Chuyển đổi số: Mang lại hiệu quả lớn trong phát triển bất động sản
Ngày 13/12, tại Hà Nội, Báo Thanh Niên đã tổ chức Diễn đàn bất động sản 2022: “Proptech – xu hướng tất yếu của thị trường”. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ.
Proptech – Mang lại hiệu quả lớn trong phát triển BĐS
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Do đó, ông Nguyễn Văn Sinh mong muốn tại diễn đàn này các đại biểu cùng tập trung trao đổi, tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản gắn với yêu cầu của nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bất động sản; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy định chi tiết, trong đó hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về nhà ở, thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại hình bất động sản, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đất đai …
Trao đổi tại Diễn đàn các chuyên gia đều khẳng định, nằm trong xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, bất động sản cũng phải chuyển mình mạnh mẽ. Bởi chỉ có chuyển đổi số trong chặng đường này thì các bất động sản mới có cơ hội để phát triển. Và Proptech (Property technology) chính là công cụ, phương thức tối ưu nhất giúp cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, giao dịch, mua bán, thuê, cho thuê và quản lý trong lĩnh vực bất động sản. Với Proptech, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm 30% thời gian, và tối đa hóa chi phí lợi nhuận. Khách hàng chỉ cần vài cú nhấp chuột có thể mua nhà, mua đất trong “chớp mắt”.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp; Chuyển đổi số giúp thị trường lưu thông ổn định, tăng tính thanh khoản và kết nối cung – cầu được diễn ra nhịp nhàng hơn.
Ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, để có thể hoạt động một cách hiệu quả hơn các doanh nghiệp BĐS cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; doanh nghiệp BĐS và đặc biệt là các proptech cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch kinh doanh, thiết kế sản phẩm… Các doanh nghiệp BĐS cần tăng cường hợp tác với các proptech trên thị trường thông qua hoạt động đầu tư hoặc M&A; thực hiện các biện pháp hỗ trợ nâng cao kiến thức, nhận thức của khách hàng về chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS, từ đó giúp họ có thể dễ dàng chấp nhận việc thực hiện các giao dịch thông qua các phương thức mới.
Thực tế, trong vài năm qua, các công ty khởi nghiệp của Proptech trong ngành bất động sản đã mang đến nhiều sản phẩm mới; các ứng dụng ưu việt, hiện đại đã và đang ra đời, phát triển hết sức đa dạng, sôi động. Tuy nhiên, cũng có không ít các “startup” Proptech gặp khó khăn, kêu gọi vốn lên tới cả hàng chục triệu USD song vẫn phải rời bỏ thị trường. Điều đó cho thấy thách thức vô cùng lớn, bên cạnh cơ hội vàng của Proptech.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, để chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS phải làm rõ được hạ tầng trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực BĐS. Hạ tầng này là liên kết giữa mô hình số bề mặt đất gắn với các dự án BĐS và mô hình số của thị trường tài chính, càng gần với thời gian thực càng tốt. Nếu thực hiện được việc này, chuyển đổi số sẽ đạt được hiệu quả rất lớn trong phát triển BĐS. Thứ nhất sẽ tạo được một thị trường bền vững, không bị trồi sụt, thiếu bền vững như hiện nay. Thứ hai, thực hiện đầy đủ yêu cầu về công khai, minh bạch thị trường. Thứ ba, thay đổi được các cách thức giao dịch (mua bán) BĐS, mang lại lợi ích cho cả các chủ đầu tư dự án và người mua hàng. Thứ tư, gắn kết được các cơ quan nhà nước có liên quan việc quản lý thị trường, đảm bảo tính đồng bộ của quản lý nhà nước. Thứ năm, đủ cơ sở để phát triển thị trường theo hướng xanh và thông minh, mang lại lợi ích chung cho cả quốc gia và từng người dân.
Lắng nghe giải pháp kiến tạo chính sách
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, với những ý kiến đưa ra tại hội thảo, các cơ quan quản lý sẽ có thêm nhiều thông tin để xây dựng chính sách, đồng thời tin tưởng “với sự tham gia của các các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp để bàn luận về giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, sẽ góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”.
Thời gian tới, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cần tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến; chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp; Chủ động nghiên cứu, đổi mới các phương thức tiếp cận khách hàng qua các ứng dụng công nghệ; Các doanh nghiệp từ các lĩnh vực có liên quan như: Vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, kiến trúc, thiết kế cung cấp trang trí nội ngoại thất,…vv đều phải chủ động, thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp; Các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để phổ biến rộng rãi tới người dân sử dụng trong quá trình giao dịch bất động sản; đồng thời hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm hiện đại, đáng tin cậy.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên cũng cho biết thêm, sau khi kết thúc diễn đàn sẽ có một “Kiến nghị thư” chất lượng với đầy đủ các giải pháp từ các chuyên gia, doanh nghiệp, khách hàng… để gửi tới Chính phủ.