Tác động từ các cam kết của CPTPP và EVFTA về biến đổi khí hậu tới pháp luật môi trường Việt Nam

Tác động từ các cam kết của CPTPP và EVFTA về biến đổi khí hậu tới pháp luật môi trường Việt Nam

MTĐT –  Thứ tư, 14/12/2022 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bài viết phân tích những tác động của CPTPP và EVFTA tới pháp luật môi trường Việt Nam, đánh giá các quy định pháp luật môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam nhằm thực thi 2 Hiệp định này…

TÓMTẮT:

Trong những năm gần đây, trên thế giới có rất nhiều các hiệp định thương mại tự do được ký kết với mục đích tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, trong đó có xu hướng tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, với quan điểm cho rằng các hoạt động thương mại và bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững không thể tách rời nhau.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là 2 trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với cam kết sâu rộng và cụ thể không chỉ về tự do hóa thương mại, mà còn dành cả sự chú ý đến vấn đề thương mại công bằng và phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường và kiểm soát biến đổi khí hậu.

Bài viết phân tích những tác động của CPTPP và EVFTA tới pháp luật môi trường Việt Nam, đánh giá các quy định pháp luật môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam nhằm thực thi 2 Hiệp định này, từ đó đưa ra một số giải pháp để Việt Nam nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết này.

Từ khóa: CPTPP, EVFTA, biến đổi khí hậu, thực thi cam kết, pháp luật môi trường.

1. Cam kết của CPTPP và EVFTA về biến đổi khí hậu

Trong những năm gần đây, các hiệp định thương mại tự do đã và đang trở thành cơ chế chính sách chính của các chính sách thương mại và ngoại giao. Chính vì vậy, việc lồng ghép các quy định về biến đổi khí hậu vào trong các hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa vô cùng quan trọng để các quốc gia cùng nhau hành động chống lại các thách thức của biến đổi khí hậu.

Các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ không chỉ đơn thuần thiết lập một khu vực thương mại giữa các quốc gia hợp tác, mà còn nhằm giải quyết các vấn đề từ bất bình đẳng giới đến biến đổi khí hậu bằng cách đưa vào các điều khoản phi thương mại và đa dạng sinh học là chủ đề chính mà các hiệp định có thể điều chỉnh.

Nhận thức mối quan hệ sâu sắc giữa thương mại và môi trường, các cam kết về bảo vệ môi trường, trong đó có biến đổi khí hậu, đã được ghi nhận trong hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Hai hiệp định này tiếp tục tái khẳng định những cam kết trước đó trong các Điều ước về BĐKH.

Cả 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA đều dành 1 chương riêng quy định về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, cụ thể là Chương 20 về Môi trường từ Điều 20.1 đến Điều 20.23 trong CPTPP và Chương 13 về Thương mại và phát triển bền vững của EVFTA từ Điều 13.1 đến Điều 13.17, tập trung giải quyết 5 nội dung sau: (i) BĐKH, (ii) bảo vệ tầng ô-zôn, (iii) đánh giá tác động môi trường, (iv) đầu tư trong lĩnh vực môi trường và (v) giải quyết tranh chấp môi trường. Các yêu cầu về BVMT được 2 Hiệp định cam kết ở mức độ ràng buộc cao, nhằm thúc đẩy chính sách hỗ trợ lẫn nhau trong thương mại và môi trường[1].

Cụ thể, các cam kết và nghĩa vụ về BĐKH trong EVFTA được quy định tại Điều 13.6 Chương 13 Thương mại và phát triển bền vững đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững, ghi nhận thông qua việc thúc đẩy sự đóng góp của các lĩnh vực liên quan đến thương mại và đầu tư lên các vấn đề lao động và môi trường.

Từ mục tiêu này, nhằm yêu cầu các Bên thực hiện các điều ước đa phương liên quan đến Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), Nghị định thư thuộc Công ước khung Liên Hợp quốc về BĐKH (Nghị định thư Kyoto) và Hiệp định tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc 2015 trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hiệp định Paris).

Đối với CPTPP, dù không có một điều khoản cụ thể và cũng không hề đề cập đến thuật ngữ “biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, Điều 20.15 Chương 20 gián tiếp đề cập đến vấn đề BĐKH bằng cách thừa nhận rằng “quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải đòi hỏi hành động tập thể” và các bên “cần hợp tác để giải quyết các vấn đề chung hoặc các vấn đề phổ biến” chẳng hạn như “hiệu quả năng lượng; sự phát triển của công nghệ chi phí thấp và ít phát thải, các nguồn năng lượng sạch sẽ và có thể tái tạo; giao thông vận tải bền vững và sự phát triển bền vững cơ sở hạ tầng đô thị; giải quyết việc phá rừng và suy thoái rừng; giám sát chất thải; cơ chế thị trường và phi thị trường; sự phát triển ít phát thải và mau phục hồi và chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề này”. Đây đều được xem là các giải pháp nhằm ứng phó với BĐKH được đề cập trong các ĐƯQT.

Ngoài ra, ngay trong lời nói đầu, các nước CPTPP đã xác định một trong những mục tiêu của Hiệp định CPTPP là: “nhằm thúc đẩy việc bảo vệ môi trường ở cấp độ cao, thông qua việc thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường; và đẩy mạnh các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua các chính sách và hành động hộ trợ đồng thời cả thương mại và môi trường”. Như vậy, quan điểm của CPTPP về vấn đề môi trường rất rõ ràng, bao gồm 2 nội dung: (1) tăng cường thực thi pháp luật về môi trường và (2) ban hành và thực thi các chính sách cân bằng giữa thương mại và môi trường theo hướng phát triển bền vững. Hay Điều 13.1 của Hiệp định EVFTA khẳng định rằng: “Mục tiêu của Chương này là thúc đẩy phát triển bền vững, ghi nhận thông qua việc thúc đẩy sự đóng góp của các lĩnh vực liên quan đến thương mại và đầu tư lên các vấn đề lao động và môi trường”. Như vậy, thương mại đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững, trong đó, phát triển thương mại lại không thể bỏ qua yếu tố môi trường.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu

2.1. Ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát sản xuất, tiêu thụ chất gây suy giảm tầng ô zôn, một số chất phát thải

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được ban hành với Điều 42 quy định về việc quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-zôn. Theo đó, khẳng định việc “ưu tiên xây dựng, thực hiện chính sách, kế hoạch quản lý, giảm thiểu, loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn”, đồng thời “cấm sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”[2]. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và quy định tại Điều 42 nói riêng (hiện nay Nghị định số 55/2021/NĐ-CP đã được ban hành để sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP).

Một trong những bước tiến trong công tác quản lý bảo vệ tầng ô-zôn là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ô-zôn nêu tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (bên cạnh quy định về giảm nhẹ phát thải khí tại Điều 91). Trong đó, việc bảo vệ tầng Ô-zôn sẽ tập trung vào 3 hoạt động chính, bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động quản lý sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trong khuôn khổ điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-zôn mà Việt Nam là thành viên;

Thứ hai, thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, chất gây hiệu ứng nhà kính trong thiết bị có các chất này khi không còn sử dụng; và đồng thời với đó là thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ, thiết bị sử dụng các chất không làm suy giảm tầng ô-zôn, chất thân thiện với khí hậu (trong đó bao gồm tất cả các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên).

2.2. Cam kết về việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải và có sức chống chịu

Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Lần đầu tiên chế định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước được thực hiện để đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trong đó, quy định rõ đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước; căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính; trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức liên quan trong việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước để phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên[3].

Đồng thời, quy định này được đưa ra không chỉ là căn cứ cho việc thực thi CPTPP hay EVFTA, mà thực chất là kết quả của quá trình tham gia các điều ước quốc tế về môi trường khác mà Việt Nam đã tham gia.

Thị trường các-bon là đòn bẩy giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng các cơ chế thị trường để chuyển chi phí phát thải cho các nguồn phát thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo đó, các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm trả chi phí do đã phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Với quy định tại Điều 139, Việt Nam xác định đối tượng của thị trường này là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon[4]. Cụ thể, các cơ sở phát thải khí nhà kính (thuộc danh mục ở khoản 3 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020) được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon.

Trong đó, điểm quan trọng là phải xác định được tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính (theo giai đoạn và hàng năm). Từ đó, tiến hành phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở.

Khi đó, cơ sở phát thải khí nhà kính có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch hay không sử dụng hết hoặc thực hiện giảm phát thải thì tiến hành trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế thông qua thị trường các-bon trong nước.

2.3. Các quy định khác về công bố, công khai các chương trình hợp tác và hoạt động liên quan đến chống biến đổi khí hậu

Khoản 4 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là “hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch”. Nếu yêu cầu “công khai” xuất hiện 13 lần trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, thì yêu cầu này nhiều gấp 2 lần trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Với 28 lần xuất hiện trong văn bản Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, yêu cầu công khai được đặt ra trong hầu hết các quy trình, như: công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường; công khai báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường; công khai giấy phép môi trường; công khai tiếp nhận và sử dụng đóng góp tài chính; ngoài ra, các cá nhân, tổ chức cũng được yêu cầu công khai thông tin về môi trường trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức,…[5].

Như vậy, các quy định pháp luật Việt Nam về công khai chính sách, pháp luật, chương trình và hoạt động cho công chúng ngày càng được hoàn thiện và phổ biến hơn.

Liên quan đến Hội nhập và hợp tác quốc tế về môi trường được quy định tại chương XII Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như sau: Hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tuân thủ pháp luật của mỗi bên, pháp luật quốc tế và cam kết trong các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến môi trường.

Nhà nước khuyến khích việc chủ động hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường, tập trung cho các lĩnh vực quản lý và bảo vệ các thành phần môi trường,… ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm về nguồn lực và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến môi trường, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế, hỗ trợ cho hội nhập quốc tế về kinh tế.

Nhà nước khuyến khích đầu tư, hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ thông tin và dữ liệu môi trường, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến, bảo tồn thiên nhiên và các hoạt động khác về bảo vệ môi trường; ứng phó, giải quyết sự cố môi trường và các vấn đề liên quan đến môi trường ở phạm vi quốc gia, khu vực, toàn cầu và xuyên biên giới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.[6]

2.4. Các quy định về cơ chế đảm bảo thực thi các cam kết biến đổi khí hậu

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện các nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung này được quy định cụ thể tại các Khoản 3,4 Điều 90 của Luật này.

Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở phát thải khí nhà kính trong việc thực hiện các nội dung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trong đó, Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.

Khoản 1 Điều 94 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu gồm 10 nhóm thông tin và dữ liệu, đó là: Văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và quy trình chuyên môn, định mức kinh tế – kỹ thuật về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn.

Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và hoạt động kinh tế – xã hội; Phát thải khí nhà kính và hoạt động kinh tế – xã hội có liên quan đến phát thải khí nhà kính; Hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo vệ tầng ô-zôn và quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; Kết quả đánh giá khí hậu quốc gia; Kịch bản biến đổi khí hậu các thời kỳ; Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn.

Nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn; Các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn. Ngoài ra, Luật BVMT cũng quy định trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường (trong đó có cả vấn đề chống BĐKH)[7].

3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về biến đổi khí hậu

Việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu trong nước trên cơ sở phù hợp với cam kết trong các FTA thế hệ mới là điều rất quan trọng và cấp thiết.

Theo đó, cần phải tiếp tụcrà soát sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong nước trên cơ sở tương thích với các cam kết, nghĩa vụ về ứng phó biến đổi khí hậu tại các hiệp định, công ước mà Việt Nam là thành viên[8]; kịp thời bãi bỏ những quy định chưa phát huy được tính hiệu quả khả thi trên thực tế trong quá trình áp dụng, ban hành bổ sung thêm những quy định còn thiếu.

Rà soát loại bỏ hoặc điều chỉnh những quy định gây ra tình trạng chồng chéo về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm soát, ứng phó biến đổi khí hậu để việc quản lý, giám sát được thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Theo đó:

– Xây dựng và quy định chi tiết về hệ thống thông tin dữ liệu sử dụng các chất phát thải cần phải kiểm soát. Trong đó, cần quy định rõ căn cứ xác định số lượng sử dụng chất, công cụ đánh giá mức độ sử dụng của từng chất và trách nhiệm của chủ thể tổng hợp và cung cấp dữ liệu thông tin.

– Ban hành văn bản quy định chi tiết về thị trường các-bon với một số yêu cầu sau:

+ Xác định chi tiết danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

+ Xây dựng và quy định cụ thể về các công cụ quản lý tín chỉ các-bon, định giá các-bon ở Việt Nam, trong đó, cần xác định chủ thể cùng với cách thức thu thập dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải.

Đối với vấn đề này, cơ quan nhà nước sẽ là đầu mối cuối cùng tiếp nhận và công khai dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu nhưng cần có quy định xác định cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin đó từ các cơ sở phát thải theo cách thức cụ thể nào. Việc xác định cụ thể cách thức và trách nhiệm là căn cứ để xác định tổng hạn ngạch khí phát thải, là căn cứ để phân hạn ngạch một cách công bằng, và góp phần định giá được tín chỉ các-bon.

+ Thiết lập Hệ thống giao dịch phát thải với các quy định rõ về trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan, xác định tổng hạn mức dành cho hệ thống giao dịch phát thải theo các tiêu chí cụ thể, rõ ràng (cho dù là theo giai đoạn hay theo năm), cùng với đó xác định hạn mức phát thải phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ cấp ngành, tiêu chí xác định hạn mức cấp cơ sở và khung thời gian cho hạn mức.

+ Hoàn thiện cơ chế kiểm soát hoạt động mua bán hạn ngạch khí phát thải và tín chỉ các-bon: hạn ngạch khí phát thải và tín chỉ các-bon là loại tài sản mới nhưng cũng là một mặt hàng giao dịch có tính đặc thù. Do đó, các quy định kiểm soát ngoài tính đến yếu tố môi trường còn phải đảm bảo các quy định pháp luật liên quan như quy định về quyền tài sản trong lĩnh vực dân sự để có quy định phù hợp về quyền và nghĩa vụ của các bên.

– Minh bạch thông tin để tăng cường sự giám sát của cộng đồng. Công bố các thông tin về môi trường một cách đầy đủ, tập trung và thân thiện với người truy cập sẽ tạo điều kiện để cộng đồng có thể giám sát, đẩy mạnh thực thi pháp luật về môi trường. Chỉ cần công khai các thông tin hợp lý của cơ sở dữ liệu trên đã đề cập ví dụ như các thông tin về quan trắc môi trường xung quanh, hay kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các nguồn thái sẽ được công khai trên website sẽ giúp người dân dễ dàng giám sát các hoạt động này. Việc minh bạch thông tin cũng là một trong những cam kết của Việt Nam trong CPTPP và EVFTA.

– Rà soát lại các quy định pháp luật liên quan đến khí thải công nghiệp để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và sửa đổi nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thực tiễn đối với quản lý môi trường không khí. Đối với những ngành, lĩnh vực có phát thải gây ô nhiễm không khí cao, cần phải có sự quản lý chặt chẽ, được nêu cụ thể tại các quy định pháp luật.

Đồng thời, có những cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích các công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, cụ thể bù trừ trong cơ chế thuế Các-bon là một phương pháp hợp lý, khả quan mà Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng. Cụ thể, các chủ thể chịu thuế các-bon có thể nhận được giảm trừ trên tổng thuế nếu họ cam kết đạt được các mục tiêu nào đó (ví dụ như mục tiêu phát thải mà doanh nghiệp đã cam kết); từ đó hướng đến việc giảm lượng khí các-bon xả thải ra môi trường.

– Tăng cường nội luật hóa các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu trong các hiệp định, công ước mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992, Nghị định thư Kyoto 1997, Hiệp định Paris 2015,

Tuy nhiên, việc nội luật hóa các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hiệp định, công ước này vào hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu.

Chính vì vậy, việc tăng cường nội luật hóa các cam kết này vào hệ thống pháp luật trong nước một cách toàn diện là điều rất cần thiết, bởi đây là cơ sở quan trọng để tạo được hành lang pháp lý đầy đủ trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm phục vụ hiệu quả cho việc tiếp cận, tuân thủ, thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu của các chủ thể trong nước.

Khi các vấn đề này được đảm bảo thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, sẽ góp phần rất lớn vào việc tháo gỡ những thách thức về mặt chính sách pháp luật mà Việt Nam đang gặp phải khi thực thi các cam kết về biến đổi khí hậu trong 2 hiệp định EVFTA và CPTPP.

4. Kết luận

Việt Nam khi tham gia vào CPTPP và EVFTA đã thực hiện các cam kết của mình bằng cách xây dựng và ban hành được một số chính sách, quy định pháp luật cần thiết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện lộ trình cắt giảm các chất gây suy giảm tầng ô zôn, một số chất phát thải như đã cam kết trong CPTPP và EVFTA.

Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và phù hợp với các yêu cầu cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như việc triển khai thực thi các cam kết trên thực tế vẫn chưa đạt được hiệu quả cao,. Chính vì vậy, cần có những giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát biến đổi khí hậu, trong đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường Việt Nam là điều cần thiết./.

NGUYỄN THU TRANG
Trường Đại học Luật Hà Nội

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]Nguyễn Lâm Trâm Anh (2021), Nội luật hóa các cam kết về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong CPTPP và EVFTA, xem tại: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/noi-luat-hoa-cac-cam-ket-ve-moi-truong-ung-pho-bien-doi-khi-hau-trong-cptpp-va-evfta-80075.htm, truy cập lần cuối ngày 22/09/2022

[2]Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

[3]Những điểm mới của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, xem tại: https://dhcsnd.edu.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-nam-2020-ve-van-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau, truy cập lần cuối ngày 22/09/2022

[4]Khoản 1 Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

[5]Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

[6]Điều 155, 156 Luật Bảo vệ môi trường 2020

[7]Xem cụ thể tại Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2020

[8]Việt Nam là viên của một số Công ước và hiệp định về biến đổi khí hậu, như: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992, Nghị định thư Kyoto 1997, Hiệp định Paris 2015,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn.
  2. Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992.
  3. Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
  4. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.
  5. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường 2014.
  6. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
  7. Cát Tường (2022), Ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí khậu cấp quốc gia, xem tại: https://baodantoc.vn/ban-hanh-he-thong-giam-sat-va-danh-gia-hoat-dong-thich-ung-voi-bien-doi-khi-khau-cap-quoc-gia-1644286541876.htm
  8. PV (2020), Bộ TN&MT chủ động và tích cực triển khai CPTPP và EVFTA, xem tại: http://cspl-tnmt.monre.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/bo-tn-mt-chu-dong-va-tich-cuc-trien-kha-cptpp-va-evfta.html
  9. Nguyễn Đức Minh (2017), Xây dựng chính sách, pháp luật và triển khai các hành động ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp số 19(347)-.
  10. Nguyễn Lâm Trâm Anh (2021), Nội luật hóa các cam kết về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong CPTPP và EVFTA, Tạp chí Công Thương, truy cập tại: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/noi-luat-hoa-cac-cam-ket-ve-moi-truong-ung-pho-bien-doi-khi-hau-trong-cptpp-va-evfta-80075.htm
  11. Nguyễn Văn Dũng (2021), Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, xem tại: https://dhcsnd.edu.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-nam-2020-ve-van-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau

Impacts of climate change commitments under the CPTPP and the EVFTA on Vietnam’senvironmentalregulations

Nguyen Thu Trang

Hanoi Law University

Abstract:

Many free trade agreements (FTAs) have been signed in recent years with the aim of facilitating trade and investment in different regions. These FTAs also consist of commitments on environmental protection and sustainable development with the view that environmental protection is inseparable from commercial activities. The EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) and the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP), which are new-generation FTAs with far-reaching commitments, do not only pay attention to the issue of trade liberalization but also the issues of fair trade and sustainable development. This paper analyzes the impacts of the CPTPP and the EVFTA on Vietnam’s environmental regulations and assesses Vietnam’s environmental regulations on climate change in order to implement these FTAs. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help Vietnaam better implement commitments under the CPTPP and the EVFTA.

Keywords: CPTPP, EVFTA, climate change, implementation of commitments, environmental regulations.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích