Rò rỉ methane từ đường ống Dòng chảy phương Bắc có thể đe doạ hệ sinh thái
Rò rỉ methane từ đường ống Dòng chảy phương Bắc có thể đe doạ hệ sinh thái
Theo dõi MTĐT trên
Sau hơn 2 tháng xảy ra vụ rò rỉ khí đốt đầu tiên trên tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc, nồng độ khí methane vẫn tăng cao và có thể gây ra mối đe doạ cho hệ sinh thái
Các nhà nghiên cứu của Đại học Thụy Điển ngày 11/12 đã công bố báo cáo nghiên cứu cho rằng sau hơn 2 tháng xảy ra vụ rò rỉ khí đốt đầu tiên trên tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc, nồng độ khí methane vẫn tăng cao và có thể gây ra mối đe doạ cho hệ sinh thái.
Báo cáo trên cho biết: “Một phần đáng kể khí methane rò rỉ từ các đường ống dưới đáy biển Baltic đã không bay lên bầu khí quyển. Thay vào đó, chúng hoà tan trong nước và lan ra theo dòng chảy”. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh vật biển.
Nhà hải dương học Bastien Queste thuộc Đại học Thụy Điển chia sẻ: “Trong 2 tuần đầu tiên, chúng tôi nhận thấy nồng độ khí methane cực kỳ cao, gần như là quá cao để cảm biến của chúng tôi có thể đo được và có thể cao hơn gấp trăm lần so với mức bình thường. Chỉ đến bây giờ, chúng tôi mới nhận thấy nồng độ khí methane giảm trở lại mức bình thường và thậm chí, đôi khi chúng tôi vẫn thấy những khu vực có hàm lượng khí methane rất cao”.
Trong khi đó, nhà sinh học biển Thomas Dahlgren của Đại học Thụy Điển dự báo lượng khí methane hoà tan trong nước có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh vật biển.
Báo cáo nêu trên được thực hiện với sự hợp tác của tổ chức nghiên cứu biển Thụy Điển “Voice of the Ocean” (Tiếng nói của Đại dương). Các nhà nghiên cứu đã sử dụng robot dưới nước để thực hiện những phép đo liên tục và dữ liệu được gửi về thông qua vệ tinh.
Cơ quan Năng lượng Đan Mạch ước tính các đường ống Dòng chảy phương Bắc chứa khoảng 778 triệu m3 khí methane khi bị hư hỏng.
Trước đó, vào đầu tháng 10, các nhà khoa học nhận định, các vụ rò rỉ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic có khả năng là đợt giải phóng khí methane gây hại cho môi trường, khí hậu lớn nhất từng được ghi nhận.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị