Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, tự chủ của tổ chức KH&CN công lập
Dự thảo nêu rõ, mục tiêu chung của Đề án là đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập bảo đảm cho các tổ chức KH&CN có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có năng lực nghiên cứu phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, có năng lực để ứng phó với thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ KH&CN; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực KH&CN có chất lượng ngày càng cao; cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong tổ chức KH&CN công lập.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là sắp xếp lại các tổ chức KH&CN công lập đảm bảo yêu cầu thu gọn đầu mối theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập.
Hoàn thiện một số cơ chế quản lý KH&CN có tác động trực tiếp tới hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập như: cơ chế quản lý các nguồn tài chính của tổ chức KH&CN công lập; cơ chế đánh giá các tổ chức KH&CN công lập, đánh giá các chương trình KH&CN; cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; chính sách trọng dụng, tôn vinh nhân tài trong hoạt động KH&CN.
Ảnh minh hoạ
Hoàn thiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập đáp ứng đặc thù hoạt động của tổ chức KH&CN công lập: Tự chủ về tài chính, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quản lý nhân sự và hợp tác quốc tế; cơ chế ưu đãi đối với tổ chức KH&CN công lập. Thực hiện cải cách hành chính, phân công, phân cấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức KH&CN công lập.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp: Đổi mới tổ chức bộ máy các tổ chức KH&CN công lập; đổi mới một số cơ chế quản lý KH&CN; hoàn thiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập.
Về đổi mới tổ chức bộ máy các tổ chức KH&CN công lập, rà soát, sắp xếp các tổ chức KH&CN công lập trong toàn bộ hệ thống để khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.
Thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa tại các tổ chức KH&CN đảm bảo sự phát triển ổn định của tổ chức KH&CN công lập sau khi cổ phần hóa và không tạo ra các khoảng trống về thực hiện dịch vụ công cơ bản, thiết yếu sau khi cổ phần hóa.
Tăng cường quản trị nội bộ tổ chức KH&CN công lập theo hướng vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp, tiệm cận với mô hình quản trị của các nước phát triển.
Về đổi mới một số cơ chế quản lý KH&CN, hoàn thiện cơ chế quản lý các nguồn tài chính đảm bảo phù hợp đặc thù hoạt động của tổ chức KH&CN công lập bao gồm: cơ chế hỗ trợ kinh phí nhà nước cho các tổ chức KH&CN công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; các khoản chi đặc thù của tổ chức KH&CN công lập; việc giao kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; việc giao/tuyển chọn và quản lý các nhiệm vụ KH&CN.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân lực KH&CN theo hướng: đảm bảo kinh phí cho các tổ chức KH&CN thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch chức danh; bồi dưỡng cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, nâng cao năng lực chuyên môn; tiếp tục dành một khoản kinh phí thích đáng để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ KH&CN trình độ cao, kỹ thuật viên lành nghề phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực công nghệ cao; đẩy mạnh đào tạo cán bộ KH&CN tại các cơ sở đào tạo nước ngoài có trình độ KH&CN tiên tiến…
Bảo Lâm