Đừng làm “bản sao” của bất kỳ ai
Trong cuộc sống, chúng ta luôn có những “thần tượng” của riêng mình về một lĩnh vực nào đó. Tôi không phủ nhận, đôi khi, chúng ta học theo họ về thời trang, ứng xử, cách làm việc… Tuy nhiên, học theo không có nghĩa chúng ta “sao chép” một cách dập khuôn.
Ảnh minh họa |
Đơn giản nhất là về thời trang. Tôi không phủ nhận, thời trang luôn tạo ra xu thế chung. Nhiều bạn chạy theo mốt mà không suy nghĩ bộ đồ đó có phù hợp với vóc dáng của mình hay không. Đôi khi, bộ quần áo phá cách chỉ thuộc về ai đó với phong thái, khí chất riêng. Với người này là đẹp, nhưng với người khác lại trở thành kệch cỡm.
Hợp nhau trong văn chương là chuyện không lạ. Chúng ta có thể ảnh hưởng cách viết, cách đặt tít, dùng từ của một tác giả nào đó. Nhưng hợp đến nỗi sao chép văn của người đó thành của mình thì hoàn toàn không nên. Đã có nhiều người bức xúc về vấn đề bản quyền trong văn chương, âm nhạc nhưng dường như chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Và cứ thế, những “bản sao” văn chương, báo chí vẫn nghiễm nhiên tồn tại trong đời.
Không gian mạng rộng mà hẹp. Chúng ta có thể kết nối với nhiều người ở mọi phương trời xa gần. Tuy nhiên, những sự “sao chép” một cách sống sượng dễ dàng bị phát hiện cũng bởi mạng xã hội. Một nhà văn khá nổi tiếng đã nhiều lần được các độc giả gửi chụp màn hình tác phẩm của anh bị ai đó “bưng” sang hội nhóm khác. Trắng trợn hơn, có người còn tự ghi tên mình vào phần tác giả.
Có lẽ, nực cười nhất là “sao y bản chính” cảm xúc của người khác về đăng trên trang nhà mình mà không ghi nguồn. Chúng ta có thể đồng cảm nhưng không có nghĩa là được phép “ăn cắp” cảm xúc của người khác như vậy. Đăng một bài thơ hay, phù hợp với bức hình của mình thật tuyệt. Thế nhưng, chúng ta nên giữ phép lịch sự tối thiểu là ghi rõ nguồn hoặc ít nhất là thừa nhận sưu tầm. Nhiều nhà thơ chỉ biết lặng lẽ buồn khi thơ của mình xuất hiện tràn lan trên trang cá nhân người khác với tên tác giả đã được thay đổi.
Đôi khi, bạn vô tình trở thành “bản sao” của ai đó mà không biết. Do quá tin tưởng, do quá thần tượng, do quá thương yêu, dần dần, bạn bị chi phối bởi họ. Từ suy nghĩ đến lời ăn tiếng nói, cách hành xử của bạn đều bị “thao túng tâm lý” bởi họ. Tất cả mọi người đều nhận ra, bạn chỉ là “bản sao” và họ thầm thương hại. Điều quan trọng nhất, bạn cần xem lại, mình ở vị trí nào trong tâm tưởng của “thần tượng”? Bạn có thật sự quan trọng với họ?
Tôi không phủ nhận việc hướng đến, học theo những người có tầm ảnh hưởng tích cực trên không gian mạng và ngoài xã hội. Bản thân tôi cũng có những “thần tượng” của riêng mình trong văn chương, báo chí, cuộc sống đời thường, cuộc sống tâm linh. Nhưng tôi luôn tự dặn lòng: Học theo không có nghĩa trở thành “bản sao” của họ.
Mỗi người sinh ra đều có ngôi sao chiếu mệnh và có dấu ấn của riêng mình. Vậy nên, hãy luôn là một phiên bản duy nhất, đặc biệt và có giá trị riêng. Đừng làm “bản sao” của bất kỳ ai, bạn nhé!
Nguồn: Báo lao động thủ đô