WHO hy vọng kết thúc đại dịch COVID-19 trong năm 2023

WHO hy vọng kết thúc đại dịch COVID-19 trong năm 2023

An Na –  Thứ năm, 15/12/2022 11:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ không còn được coi là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào năm 2023.

Tại cuộc họp báo toàn cầu tối 14-12 tại Geneva – Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại kỳ họp lần tới của Ủy ban khẩn cấp (EC) về Các quy định y tế quốc tế (IHR) COVID-19, dự định tổ chức vào tháng 1-2023, các tiêu chí để tuyên bố kết thúc PHEIC (tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế) sẽ được bàn tới.

Người đứng đầu WHO nói rằng ông “hy vọng một thời điểm nào đó” trong năm 2023, tổ chức này có thể tuyên bố kết thúc tình trạng PHEIC được áp dụng cho COVID-19 gần 3 năm nay, song ông cũng đề cập đến các trở ngại cho một tuyên bố kết thúc đại dịch mà nhiều người trông đợi.

Các trở ngại đó bao gồm lỗ hổng tiêm chủng – chỉ 1/5 người ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ, chưa kể lỗ hổng bên trong từng quốc gia.

Trong bối cảnh sắp tròn 3 năm kể từ đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên. WHO cho biết virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn tồn tại nhưng sẽ cần được quản lý cùng với các bệnh về đường hô hấp khác.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca tử vong do COVID-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức quá cao. Ông nói: “Tuần trước, gần 10.000 ca tử vong do COVID-19. Con số 10.000 vẫn là quá lớn và còn rất nhiều việc mà tất cả các quốc gia có thể làm để cứu mạng sống của người dân.”

Một lần nữa, ông nhấn mạnh hàng ngàn ca tử vong hàng tuần đối với căn bệnh đã có vắc-xin và thuốc điều trị là quá nhiều – một phần do tiếp cận thiếu bình đẳng vắc-xin và các phương pháp điều trị – chưa kể gánh nặng hậu COVID-19 vẫn gây lo ngại.

Ngoài ra, tiến sĩ Tedros nhấn mạnh Trung Quốc cần tiến hành các nghiên cứu được yêu cầu để xác định nguồn gốc của COVID-19, vì câu trả lời về nguồn gốc virus là điều quan trọng để kết thúc PHEIC.

tm-img-alt
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Với PHEIC đang lưu hành thứ 2 là đậu mùa khỉ – tên mới là mpox – tiến sĩ Tedros cho biết số ca mới được báo cáo trong tuần đã giảm 90% so với đỉnh điểm và số ca tử vong vẫn thấp, tổng cộng chỉ 65 người kể từ khi bùng phát. Do đó, trong năm 2023 PHEIC này cũng có khả năng được tuyên bố chấm dứt.

Nếu 2 PHEIC COVID-19 và đậu mùa khỉ được tuyên bố chấm dứt, thế giới sẽ chỉ còn 1 PHEIC duy nhất đang lưu hành là bệnh bại liệt. Việc tuyên bố một dịch bệnh là PHEIC hay kết thúc nó của WHO là động thái mang tính pháp lý, sẽ ảnh hưởng lớn đến các chính sách của từng quốc gia cũng như các quy định cách ly kiểm dịch quốc tế, chia sẻ nguồn lực phòng dịch…

Gần 650 triệu ca mắc và hơn 6,6 triệu ca tử vong do COVID-19 đã được báo cáo lên WHO, nhưng cơ quan này thừa nhận con số thực còn lớn hơn nhiều. Hơn 13 tỷ liều vaccine đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới nhưng vẫn có khoảng 30% dân số thế giới chưa được tiêm chủng.

Liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ, Tổng Giám đốc WHO đánh giá đợt bùng phát toàn cầu năm nay đã khiến thế giới bất ngờ. Đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 82.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 110 quốc gia và tỷ lệ tử vong ở mức thấp – 65 trường hợp. Số bệnh nhân mắc hằng tuần đã giảm hơn 90% kể từ tháng 7 – thời điểm  WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tổng Giám đốc Tedros nhấn mạnh nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, trong năm tới WHO có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp này./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích