Nghệ An: Chủ động “3 tại chỗ” vừa chống dịch, vừa sản xuất
Đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người lao động
Nhà máy may An Hưng, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn An Hưng (đóng trên địa bàn xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) mới đi vào hoạt động với 2.000 công nhân. Ngay sau khi trên địa bàn xuất hiện một số ca F0, lãnh đạo đơn vị đã chủ động giảm số lượng làm việc tại nhà máy từ 2.000 công nhân xuống chỉ còn 200 người. Nhà máy đã tiến hành test nhanh, bố trí lực lượng đo thân nhiệt cho công nhân lao động trước khi vào làm việc, phun khử khuẩn trong khu vực sản xuất.
Công nhân Nhà máy may An Hưng được xét nghiệm sàng lọc mỗi tuần 1 lần. |
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc nhân sự Nhà máy may An Hưng cho biết: “Thường ngày, Công ty cho xe đưa đón công nhân từ các địa phương. Sau khi thực hiện “3 tại chỗ”, nơi ở của người lao động được bố trí ở nhà công vụ của Công ty, trong phòng có điều hòa, tắm nóng lạnh, vệ sinh khép kín. Chỗ ngủ được bố chăn, ga, gối do “nhà làm ra” (doanh nghiệp tự may ga, chăn, gối đệm). Doanh nghiệp bố trí cho công nhân ăn ngày 3 bữa, đảm bảo dinh dưỡng để làm việc. Hàng tuần, công nhân được xét nghiệm sàng lọc 1 lần”.
Là doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử với trên 1.000 công nhân, Công ty TNHH Innovative Manufacturing Solutions VietNam (gọi tắt là Công ty IMS) đóng tại Khu Công nghiệp VISIP (ở xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An), từ giữa tháng 8 đến nay, đơn vị đã thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Hiện tại, có 500 công nhân trực tiếp làm việc tại Công ty, mọi dây chuyền đang hoạt động sản xuất nhịp nhàng theo kế hoạch đã đề ra.
Công ty ISM đang thực hiện “3 tại chỗ”, mọi hoạt động sản xuất ở đây vẫn nhịp nhàng theo kế hoạch đã đề ra |
Ông Nguyễn Văn Cần, Chủ tịch Công đoàn Công ty IMS cho biết, khi bắt tay vào thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, Công đoàn cùng lãnh đạo Công ty đã bàn và đưa phương án thuận lợi nhất. Công ty đã chủ động chuẩn bị hậu cần để đảm bảo sinh hoạt, bữa ăn hàng ngày; chuẩn bị thêm đồ dùng cá nhân như: Màn cá nhân, chăn đệm, xô, chậu,… bố trí thêm nhà vệ sinh chung để tiện sử dụng cho công nhân lao động.
Tại Nghệ An, kể từ khi bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện “3 tại chỗ” để vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và người lao động. Để chia sẻ với những khó khăn của người lao động và doanh nghiệp, các cấp Công đoàn Nghệ An đã kịp thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực.
Trên cơ sở hướng dẫn của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nghệ An trong kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch, nhiều LĐLĐ huyện, ngành, thành thị; Công đoàn ngành đã đến trao quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân lao động thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An trực tiếp tặng quà động viên doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tại Khu Công nghiệp Nam Cấm (Ảnh Thanh Tùng). |
Bà Nguyễn Thị Thu Nhi, Phó Chủ tịch LĐLĐ Nghệ An cho biết, để đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp, LĐLĐ các huyện, thành, thị và các Công đoàn ngành đã chủ động thực hiện việc trao quà đến người lao động của những doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” nhằm hỗ trợ điều kiện sinh hoạt cũng như bồi dưỡng thêm dinh dưỡng cho công nhân lao động. Ngoài ra, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã đi trực tiếp tặng quà động viên một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tại một số khu công nghiệp.
Phải an toàn mới được sản xuất
Theo thống kê, tại Khu Kinh tế Đông Nam có 128 doanh nghiệp với trên 30.000 lao động. Trong đó, số lao động được bố trí ăn nghỉ tập trung là trên 12.000 người, chiếm 40%. Số lao động được doanh nghiệp bố trí đưa đón là 2.860 người, chiếm 9,46%. Số lao động phải nghỉ việc do dịch Covid-19 gần 4.000 người. Có 13 doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.
Được biết, tại nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Đông Nam, người đứng đầu các doanh nghiệp phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án để chủ động triển khai và xử lý kịp thời trước mọi tình huống. Hàng tuần, tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 định kỳ cho người lao động với tần suất 20% theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng các doanh nghiệp đóng tại địa bàn có nguy cơ cao yêu cầu phải xét nghiệm 100% cho người lao động.
Thực hiện “3 tại chỗ” người lao động được doanh nghiệp chuẩn bị nơi ngủ chu đáo. |
Các doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất phù hợp để đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; ưu tiên phương án bố trí người lao động ăn, nghỉ tập trung tại nhà máy, làm việc trực tuyến tại nhà hoặc bố trí xe đưa đón công nhân tập trung theo quy định, còn lại nếu không bố trí được buộc phải tạm thời nghỉ việc.
Các doanh nghiệp cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và các “Tổ An toàn Covid”. Doanh nghiệp còn phân công cán bộ đầu mối phụ trách tại nơi làm việc, ký túc xá; xây dựng kế hoạch, phương án cách ly, xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 trình Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố, thị xã xem xét, phê duyệt để chủ động thực hiện khi có dịch bệnh Covid-19 xảy ra.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết, huyện đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam thực hiện nghiêm phương án “3 tại chỗ”, doanh nghiệp nào đáp ứng được thì duy trì sản xuất. Thực hiện kiểm soát nghiêm doanh nghiệp thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến”. Những doanh nghiệp không bố trí được nơi ở tại chỗ thì phải thuê khách sạn hoặc địa điểm tập trung và tổ chức đưa đón công nhân có kiểm soát dịch để duy trì sản xuất.
Nhà máy may An Hưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn rất phức tạp. |
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, hiện, có đến 2/3 địa phương của Nghệ An đã phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động.
Trong bối cảnh đó, để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ quan trọng ở thời điểm hiện tại. Tại Nghệ An, theo thống kê, hiện có 135 doanh nghiệp với gần 15.000 lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ”; có 40 doanh nghiệp với trên 13.000 lao động thức hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, ngoài ra còn có doanh nghiệp thực hiện cả 2 mô hình là “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Trong đợt dịch thứ 4 này, trên địa bàn có 169 doanh nghiệp dừng sản xuất với gần 12.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm.
Theo ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thì hiện nay, đối với địa phương, công tác dập dịch là trên hết. UBND tỉnh luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, để sau khi dập được dịch vẫn duy trì động lực để sản xuất, phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, sức khỏe của người dân là trên hết, vì vậy, trong trường hợp các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu về phòng, chống dịch, tỉnh sẽ yêu cầu dừng và điều chỉnh phương án sản xuất của họ cho đến khi đảm bảo phương án chống dịch mới tiếp tục tiến hành sản xuất.
Nguồn: Báo lao động thủ đô