Quảng Ninh: “Săn” san hô trên Vịnh Hạ Long
Quảng Ninh: “Săn” san hô trên Vịnh Hạ Long
Nói “săn” san hô ở đây không phải là tìm kiếm để khai thác, phục vụ cho việc làm cảnh như trước đây, cái thời mà trong tủ kính mỗi nhà vẫn dễ thấy trưng những chùm san hô trắng ngà… Ai cũng biết, san hô giờ đã nằm trong sách đỏ, cấm khai thác…
Nói “săn” san hô ở đây không phải là tìm kiếm để khai thác, phục vụ cho việc làm cảnh như trước đây, cái thời mà trong tủ kính mỗi nhà vẫn dễ thấy trưng những chùm san hô trắng ngà… Ai cũng biết, san hô giờ đã nằm trong sách đỏ, cấm khai thác…
Chuyến đi “săn” san hô của chúng tôi cũng không phải lặn biển để thoả mãn thú chơi ngắm san hô, bởi cho đến giờ chưa có bất kỳ “tour” lặn biển nào được cấp phép trong khu vực di sản Vịnh Hạ Long. San hô nơi đây mới nằm trong diện khoanh vùng để bảo tồn, vì mới phục hồi chưa lâu sau quá trình bị xâm hại, suy thoái nghiêm trọng với nhiều lý do khác nhau.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết là san hô Vịnh Hạ Long hiện nay đã và đang phục hồi, trong đó có những rạn san hô cành vô cùng quý giá mà không ít chuyên gia tưởng rằng không thể còn thấy lại nữa ở vùng di sản này.
Vì vậy, chúng tôi đã liên lạc với Ban quản lý Vịnh Hạ Long với mong muốn được phối hợp hỗ trợ cho nhóm tác nghiệp, quay lại vẻ đẹp những rạn san hô dưới lòng Vịnh Hạ Long. Những thước phim thu được không chỉ để quảng bá, giới thiệu tới nhiều người hơn về giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long mà đồng thời cũng để người dân, du khách thêm trân quý, góp sức mình trong việc gìn giữ, bảo tồn san hô trong lòng di sản.
Nói thì rất dễ nhưng để làm vậy quả không dễ chút nào.
Các cán bộ, nhân viên Phòng Nghiệp vụ – Nghiên cứu của Ban quản lý Vịnh Hạ Long đặt ra cho chúng tôi một loạt câu hỏi dễ khiến ai nấy đều rối não: San hô nằm dưới mặt nước biển từ 2-4m, vậy các bạn sẽ quay bằng cách nào? Các bạn có thiết bị quay dưới nước không? Các bạn có chứng chỉ lặn để mặc đồ bảo hộ, đeo bình khí thở không? Áp suất dưới biển khác với trên bờ, làm sao để có thể quay dưới nước..?
Đương nhiên là chúng tôi không hề có kinh nghiệm quay phim dưới nước rồi, càng không có những đồ chuyên dụng đó. Không bỏ cuộc, chúng tôi gỡ khó bằng cách đi hỏi thuê, mượn, mà dùng với môi trường nước mặn thì đừng đùa, phải tìm hiểu cách sử dụng thật kỹ, phải test trước…
Chứng chỉ lặn ư, rõ ràng cũng chưa có rồi, bù lại hai quay phim của chúng tôi sống ở vùng biển này, từ nhỏ đã làm quen với biển, bơi lặn vẫy vùng khá tốt và sẵn sàng thử thách để “lặn vo”. Bởi nói thế nào thì cơ hội trải nghiệm một tour lặn biển chưa từng có tiền lệ như thế này cũng thật đáng thử phải không?
Mất khá nhiều thời gian để giải quyết hàng loạt vấn đề trước chuyến đi xong rồi, cuối cùng là canh thời tiết. Quay san hô “kén” lắm, phải đợi nước thuỷ triều xuống thấp, nước đứng, lại cần ánh nắng tự nhiên soi xuống lòng biển. “Kỵ nhất là mưa, vừa mưa mà nắng lên cũng không được, nước biển sẽ bị đục. Nắng phải được vài ngày rồi mới đi quay thì qua một tầng nước biển, san hô mới sáng lên được…” – anh Phạm Lê Thành, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ – Nghiên cứu, BQL Vịnh Hạ Long khuyên.
Mùa hè năm nay ai cũng than sao nắng nóng quá, nhưng lại vừa nắng, vừa mưa, sáng hửng nắng đấy mà trưa đã ào ào mưa như trút, nay còn nắng mà sớm mai đã mây đen đầy trời… Một tháng 2 con nước cạn, chỉ có vài ngày thôi, chúng tôi canh cả tháng, cứ ngóng một ngày nắng đẹp, vậy mà khó vô cùng.
Căn mãi, chờ mãi, một ngày đầu tháng 8, chúng tôi vẫn quyết đi quay dù thời tiết chưa thật sự lý tưởng lắm. Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã ưu ái bố trí cho nhóm một con tàu vừa phải cùng với 2 thợ lặn, người phục vụ, có cả nhân viên cứu hộ đi cùng. Chúng tôi thẳng tiến ra khu vực Trăng Lưỡi Liềm, khu vực mà theo lời giới thiệu của anh Thành là “san hô rất quý, độ phục hồi cao, trong đó có cả san hô cành…”
Tàu chạy khoảng một giờ đồng hồ thì tới nơi, khu vực này có những ngọn núi đá bao quanh nên nước biển phẳng lặng, ít sóng. Đá nơi đây có hình dáng độc đáo, xếp nếp rất đẹp. Ở giữa hai ngọn núi là một bãi cát trắng nhỏ, qua lời giới thiệu của “dân trong nghề” chúng tôi mới biết, đây chính là cát san hô, vốn được vun đắp từ những vụn san hô mà thành. Tôi chợt nghĩ, nếu chỉ được lọc từ vụn san hô thì những bãi cát như thế này chắc phải cần tới hàng ngàn năm mới có?
Bãi cát san hô chính là một dấu hiệu để nhận biết những rải san hô ở vùng nước mênh mông ven chân núi như thế này. Chúng tôi vào việc, nhóm thợ lặn “lên đồ” rồi xuống nước khảo sát trước. Không chờ đợi lâu, một quay phim của nhóm cũng quyết định “cởi đồ” rồi phóng xuống mặt vịnh. Sau một hồi thử với ống thở thủ công, vốn chỉ là một đoạn ống dẫn đơn giản, anh bạn quay phim trả lại bảo “không quen” và quyết định lặn vo.
Nối tiếp đó, sau một hồi quan sát để lấy kinh nghiệm, quay phim thứ hai của chúng tôi cũng quyết định xuống nước. Giờ thì tôi mới biết tại sao họ “liều mình” nhận lời quay dưới nước như thế, là bởi các đồng nghiệp của tôi có sức khoẻ tốt, bơi lặn khá thành thạo. Không chỉ ngụp lặn để tìm, quay san hô, một chốc họ lại phải bơi trở về tàu, rửa qua nước ngọt thiết bị quay để kiểm tra hình, đồng thời kiểm tra độ chịu nước của thiết bị…
Bơi lặn mất sức, ai nấy lên tàu đều tái nhợt vì mệt, vì ngâm nước biển lâu, có người còn bị những vết xước tứa máu ở chân, tay. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống để mọi người có thể bổ sung năng lượng giữa những đợt lặn. Ngồi ăn, họ bảo vừa để nghỉ dưỡng sức vừa cũng là để chờ nước biển trong lại sau những đợt khua khoắng lặn tìm của anh em…
Cứ vừa bơi vừa nghỉ như thế, qua trưa thì thời tiết không thuận, mưa bắt đầu nặng hạt hơn, chúng tôi quyết định dừng để quay về. Suốt một buổi ngụp lặn, nhóm thợ lặn và nhóm quay phim của đoàn lên bờ và chia sẻ những trải nghiệm mà vốn không tác nghiệp không thể hình dung ra.
Phạm Lê Minh, thợ lặn của Ban quản lý Vịnh, tiếc nuối: Lúc lặn phát hiện thấy san hô đỏ đẹp quá, thế mà nổi lên bảo với quay phim xong lặn xuống thì không thấy đâu nữa cả… Đức Cảnh, quay phim của đoàn bảo: Đúng là nước Vịnh Hạ Long dễ đục thật, cách một đoạn ngắn đã không nhìn thấy gì rồi. Nếu mà được ngày nắng to thì chắc là hình ảnh quay sẽ đẹp hơn… Tuấn Hưng thì dường như ngẫm ngợi nhiều hơn, bảo: Cần phải ngồi im dưới nước một lúc thì mới quay được, lặn vo như này xuống tới đáy biển vừa kịp quan sát thấy san hô thì hết hơi, thế là lại phải nổi lên thở, quay không được bao nhiêu…
Cả nhóm ngồi lại cùng thảo luận, những câu hỏi được nêu ra, các bạn trong nhóm thợ lặn, cứu hộ chia sẻ thêm cho chúng tôi những kinh nghiệm quý. Vốn rất khó khăn để có thể bố trí cho một chuyến đi lặn biển thế này, nhưng “lửa nghề” chưa nguội, chúng tôi thống nhất, quyết định sẽ đầu tư, chuẩn bị kỹ thêm để có một chuyến lặn tiếp theo với hy vọng hiệu quả hơn, hình ảnh đẹp hơn nữa…Các bạn hãy cùng chờ xem nhé!
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị