Ấn Độ: Thêm một thành phố có mức độ ô nhiễm không khí đáng báo động

Ấn Độ: Thêm một thành phố có mức độ ô nhiễm không khí đáng báo động

MTĐT –  Thứ hai, 12/12/2022 16:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau Delhi, Mumbai đang là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí đáng lo ngại

Trước đây mọi tin tức về tình trạng ô nhiễm mùa đông hàng năm của Ấn Độ chủ yếu nói về tình trạng sương mù nguy hại ở Delhi. Nhưng tuần trước, Mumbai, trung tâm đầu não tài chính của Ấn Độ nằm ven bờ biển Ả Rập, đã gây chú ý vì chất lượng không khí ngày càng xấu đi và cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí đang lan rộng ở đây.

Mumbai đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí tổng thể (AQI) vượt quá 300 – ngưỡng xếp loại không khí ở mức “rất kém” theo tiêu chuẩn đo lường của Ấn Độ – trong bốn ngày liên tiếp từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 12. Vào một số ngày, mức độ ô nhiễm của Mumbai còn nghiêm trọng hơn của Delhi. AQI ở Mumbai vào tuần trước lúc 8:30 sáng là 309, so với 249 của Delhi.

tm-img-alt
Bầu trời Mumbai ngày 7/12 và ngày 27/10 (Nguồn: Straits Times)

Theo dữ liệu từ Hệ thống nghiên cứu, dự báo thời tiết và chất lượng không khí của Ấn Độ (Safar) cho biết, mùa đông năm nay ở Mumbai bị ô nhiễm nặng nhất trong 4 năm qua và thành phố này không có ngày nào có chất lượng không khí ở mức “tốt” hoặc “đạt yêu cầu” trong 30 ngày qua

Tuần trước, các bệnh viện ở Mumbai cũng báo cáo về sự gia tăng bệnh nhân đến khám với các vấn đề về hô hấp.

Nguy cơ từ các dự án xây dựng hạ tầng

Chất lượng không khí kém như vậy được cho là do thiếu gió biển thổi vào và tốc độ gió thấp bất thường không thể phân tán các chất gây ô nhiễm từ các nguồn chính như xe cộ và hoạt động công nghiệp, cùng với các dự án cơ sở hạ tầng đang triển khai và bụi đường. Thành phố này, với dân số ước tính hơn 18 triệu người, đang có một số dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm việc mở rộng hệ thống giao thông công cộng nhanh và một con đường ven biển.

Dữ liệu từ Respirer Living Science (RLS), một tổ chức tư nhân giám sát chất lượng không khí tại khoảng 15 địa điểm trong thành phố này, chỉ ra rằng hạt vật chất có đường kính từ 10 micron trở xuống (PM10) trong các hợp chất gây ô nhiễm đang ở mức cao đáng kể. Loại chất này được giải phóng chủ yếu từ quá trình đốt cháy các sản phẩm dầu mỏ hoặc gỗ.

Ông Ronak Sutaria, người sáng lập RLS, cho biết quá trình phát triển cơ sở hạ tầng đang diễn ra có thể chính là “thủ phạm” tạo ra chất gây ô nhiễm PM10, cùng với bụi đường và các nguồn ô nhiễm khác.

Tỷ lệ ô nhiễm xe cộ của thành phố cũng đang tăng lên. Một nghiên cứu của Safar kéo dài một năm, được thực hiện từ năm 2019 đến 2020, cho thấy lượng khí thải do phương tiện giao thông đã đóng góp 30,5% vào số lượng các hạt bụi mịn PM2.5 của Mumbai. Con số này tăng từ 16% trong năm 2016-20217.

Ông Bhagwan Kesbhat, người sáng lập Waatavaran, một tổ chức môi trường điều hành chiến dịch không khí sạch cho Mumbai, cho biết chính quyền đã không đưa ra được một mô hình tăng trưởng không khuyến khích sở hữu phương tiện cá nhân, cụ thể là chưa mở rộng hệ thống giao thông công cộng và chưa tăng cường các lựa chọn đi bộ và đi xe đạp.

Ông nói: “Lượng hành khách tham gia mạng lưới xe buýt của Mumbai đã giảm mặc dù dân số tăng lên và trong khi đó, các phương tiện cá nhân đã tràn ngập các con đường. “Tình trạng giao thông đang không thể kiểm soát được vì sự gia tăng theo cấp số nhân của các phương tiện cá nhân”, theo chuyên gia này.

Cần chiến lược đồng bộ chống ô nhiễm

Theo khảo sát kinh tế mới nhất của chính quyền bang, từ 2,6 triệu phương tiện được đăng ký tại Mumbai vào năm 2005, con số này hiện đã vượt qua 4,2 triệu.

Ông Kesbhat cho biết thêm, động thái lắp đặt các thiết bị khử lưu huỳnh trong khí thải tại các nhà máy nhiệt điện trong và xung quanh thành phố cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Hơn nữa, một kế hoạch hành động chống ô nhiễm ở Mumbai cũng đã bị trì hoãn do sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan liên quan.

Theo một báo cáo trên tờ Hindustan Times vào tuần trước, một cảnh báo từ Ban kiểm soát ô nhiễm Maharashtra về tình trạng khẩn cấp ô nhiễm sắp xảy ra đã không được các tập đoàn thành phố địa phương chú ý.

Các nhà chức trách ở Mumbai đã lắp đặt thiết bị đo chất lượng không khí tại 20 địa điểm trên toàn thành phố, nhưng ông Sutaria cho rằng con số này là “không đủ” đối với một siêu đô thị lớn và năng động.

Theo ông, một thành phố đông dân cư như Mumbai cần giám sát chất lượng không khí ở ít nhất 200 đến 250 địa điểm và có thể cung cấp dữ liệu hàng giờ.

Ông nói: “Đây là điều Mumbai thực sự cần và Mumbai chắc chắn có đủ khả năng chi trả. Một hệ thống giám sát toàn diện như vậy có thể theo dõi các nguồn gây ô nhiễm tại địa phương và giúp tạo ra các kế hoạch kiểm soát cho “cứ hai đến bốn km2. Dữ liệu này cũng cho phép các cơ quan chức năng có hành động nhanh chóng và hiệu quả. Sự kết hợp giữa công nghệ, dữ liệu và quy định cần phải hoạt động đồng bộ, nhưng điều này còn thiếu ở Mumbai.”

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích