Sơn phát triển lên một tầm cao mới nếu có chiến lược phát triển phù hợp.

tm-img-alt
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, huyện Sóc Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị để sớm trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô.

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 xác định đô thị vệ tinh Sóc Sơn là 01 trong 05 đô thị vệ tinh (mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ …).

Cụ thể: Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh – Hà Nội – Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo. Là đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long – Nội Bài và Nhật Tân – Nội Bài. Đến năm 2030, dân số khoảng 0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị 5.500 ha, đất dân dụng khoảng 1.900 ha.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến năm 2012 toàn bộ 24 xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Ðây là công cụ quan trọng và gần như là duy nhất để địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên mỗi xã đều được nghiên cứu độc lập thiếu sự thống nhất trong tổng thể vì tại thời điểm đó chưa có quy hoạch vùng, quy hoạch chung huyện, các xã này đều được xác định tính chất là nông thôn và được lập quy hoạch bằng công cụ là quy hoạch điểm dân cư nông thôn (tại thời điểm đó chưa có quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn, mặc dù đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt từ năm 2011, các đồ án quy hoạch chung xã được phê duyệt năm 2012 nhưng đã được nghiên cứu từ năm 2008 và không đưa tính chất đô thị vệ tinh Sóc Sơn vào nghiên cứu).

Hơn nữa, thực tiễn chứng minh các đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới thời điểm đó chất lượng không thực sự đạt yêu cầu (nghiên cứu đánh giá hiện trạng chưa tốt, phương án đề xuất chưa có tầm nhìn và thiếu tính thực tiễn), dẫn đến các đồ án gặp khó khăn khi đi vào thực tiễn và trở thành các đồ án quy hoạch treo.

Quy hoạch các xã trong huyện thiếu tính kết nối đồng bộ hạ tầng trong Huyện và không quan tâm đến liên kết vùng (ngoài Huyện thậm chí giáp ranh), mạng lưới điểm dân cư, chợ, cơ sở giết mổ gia súc còn có sự chồng lấn, không thống nhất với các quy hoạch ngành.

Từ năm 2013 đến 2015 là giai đoạn triển khai quy hoạch cấp huyện, đồ án quy hoạch chung Huyện Sóc Sơn tỷ lệ 1/10.000 và đồ án quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn tỷ lệ 1/5.000 được thực hiện và phê duyệt năm 2015.

Đồ án quy hoạch chung Huyện Sóc Sơn chủ yếu thực hiện thao tác cập nhật các đồ án quy hoạch chung xây dựng các xã nông thôn mới đã được lập và phê duyệt trước đó chưa được nghiên cứu kỹ vì vậy đồ án quy hoạch chung chưa khai thác được mối liên hệ với các địa phương lân cận vì vậy chưa đưa ra định hướng phát triển tổng quát cho sự phát triển của Huyện.

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn nằm trong ranh giới hành chính huyện Sóc Sơn được xác định là vùng 1 – Đô thị vệ tinh Sóc Sơn của đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Sóc được phê duyệt theo Quyết định số 2967/QĐ-UBND ngày 29/6/2015 của UBND thành phố Hà Nội.

Đồ án Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn tỷ lệ 1/5000 và Quy hoạch chung huyện Sóc Sơn tỷ lệ 1/10000 được nghiên cứu cùng thời điểm, cùng một nhóm tác giả và phê duyệt cùng một ngày 29/6/2015 vì vậy phạm vi, ranh giới và tính chất của đồ án quy hoạch chung đô thị vệ tinh đương nhiên là tuân thủ đồ án cấp trên (đồ án quy hoạch chung huyện Sóc Sơn) vì trên thực tế gần như đồ án Quy hoạch chung đô thị vệ tinh là một phần của đồ án quy hoạch chung huyện.

Phạm vi, ranh giới của đô thị vệ tinh Sóc Sơn được xác định bởi giới hạn các tuyến đường chính trong quy hoạch chung của huyện gồm trọn vẹn thị trấn Sóc Sơn, xã Tiên Dược và một phần đất đai của 08 xã khác thuộc huyện Sóc Sơn.

Sau quá trình hiện thực hóa các đồ án quy hoạch nông thôn mới các xã theo các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt gặp nhiều bất cập do chưa phù hợp tình hình thực tiễn. Hơn nữa, đồ án quy hoạch chung Huyện cũng chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn dẫn đến tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp xây dựng không có khoảng lùi công trình hoặc chia nhỏ diện tích đất vườn, ao liền kề để chuyển nhượng, xây dựng công trình làm gia tăng áp lực dân số, hạ tầng và môi trường.

Đặc biệt, tại thời điểm này hệ thống văn bản, tiêu chuẩn liên quan quy hoạch xây dựng nông thôn mới có nhiều thay đổi (các tiêu chí đánh giá nông thôn mới thay đổi).

Vì vậy từ năm 2017 đến năm 2020 Huyện thực hiện lập lại đồ án quy hoạch chung xây dựng các xã và quy hoạch chi tiết trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn của các xã, các đồ án được thực hiện độc lập trên địa bàn từng xã nhưng phải tuân thủ quy hoạch cấp trên là quy hoạch chung đô thị vệ tinh và quy hoạch chung Huyện.

Đây là vấn đề bất cập nhất mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có hướng dẫn về việc thực hiện quy hoạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch.

Điều 28 Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch) quy định: “Quy hoạch chung xây dựng huyện được thay thế thành Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện.” Tại thời điểm này (năm 2022) UNBD Huyện Sóc Sơn đang tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng huyện. Các đồ án quy hoạch đã thực hiện tại địa bàn Sóc Sơn tuân thủ pháp luật, tính toán theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn và hệ thống văn bản pháp lý hiện hành, các đồ án quy hoạch cấp dưới đều tuân thủ đồ án quy hoạch cấp trên, các đồ án thực hiện sau cập nhật các đồ án đã thực hiện trước đó, tuy nhiên trên thực tiễn không thể đưa các đồ án quy hoạch trên vào cuộc sống và gây khó khăn rất lớn thậm chí là cản trở việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Có thể điểm danh một số lý do cụ thể sau:

Thứ nhất, hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn việc chuyển tiếp để điều chỉnh từ quy hoạch xây dựng chung huyện sang quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch nông thôn cấp xã chưa cập nhật các chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực cấp huyện, thành phố cho nên khi triển khai tại địa phương còn nhiều vướng mắc, cách làm không thống nhất.

Vì vậy, từ năm 2016 đến nay phần lớn các xã đều phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới. Chất lượng quy hoạch nông thôn mới chủ yếu nhằm mục tiêu đáp ứng bộ tiêu chí nông thôn mới, chưa quan tâm đến nội dung quản lý không gian cảnh quan nông thôn, tầm nhìn và tính dự báo xu hướng phát triển còn hạn chế.

Thứ hai, Trong khu vực đô thị của huyện, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết khu dân cư chưa được triển khai đồng bộ với các dự án đô thị tiếp giáp chung quanh sẽ dẫn đến bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch cũng như các vấn đề về kết nối không gian, hạ tầng kỹ thuật.

Thứ ba, Đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh Sóc Sơn có ranh giới, phạm vi nghiên cứu phủ lên nhiều xã trong địa bàn huyện, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất của các điểm dân cư xã (phần thuộc đô thị vệ tinh mang tính chất đô thị, phần còn lại mang tính chất điểm dân cư nông thôn), vì vậy việc lập quy hoạch chung các xã thuộc một phần trong ranh giới quy hoạch đô thị vệ tinh Sóc Sơn sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo hai tính chất đô thị và nông thôn trong địa bàn xã.

Ngoài ra, câu hỏi đặt ra liệu thực hiện thao tác quy hoạch nông thôn mới với các xã này có hoàn toàn hợp lý mặc dù đây vẫn là điểm dân cư nông thôn (Xã) hoặc phải đề xuất những quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với những điểm dân cư có tính chất như vậy.

Như vậy, có thể tóm tắt nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế trong công tác quy hoạch dẫn đến những đồ án không mang tính thực tiễn là do quy định về nội dung và phương pháp giữa quy hoạch chung đô thị với quy hoạch nông thôn chưa được phân định rõ.

Một đồ án chịu quá nhiều áp đặt từ các đồ án cấp trên (đôi khi có những áp đặt chưa thật sự phù hợp với điều kiện hiện trạng) và có nhiều đồ án cùng tỷ lệ, cùng thể loại nên cũng khó khăn trong việc xác định đồ án nào là đồ án cấp trên.

Một điểm dân cư mang hai tính chất đối lập: đô thị và nông thôn cũng gây khó khăn trong việc lựa chọn quy chuẩn, tiêu chuẩn để áp dụng và phải xác định chính xác thao tác để thực hiện việc lập quy hoạch cho phù hợp với địa bàn. Liệu hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về công tác lập quy hoạch đã phủ kín quá trình thực hành quy hoạch một điểm dân cư nhiều tính chất và nhiều biến động như huyện Sóc Sơn hiện tại.

tm-img-alt
UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 01/QĐ-UBND phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến đô thị vệ tinh Sóc Sơn (đoạn 2 – từ nút giao với tỉnh lộ 131 đến nút giao với quốc lộ 3 – đền Sóc), tỷ lệ 1/500. Ảnh ITN

Ngoài ra, cần một sự hiểu biết sâu sắc của những nhà chuyên môn về hiện trạng (kể cả những đồ án quy hoạch ở tỷ lệ lớn) và sự phối hợp trong quá trình nghiên cứu các đồ án để những đồ án trên địa bàn mang tính khả thi, phát triển đúng với định hướng được xác định và sự tuân thủ của đồ án cấp dưới với đồ án cấp trên không gặp những bất cập về việc không phù hợp hiện trạng và các điều kiện thực tiễn của địa bàn.

Đặc biệt, đối với mỗi địa bàn cần đánh giá tổng quát, đề xuất phương pháp luận để lựa chọn thứ tự thực hiện các đồ án, các ưu tiên đồ án nào tuân thủ đồ án nào, tuân thủ nội dung gì và mức độ nào, việc lực chọn các thao tác quy hoạch và hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn để áp dụng đối với từng khu vực đặc thù cũng rất quan trọng.

Vậy giữa quy hoạch thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với quy hoạch huyện Sóc Sơn là quy hoạch vệ tinh, chúng ta sẽ ứng xử thế nào đối với các điểm dân cư cấp xã của huyện Sóc Sơn? Các điểm dân cư này được gọi là dân cư đô thị hay dân cư nông thôn? Vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn đến định hướng phát triển của đô thị vệ tinh trước mắt và lâu dài.

Một vài đề xuất giải quyết các vấn đề bất cập trong thực hành quy hoạch tại huyện Sóc Sơn, có thể xem xét tham khảo khi thực hành quy hoạch tại những địa bàn có tính chất tương tự.

– Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã xác định tại địa bàn Sóc Sơn một trong năm đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Như vậy, có thể coi quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn nên được nghiên cứu trước tiên, độc lập tương đối với các đồ án quy hoạch khác trên địa bàn để trở thành một đô thị có cấu trúc hoàn chỉnh, tính chất rõ ràng và tuân thủ đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội (tất nhiên khi nghiên cứu quy hoạch cần nghiên cứu những điều kiện hiện trạng của khu vực nghiên cứu).

Với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, phương tiện giao thông phát triển ngoài sức tưởng tượng thông thường, mặt khác sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin trong đời sống và sản xuất của cuộc cách mạng 4.0 đã đưa con người “gần nhau hơn”, vì vậy để giải quyết vấn đề quá tải cho thành phố Hà Nội thì việc tiến hành xây dựng các thành phố mới là một giải pháp hợp lý, phương án lựa chọn quy hoạch các đô thị vệ tinh là có cơ sở khoa học và tính khả thi cao. Việc nghiên cứu quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn cần thực hiện lại theo phương pháp luận và dữ liệu nghiên cứu mới với những khái niệm và định hướng bài bản hơn, một vài đề xuất gợi ý sau đây có thể sử dụng tham khảo cho công tác thực hiện quy hoạch:

+ Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng:

Về việc nghiên cứu hiện trạng liên quan đến mối liên hệ nội vùng và ngoài vùng: Về phương pháp luận nghiên cứu, nếu coi đây là một đô thị vệ tinh của đô thị trung tâm Hà Nội thì chủ thể nghiên cứu cần bắt đầu là thủ đô Hà Nội vì vậy cần đánh giá lại nhu cầu phát triển về dân số, về chức năng của thủ đô Hà Nội và đặc biệt quan tâm đến những yếu tố quá tải mà thủ đô Hà Nội không gánh vác được nên cần đến các đô thị vệ tinh, xác định chính xác những yếu tố nào đô thị vệ tinh Sóc Sơn buộc phải gánh vác, có thể gánh vác và mong muốn gánh vác.

Về việc nghiên cứu hiện trạng trong ranh giới nghiên cứu: cần đánh giá lại hiện trạng khu vực nghiên cứu trên thực địa tại thời điểm lập quy hoạch, các định hướng đã có trong đồ án quy hoạch chung của các xã liên quan được xem là một gợi ý để tham khảo chứ không xem là yếu tố hiện trạng và bắt buộc cập nhật.

Vì vậy, khi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn cần thực hiện lại bước nghiên cứu hiện trạng kỹ lưỡng về cả hiện trạng của đô thị thủ đô và hiện trạng tại địa bàn (trong ranh giới nghiên cứu) và nhìn nhận những định hướng trong các đồ án quy hoạch liên quan đã được duyệt nếu chưa thành thực tiễn như là một dữ liệu đầu vào, gợi ý cho phương án đề xuất chứ không coi là yếu tố hiện trạng cập nhật vào đồ án.

+ Mô hình quy hoạch:

Mô hình phát triển đô thị vệ tinh được hiểu trong học thuật về đô thị của Phương Tây là phát triển các thành phố nhỏ và trung bình xung quanh thành phố trung tâm và chúng được liên kết với thành phố trung tâm bằng hệ thống giao thông hoàn thiện. Hệ thống giao thông này cho phép nhiều người dân sống trong các đô thị vệ tinh có thể di chuyển vào đô thị trung tâm dễ dàng, có thể đi làm và về trong ngày.

Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng và đặc điểm kinh tế xã hội khác nhau, có một động lực rõ ràng và thực chất mỗi thành phố phải có chiến lược với những kế hoạch khả thi về tài chính. Vì vậy phương án quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn cần làm nổi bật những yếu tố đặc biệt của hiện trạng, đề xuất một chỉnh thể đô thị (có thể độc lập và phải ngăn chặn không bị nhập về thành phố Hà Nội biến thành một đô thị khổng lồ), cần đề xuất một cấu trúc hoàn chỉnh đảm bảo vận hành một mô hình kinh tế độc lập, khả thi.

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn cần trở thành một trung tâm với hàng loạt hoạt động buôn bán, thương mại, các dịch vụ y tế, giáo dục, các khu vui chơi giải trí, các khu nhà ở tập trung, các ngành công nghiệp phục vụ và kinh doanh và chuẩn bị quỹ đất cho các khu định cư mới cho những người lao động, những người có thể hàng ngày đi làm trong trung tâm thành phố bằng ô tô, xe bus hay tàu hỏa. Và để đảm bảo vận hành đúng tính chất đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội hệ thống giao thông kết nối cần được hoàn thiện, phương án quy hoạch cần khai thác hiệu quả mạng lưới kết nối vùng trong việc phát triển kinh tế xã hôi đô thị theo đúng định hướng.

+ Quản lý đất đai:

Vấn đề đất đai thường được xem là cản trở lớn nhất của mọi chính sách quy hoạch đô thị nhiều tham vọng, nên việc kiểm soát yếu tố đất đai đươc đặt lên hàng đầu khi nghiên cứu các đồ án quy hoạch. Để giải quyết tốt vấn đề này, phương án quy hoạch đưa ra cần đạt được các yêu cầu cơ bản, cụ thể: Ngăn chặn được tình trạng đô thị hóa manh mún, vá víu, thiếu tổ chức ở những khu vực ngoại ô; Giải phóng vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ công nhờ lợi ích thu được từ giá trị đất gia tăng và tái điều chỉnh đất đai cho mục đích nhà ở/thương mại; Tạo cơ sở để kết nối đô thị và mở rộng một cách hợp lý mạng lưới giao thông; Đảm bảo để chủ sở hữu/sử dụng đất nông thôn ngoại thành ban đầu được hưởng những lợi ích nhờ đô thị hóa đem lại, nhờ vẫn giữ được quyền sở hữu/sử dụng trong cơ chế.

+ Nguyên tắc quy hoạch:

Nhìn nhận lại kinh nghiệm thất bại của một số mô hình đô thị vệ tinh đã ứng dụng trên thế giới như: chi phí quá lớn (Tokyo); bị đô thị trung tâm nuốt chửng do quá gần trung tâm (Hong Kong, Singapore); không giảm được dân số từ đô thị trung tâm do quá xa trung tâm (Seoul, Delhi), cần đưa ra một số nguyên tắc quy hoạch cho đô thị vệ tinh làm định hướng cho phương án đề xuất:

Ưu tiên, dành sự tự do lựa chọn cho các thị dân nhất là các thị dân ngoại thành về các lĩnh vực: lựa chọn việc làm, lựa chọn loại và khung cảnh sinh sống, lựa chọn nơi mua hàng, lựa chọn các hình thức giải trí… do vậy quy hoạch cần có sự tham gia của cộng đồng và một cuộc nghiên cứu thị trường bài bản sẽ đem lại dữ liệu cơ sở khá đầy đủ cho một đề xuất quy hoạch hợp lý, thực tiễn.

Định hướng cho mọi người được tiếp cận các tài nguyên thiên nhiên của các khu vực như cây xanh, mặt nước và tập trung được các khuynh hướng tự nhiên về quy hoạch. Đây là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển bền vững cần phải được tôn trọng và coi là một yêu cầu bắt buộc trong đồ án.

Bên cạnh sự tôn trọng hiện trạng, bảo vệ môi trường, đáp ứng được nhu cầu của hiện trạng và tương lại, đồ án cần đưa ra một viễn cảnh tổng thể là thành quả của cả quá trình nghiên cứu, ứng dụng bài bản các mô hình lý thuyết (Áp dụng một sơ đồ duy ý chí) và yêu cầu một sự quản lý tuân thủ chặt chẽ nhưng vẫn mang tính thực tế để sản phẩm đề xuất là một đồ án quy hoạch trọn vẹn, hàn lâm, độc lập tương đối với các yếu tố chính trị, kinh tế xã hội.

Trong tổng thể cần dành chỗ cho một không gian năng động, đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng hoặc chậm hơn so với dự kiến, cũng như dự phòng cho các yếu tố chưa được dự báo tại thời điểm nghiên cứu.

– Tiếp sau đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh đã được lập, việc lập quy hoạch vùng huyện cần thực hiện theo đúng phương pháp luận với dữ liệu nghiên cứu mới trong mối liên hệ với các tỉnh lân cận, với lực hút từ trung tâm thành phố Hà Nội và các điều kiện hiện trạng trong phạm vi Huyện để có cái nhìn tổng quát và đưa ra định hướng phát triển tổng thể cho Huyện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quản lý không gian đô thị của Huyện, phù hợp với chủ trương của nhà nước. Quan điểm thực hiện quy hoạch vùng được đề xuất như sau:

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng huyện phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của vùng lớn hơn (gần nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc) và tuân thủ định hướng phát triển của quy hoạch phát triển vùng Hà Nội, bảo đảm kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực; khai thác và phát huy mọi nguồn lực nhằm thu hút đầu tư phát triển, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Quy hoạch vùng huyện tôn trọng ranh giới, tính chất, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã được xác định trong quy hoạch vùng Hà Nội, cập nhật các định hướng của thành phố nhằm mục tiêu đảm bảo các tiêu chí tiến tới một đô thị hoàn chỉnh (thành phố hoặc quận). Đồng thời, quy hoạch vùng huyện Sóc Sơn cũng tạo động lực để đô thị vệ tinh của Hà Nội tại Sóc Sơn sớm được cụ thể hóa, hiện thực hóa.

Khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng, quan tâm phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, logictics, phát huy thế mạnh là đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Bắc của Hà Nội, sâm bay quốc tế Nội Bài tăng cường hợp tác với các địa phương lân cận nhằm huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực, phát triển tính liên kết vùng để phát triển đa ngành, nhanh, bền vững trong tổng thể vùng.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sóc Sơn là việc tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của huyện xác lập sự phân bố các lực lượng sản xuất thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội của huyện, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội trong từng thời kỳ đồng thời quan tâm đến vấn đề bảo vệ an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện và khu vực.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sóc Sơn sẽ cung cấp thông tin để triển khai các quy hoạch xây dựng phát triển đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết), các khu vực dự án đầu tư xây dựng trong huyện và triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã.

– Sau khi đồ án quy hoạch xây dựng vùng được nghiên cứu đã đề xuất hệ thống đô thị, nông thôn, các đồ án tiếp theo được thực hiện theo tính chất đã được xác định trong quy hoạch vùng và lựa chọn thao tác thực hành đô thị phù hợp, cũng như hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn áp dụng phù hợp, đôi khi chủ động đề xuất hệ thống tiêu chuẩn mới, hành lang pháp lý mới cũng như phương pháp luận nghiên cứu cho những khu vực đặc biệt, nhiều tính chất với mục tiêu chính là có một đồ án có tính thực tiễn, đáp ứng được các điều kiện phát triển kinh tế xã hội tốt nhất.

Kết luận:

Sóc Sơn là một thành phố vệ tinh, vậy thì ranh giới, diện tích thành phố vệ tinh này là bao nhiêu? Có bao gồm các xã, các điểm dân cư nông thôn hay không? Nếu có thì việc nghiên cứu xây dựng và phát triển các điểm dân cư này theo hướng nào? Về kiến trúc nhà ở, vật liệu xây dựng, mật độ cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, y tế, thương mại dịch vụ…) được sử dụng tiêu chuẩn nào để tính toán quy hoạch? Đây là vấn đề lớn mang tính chất đặc thù của quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội nói riêng và các thành phố trực thuộc trung ương nói chung. Thiết nghĩ, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, ban hành, hướng dẫn các quy chuẩn quy hoạch để thực hiện cho việc quy hoạch những điểm dân cư nông thôn trong lòng đô thị.

Và trong bối cảnh có quá nhiều những đồ án quy hoạch cấp trên, quy hoạch ngành đan xen chồng chéo, cần hơn hết để có một hướng đi cho các nhà tư vấn, thẩm định, các cấp phê duyệt quy hoạch tìm được tiếng nói chung để quy hoạch được duyệt sẽ tiệm cận sự khả thi hơn, là một hướng dẫn tổng thể của cấp có thẩm quyền để định nghĩa: Thế nào là sự phù hợp với quy hoạch có cấp độ cao hơn? Với mỗi đồ án quy hoạch cấp trên thì tiên quyết cần tuân thủ ở mức độ nào?

Ths.KTS. Nguyễn Ngọc Sơn
Chánh Văn phòng Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích