Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5

(Xây dựng) – Ngày 17/12, tại Hà Nội, Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

Diễn đàn góp phần triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và các nghị quyết, kết luận của Đảng; Đồng thời, cung cấp thêm luận cứ cho Chính phủ trong xây dựng và triển khai Nghị quyết đầu năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023
Các đồng chí chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì phiên toàn thể cao cấp của Diễn đàn.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và chỉ đạo trực tiếp tại Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Các nội dung trong Diễn đàn được cân nhắc xây dựng, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược, dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trước khi diễn ra phiên toàn thể, sáng cùng ngày đã diễn ra đồng thời 4 hội thảo chuyên đề, tập trung thảo luận sâu về các chủ đề:“Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”; “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”; “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công”; “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế – xã hội”.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc diễn đàn.

Tại phiên toàn thể, các vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện các bộ, ngành, địa phương, tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung trọng tâm.

Một là, tập trung vào phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh và các xu hướng lớn của thế giới và khu vực; làm rõ thêm xu hướng mất cân đối toàn cầu hiện nay đang đặt ra những cơ hội và thách thức gì cho kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới.

Hai là, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức vượt qua những thách thức lớn mà các nền kinh tế hiện nay đang cùng phải đối mặt, đặc biệt là từ xu hướng kép vừa suy thoái vừa lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế…

Ba là, tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố căn bản nào đang đe dọa các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế; những nền tảng và sức mạnh nội tại cần phải phát huy, những dư địa chính sách và nguồn lực cần được khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển của 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn chủ yếu trong phát triển.

Bốn là, dự báo các kịch bản phát triển, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong trước mắt 2023 và trong những năm tiếp theo.

Nhận định về kinh tế Việt Nam thời gian qua, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Sau thời gian 2 năm 2020 – 2021 tập trung thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, năm 2022 vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện. Các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định.

Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%; Lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; Xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%; Cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD; Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%…

Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí… Dù vậy, tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trưởng ban Trần Tuấn Anh nhận định: “Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới”.

Song Trưởng ban Trần Tuấn Anh cũng cho rằng: Những bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ… đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước; tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải làm gì để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế? Diễn đàn tập trung nhận diện đúng các cơ hội, những khó khăn thách thức và đề xuất các chủ trương, chính sách thích ứng phù hợp là điều kiện cần để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Tại phiên toàn thể cao cấp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tham luận “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023”; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á, ông Andrew Jeffries trình bày tham luận “Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế Châu Á 2023”; Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrea Coppola tham luận “Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam”; Tổng giám đốc Quỹ VinaCapital, ông Don Lam đề cập nội dung “Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023”; Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, ông Jonathan Pincus trình bày “Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023”…

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023
Diễn đàn có thu hút sự quan tâm của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Tại phiên toàn thể, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển điều phối tọa đàm bàn tròn cấp cao với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo một số địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chỉ đạo quan trọng tại phiên toàn thể. Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật các nội dung tại Diễn đàn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích