Ấm tình đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Đời sống người có công ngày càng ổn định

Hiện nay, Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước với gần 800.000 người, gồm người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động kháng chiến, cựu Thanh niên xung phong… hưởng trợ cấp ưu đãi 1 lần, bảo hiểm y tế, mai táng phí…

Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực, đồng lòng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; đồng thời quan tâm chăm lo toàn diện cho người có công và thân nhân. Nhờ đó, đến nay, Hà Nội không còn gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; cơ bản không còn người có công gặp khó khăn về nhà ở; 100% người có công và thân nhân có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Ấm tình đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội

Ông Chu Công Lý, thương binh hạng 1/4 ở xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) cho biết: “Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, gia đình tôi thường xuyên được các cơ quan, đơn vị chức năng thăm hỏi, động viên, tặng quà. Đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao”.

Nhiều trường hợp người có công và thân nhân của người có công không còn người thân chăm sóc đã được Thành phố đưa vào nuôi dưỡng thường xuyên tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội.

Ông Vũ Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, (Trung tâm đóng tại xã Viên An, huyện Ứng Hòa) cho hay, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên 43 người có công, thuộc đối tượng thương binh, vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ. Mỗi người một hoàn cảnh, một miền quê, nhưng đều có điểm chung là phải gánh chịu đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Để người có công an yên vui sống, Trung tâm bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, luôn quan tâm, chăm sóc bằng tất cả ân tình và trách nhiệm.

Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, đóng tại phường Biên Giang (quận Hà Đông), 4 thương binh, bệnh binh nặng được nuôi dưỡng suốt đời tại đây luôn được sống trong bầu không khí ấm áp tình cảm gia đình. Bà Nguyễn Thị Thái, là vợ bệnh binh Lê Văn Tý, đã sống ở Trung tâm gần 20 năm chia sẻ: “Do vết thương quá nặng, nhiều năm qua, mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật của chồng tôi đều cần sự trợ giúp từ người khác. Tuy vậy, chồng tôi chưa bao giờ phải thiếu thốn bất cứ thứ gì. Đó là nguồn động viên lớn lao, giúp các thành viên trong gia đình tôi cố gắng sống tốt”.

Đặc biệt, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đóng tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì). Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị cho gần 100 nạn nhân chất độc da cam/dioxin là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Có con gái bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin được chăm sóc tại đây, ông Trần Quang Thi, xã Kim An (huyện Thanh Oai) xúc động: “Sau hơn 2 năm sống tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Hà Nội, sức khỏe của con tôi chuyển biến tích cực. Cháu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ đội ngũ cán bộ Trung tâm, các cơ quan chức năng và cộng đồng”.

Tiếp tục phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trong 5 năm gần đây (2016 – 2020), Thành phố đã thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với gần 203.200 lượt người có công. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị Quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 về một số chính sách đặc thù của Thành phố đối với người có công: Quy định mức hỗ trợ hàng năm đối với các ban liên lạc tù chính trị trên địa bàn Thành phố; quy định chính sách đặc thù của Thành phố về chế độ điều dưỡng đối người có công với cách mạng từ 80 tuổi trở lên, mức tặng quà của Thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, Quốc khánh 2/9…

Cũng trong giai đoạn này, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” của Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ như: 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng; hỗ trợ xây mới và sữa chữa nhà ở đối với 9.870 hộ gia đình người có công với cách mạng với kinh phí trên 1.317 tỷ đồng, năm 2017, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Thành phố đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn Thành phố vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được trên 203 tỷ đồng, tặng 28.916 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí trên 33,3 tỷ đồng, tu sửa 741 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 440 tỷ đồng. Cùng với việc nâng cao mức sống, vấn đề khác mà người có công và thân nhân đặc biệt quan tâm là giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ ghi “liệt sĩ vô danh”, “liệt sĩ chưa biết tên” cũng đã được các cơ quan chức năng của Thành phố quan tâm triển khai.

Việc quan tâm, chăm lo người có công diễn ra thường xuyên, song với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động này được đặc biệt đẩy mạnh vào những dịp kỷ niệm như Kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7; kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9, dịp lễ Tết… Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công được Thành phố chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tổ chức phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Riêng trong dịp 2/9 năm nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đã có Kế hoạch số 178/KH-UBND về việc tặng quà tới các đối tượng chính sách là người có công, cơ sở cách mạng với tổng số đối tượng được tặng quà hơn 3.700 người và số kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng. Theo đó, Thành phố dành mức quà tặng 1 triệu đồng/suất bằng tiền mặt gửi tới người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (lão thành cách mạng); người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 (tiền khởi nghĩa); người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

Trường hợp khác được nhận mức quà 1 triệu đồng là người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước”; người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” (nếu người đứng tên trong Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” đã mất, thì đại diện vợ, chồng hoặc con được nhận quà).

Thành phố cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà tập thể và cá nhân tiêu biểu tại các địa bàn có cơ sở cách mạng là quận Hà Đông và các huyện: Đông Anh, Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ứng Hòa. Thực hiện Kế hoạch của Thành phố, dịp này, các hoạt động thăm hỏi tri ân người có công đang được tổ chức ở các địa phương với hình thức phù hợp điều kiện thực tiễn, đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh.

Có thể nói, việc thực hiện chính sách đối với người có công, gia đình chính sách là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc một cách cụ thể, thiết thực. Thông qua các hoạt động này của Thành phố đã hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công có đời sống ổn định, có khả năng vươn lên mức sống cao và bền vững, động viên các gia đình chính sách, người có công có điều kiện tiếp tục phát huy truyền thống bản thân, gia đình, đóng góp vào sự ổn định, phát triển của Thành phố. /.

Phạm Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích