Từ ngày 3-1-2023: Sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Từ ngày 3-1-2023: Sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Mai Châu –  Thứ tư, 14/12/2022 16:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại phiên họp, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân lần này là nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Đồng thời, cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành luật.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cũng nhấn mạnh quan điểm, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan. Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

tm-img-alt
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết

Mặt khác, nội dung lấy ý kiến nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án luật, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Cùng với đó, ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội.

Nội dung lấy ý kiến:

Lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Các hình thức lấy ý kiến nhân dân:

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các hình thức sau:

– Góp ý trực tiếp bằng văn bản;

– Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm;

– Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thông tấn báo chí;

– Điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo luật;

– Các hình thức khác phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, việc ban hành nghị quyết này là cần thiết, bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Kế hoạch số 329; bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo luật, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).

Về nội dung lấy ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tán thành với việc lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo luật và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Đồng thời, đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về dự thảo luật.

Đáng chú ý, về thời gian lấy ý kiến nhân dân, theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành thời gian lấy ý kiến nhân dân như quy định trong dự thảo Nghị quyết (bắt đầu từ ngày 3-1 đến hết ngày 28-2-2023).

Loại ý kiến thứ hai: Thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3-1 đến ngày 28-2-2023 trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023; do đó, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn. Đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15-3-2023.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích