Shipper mùa dịch: Thu nhập tăng cao nhưng nỗi lo rình rập
Shipper mùa dịch: Thu nhập tăng cao nhưng nỗi lo rình rập
Vui vì có việc làm và có thu nhập trong lúc giãn cách nhưng các shipper mùa dịch lại đối mặt với nỗi lo lớn hơn là có thể bị lây nhiễm Covid-19 bất cứ lúc nào.
Những người bám trụ mặt đường
Trong lúc mọi người nghỉ dịch, anh Lê Quốc Doanh (35 tuổi), nhân viên giao hàng tại Hà Nội những ngày qua vẫn miệt mài trên các cung đường để chuyển hàng khi khách có nhu cầu. Cũng giống như những người khác, với nghề nghiệp khá nhạy cảm của anh trong mùa dịch anh Doanh luôn nơm nớp một nỗi lo.
“Nghề shipper phải đi lại liên tục cùng với đó tiếp xúc với nhiều người, vì vậy bị mắc Covid-19 lúc nào cũng không hay. Đọc báo thấy nhiều người làm Shipper bị dương tính với Covid-19 khiến bản thân tôi cũng run sợ và không ít lần có ý định thôi việc”, anh Doanh tâm sự.
Tuy nhiên, biết nghề nguy hiểm nhưng anh Doanh vẫn quyết bám trụ trong mùa dịch này vì cuộc sống gia đình anh phụ thuộc vào thu nhập của công việc giao hàng anh đang làm.
“Thời điểm những ngày giãn cách, người dân không được ra ngoài nên số lượng đơn đặt tăng gấp 2 – 3 lần so với trước. Mỗi ngày tôi nhận trung bình 30 – 40 đơn hàng, thu nhập dao động từ 400.000 – 1.000.000 đồng, chưa trừ tiền xăng” – anh Doanh chia sẻ.
Nghề shipper mang lại thu nhập ổn trong mùa dịch nhưng không ít rủi ro, vất vả.
Thu nhập ổn định có công việc để làm trong mùa dịch nhưng anh Doanh cũng gặp không ít khó khăn so với ngày thường. Mỗi lần đi qua các trạm gác anh phải dừng xe để khai báo mới được đi tiếp, khi giao hàng đến khu phong tỏa anh phải đeo găng tay, khẩu trang kín mít và xịt nước rửa tay. Thậm chí, có những đơn giao đến nơi khách không nhận được vì quy định phong tỏa.
“Tôi làm việc với trong tâm thế dường như đã bị nhiễm bệnh rồi. Do đó, việc ăn ngủ cũng phải cách xa vợ con. Về đến nhà không còn dám ôm hôn con gái như trước”, anh Doanh chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, anh Lê Hoàng Quốc (30 tuổi, làm shipper ở Hà Nội) cho hay: “Lượng đơn hàng từ khi có lệnh giãn cách tăng nhiều hơn trước đó. Thu nhập sau một ngày trừ hết các khoản xăng xe còn chừng 300.000 – 500.000 đồng”.
Shipper và khách hàng phải giữ khoảng cách an toàn, luôn đeo khẩu trang khi giao, nhận đồ.
“Nhiều khi giao hàng cho khách gần khu chốt kiểm dịch mà run. Trước khi về là phải sát khuẩn nhiều lần, sợ không may mắc Covid về lây cho gia đình thì khổ”, anh Lê Hoàng Quốc chia sẻ.
Bén duyên với nghề shipper được một thời gian, anh Nguyễn Văn Bảo, nhân viên giao hàng tại Hà Nội xác nhận thực tế do giãn cách xã hội, nhu cầu khách hàng mua nhu yếu phẩm tăng cao, công việc bận rộn hơn.
“Làm nghề giao hàng được 2 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy công việc quá tải như bây giờ. Ngày nào tôi cũng di chuyển khắp các tuyến đường Hà Nội để giao đồ kịp thời cho khách hàng, nhiều khi còn quên cả việc ăn uống”, anh Bảo nói.
Để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, anh Bảo thường tập trung nhận tất cả các đơn hàng vào buổi sáng.
Nghề shipper tiềm ẩn rủi ro mùa dịch
Dù sợ dịch bệnh cùng với đó “đội nắng, gánh mưa” trên những cung đường để mưu sinh, nhưng là trụ cột chính của gia đình nên anh Nguyễn Văn Bảo chấp nhận rủi ro đi làm. Tuy vất vả, anh vẫn luôn cảm thấy may mắn hơn nhiều người vì còn có việc làm trong mùa dịch.
Tiếp cận với khách hàng, anh Nguyễn Văn Bảo nhớ lại nhiều “phát minh” nhận hàng thú vị, như: Người dùng xe ô tô đồ chơi điều khiển từ xa để đưa đồ và nhận tiền trong khoảng cách an toàn, người ném hàng qua cổng rào, người đeo găng tay và khẩu trang khi tiếp xúc với người lạ.
Theo anh Trần Mạnh Triển – cán bộ quản lý ở một công ty dịch vụ giao nhận tại Hà Nội, dù nguy hiểm nhưng đây là cơ hội giúp những người giao hàng có thêm thu nhập trong giai đoạn giãn cách này.
“Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người lựa chọn việc mua sắm online thay vì đi ra đường, nghề shipper trở nên đắt khách”, anh Trần Mạnh Triển đánh giá.
Cũng theo anh Trần Mạnh Triển, nhiều công ty giao nhận luôn khuyến khích khách hàng và tài xế giao hàng lưu ý tránh tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Túi giao hàng được vệ sinh bằng dung dịch diệt khuẩn. Tất cả nhân viên của công ty thực hiện nghiêm túc “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Thúy – quản lý kho hàng của một công ty dịch vụ giao hàng nhanh ở Cầu Giấy thừa nhận: “Công việc của những người shipper rất là vất vả và nguy hiểm, chúng tôi vất vả một thì họ gấp mười lần”.
Chính vì vậy, công ty luôn ưu tiên, sắp xếp những đơn hàng cùng tuyến đường, hạn chế những đơn trái tuyến. “Các đơn hàng sẽ khử khuẩn trước khi giao cho các tài xế, mỗi tài xế sẽ được cấp nước rửa tay, trong quá trình làm việc”, chị Nguyễn Thị Thúy cho biết.