Nâng tầm nguồn nhân lực cho Thủ đô
Ảnh minh họa. |
Không phải ngẫu nhiên, phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 29/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thay mặt Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giúp đỡ các tỉnh, thành phố trong Vùng nghiên cứu để tập trung ưu tiên phát triển những ngành sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ cao như sản xuất chíp, công nghệ sinh học, sản xuất giống… chú ý đến các ngành có lợi thế so sánh, tạo chuỗi liên kết giá trị trong Vùng; quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách để hình thành và vận hành các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Như chúng ta đều biết, những năm qua, nhờ vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thành phố, sự điều hành năng động của chính quyền các cấp và toàn hệ thống chính trị, kinh tế Thủ đô đã có những bước đột phá, đặc biệt là lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Dù vẫn còn những bất cập, nhưng phải khẳng định, so với mặt bằng chung cả nước, kết cấu hạ tầng, trong đó có lĩnh vực giao thông của Thủ đô phát triển và hiện đại nhất cả nước.
Và hiện tại Thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông nội đô, ngoại ô, kết nồi vùng để tạo ra “mạch máu” kinh tế hiện đại, đồng bộ nhằm hướng tới chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, hàm lượng công nghệ, chất xám cao để thực hiện mục tiêu đưa Thủ đô phát triển nhanh, bền vững với vị thế trung tâm, vươn lên xứng tầm khu vực.
Với một thành phố như Hà Nội việc đặt ra kế hoạch, lộ trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội như trên là hoàn toàn xác đáng và tin tưởng sẽ thành công. Là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục, khoa học của cả nước, trên địa bàn thành phố tập trung một hệ thống nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tương đối hoàn chỉnh.
Hà Nội là thành phố tập trung hàng trăm các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học hàng đầu cả nước và hệ thống trường cao đẳng, đào tạo nghề… đây chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc mọi phân ngành kinh tế cho Thủ đô. Đấy là chưa kể một lực lượng đông đảo các chuyên gia nước ngoài đang làm việc cho các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam, của nước ngoài đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Điều quan trọng, các bộ, ngành nói chung và Thành phố nói riêng cần làm thế nào để tạo ra những mắt xích liên kết chuỗi nhằm tạo ra nguồn nhân lực và cả nâng tầm nguồn nhân lực từ các sở đào tạo để phục vụ cho các lĩnh vực, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thủ đô.
Muốn vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh quy hoạch tổng thể, Thành phố cần xác định phải phối hợp với các bộ ngành quy hoạch, ưu tiên phát triển những lĩnh vực cụ thể nào, để từ đó Thành phố hoặc doanh nghiệp có “đơn” đặt hàng các cơ sở đào tạo, hoặc các cơ sở đào tạo phải tự “nâng tầm” để tạo nguồn cung lao động chất lượng cao và được thị trường, doanh nghiệp chấp nhận.
Hy vọng rằng, với những quyết sách đúng đắn của Thành phố, sự phối hợp nhịp nhàng với các cấp, ngành Trung ương, tới đây Hà Nội sẽ là một trong những địa phương tiên phong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của Thủ đô và đất nước.
Nguồn: Báo lao động thủ đô