Anh mở 3.300 “ngân hàng sưởi ấm” giúp 16 triệu dân chống chọi với mùa đông lạnh giá

Anh mở 3.300 “ngân hàng sưởi ấm” giúp 16 triệu dân chống chọi với mùa đông lạnh giá

MTĐT –  Thứ hai, 12/12/2022 16:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ Anh mở hàng nghìn địa điểm công cộng, sẵn sàng đón người dân đến tránh rét trong mùa đông này

Chi phí năng lượng và lạm phát vốn leo thang sau đại dịch COVID-19 kết thúc đã tăng vọt kể từ khi Anh quyết định cắt đứt nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào đầu năm nay. Trong khi đó, dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ có thể giảm xuống tới -10 độ C tại một số nơi ở Anh trong tuần tới.

Chính vì lý do đó, khoảng 3.300 địa điểm công cộng như nhà thờ, thư viện, tổ chức cộng đồng trên khắp nước Anh đã được mở và sẵn sàng đón người dân đến tránh rét. Điều này diễn ra trong bối cảnh hơn 16 triệu người nước này đối mặt với tình cảnh “đói nhiên liệu” vào mùa đông.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Tổ chức “Chiến dịch Hơi ấm chào đón” đã đề ra sáng kiến này, giúp mở cửa địa điểm công cộng cho những người muốn tìm đến hơi ấm trong mùa đông giá lạnh. Đáng chú ý, một số địa điểm còn cung cấp trà miễn phí và không gian để làm việc. The National hôm 10/12 đưa tin, nhiều nơi đã dần chật kín người.

Carl Beech, nhà hoạt động của tổ chức “Chiến dịch hơi ấm chào đón” cho hay: “Mọi người đang chuẩn bị cho thời điểm khủng hoảng trong mùa đông này khi đối mặt với giá năng lượng và nhiên liệu tăng cao. Mọi người sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khắc nghiệt giữa thực phẩm và không gian sưởi ấm. Việc tạo ra những không gian có lò sưởi sẽ là điều rất cần thiết.”

Theo dự báo của Dịch vụ thời tiết Met Office, nhiệt độ có thể giảm xuống tới -10 độ C tại một số nơi ở Anh trong tuần tới. Tình trạng băng đá được dự báo xảy ra trên khắp miền Nam nước Anh trong 2 ngày 11-12/12, với tuyết rơi có khả năng đổ bộ vào khu vực phía Đông Nam.

Dẫn số liệu từ tổ chức End Fuel Poverty Coalition, khoảng 16,4 triệu người ở Anh sẽ không đủ khả năng sưởi ấm trong mùa đông này, trong khi đó cứ 10 ca tử vong vào mùa đông thì có 1 ca là do khủng hoảng năng lượng.

Chi phí năng lượng và lạm phát – vốn leo thang kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc – đã tăng vọt kể từ khi Vương quốc Anh quyết định cắt đứt nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào đầu năm nay. Nhiều nước EU cũng hứng chịu tình cảnh tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã dẫn khối hướng tới sự sụp đổ năng lượng toàn cầu.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích