Quảng Bình: Dôi dư nhiều trụ sở, gây lãng phí và nợ đọng trong xây dựng cơ bản

Quảng Bình: Dôi dư nhiều trụ sở, gây lãng phí và nợ đọng trong xây dựng cơ bản

Phạm Hoàng – Phạm Trung –  Thứ hai, 12/12/2022 08:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với hiện trạng sát nhập các xã làm một, làm dôi dư nhiều trụ sở UBND. Xây dựng trụ sợ mới dựa trên cở sở trong vào nguồn kinh phí bán trụ sở cũ, nhưng không bán được làm cho nợ đọng cơ bản trong xây dựng không giải quyết được.

Thực trạng về tiến độ xử lý tài sản công, đặc biệt là đất và tài sản trên đất rất chậm dẫn đến nguy cơ xảy ra nợ đọng cơ bản. Nhiều nơi xây trụ sở mới trên cơ sở trông vào nguồn kinh phí từ bán trụ sở cũ, nhưng lại chưa bán được, nợ đọng xây dựng cơ bản không giải quyết được. Vấn đề này được nhiều Đại biểu quan tâm và đề cập tại phiên chất vấn kỳ họp cuối năm, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Tại tỉnh Quảng Bình, tiến độ sắp xếp, xử lý tài sản công, đất và tài sản trên đất rất chậm, dẫn đến bỏ hoang nhiều hạng mục công trình, gây lãng phí. Nhiều trụ sở cũ ở các huyện, thị xã, thành phố và các tài sản ở vị trí đắc địa cần phải xử lý sớm để có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển.

tm-img-alt
Nhiều nơi xây trụ sở mới trên cơ sở trông vào nguồn kinh phí từ bán trụ sở cũ, nhưng lại chưa bán được, nợ đọng xây dựng cơ bản không giải quyết được

Ông Dương Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình nêu vấn đề, qua giám sát của HĐND tỉnh, dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa đang xây dựng dở dang, trụ sở cũ thì chưa thanh lý.

Công trình này được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 9 năm 2016, tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng từ nguồn bán đấu giá trụ sở Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cũ và các nguồn khác. Qua 6 năm, các nguồn khác đã được bố trí nhưng nguồn bán đấu giá trụ sở cũ vẫn chưa có vì chưa được bán đấu giá.

“Một số công trình, dự án đầu tư công được phê duyệt sử dụng nguồn vốn đấu giá tài sản công nhưng do việc sắp xếp, xử lý chậm tiến độ nên không có nguồn vốn để bố trí. Nguy cơ xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản và không phát huy hiệu quả đầu tư.” Ông Dương Văn Hùng lo ngại.

Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình cho biết, thanh lý tài sản công phải theo trình tự, có phương án sắp xếp xử lý. Sở Tài chính sẽ chủ trì phối hợp để kiểm tra rà soát và báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, tỉnh đã tổng hợp và xử lý trên 2600 công sở công sản và được coi là xử lý nhanh chóng.

Một vài tài sản công chưa xử lý được một phần do các chủ sử dụng chưa lập phương án, quan điểm các cơ quan khác nhau. Vào tháng 6/2021, Nghị định 67 ra đời và theo quy định trong trường hợp chưa bán được tài sản hoặc bán mà không thành thì phải dừng và thực hiện lại quy trình từ đầu. Đó cũng là nguyên nhân khiến trụ sở Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cũ và một số tài sản công vẫn chưa xử lý được.

tm-img-alt
Trụ sở Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cũ vẫn chưa thanh lý được

“Trong thời gian tới, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ không tham mưu cho cấp thẩm quyền trong chuyện bố trí từ nguồn vốn bán trụ sở để xây dựng trừ khi bán xong trụ sở thì mới cân đối để tham mưu. Chứ không nếu tham mưu trước thì đến khi xây dựng xong lại bán không được trụ sở cũ lại gây ra nợ đọng.” Ông Phạm Quang Long cho biết thêm.

Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cho biết: Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình đề nghị Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình cần tham mưu, hướng dẫn cụ thể về các quy trình xử lý tài sản công. Những trường hợp để lâu không xử lý thì trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ thuộc về ai, đơn vị nào. Có như vậy các đơn vị, địa phương sẽ có hướng chung để xử lý tài sản công, nếu không đưa bán đấu giá, không đưa vào sử dụng sẽ rất lãng phí.

“Từ tài sản công này bán đấu giá tạo nguồn ngân sách hoặc chuyển qua mục đích khác như xây dựng trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi. Rất nhiều cơ sở, trụ sở có thể chuyển công năng sang làm trường mẫu giáo, trường học, các công trình văn hóa, xử lý một cách nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo mục đích các công trình phúc lợi phục vụ người dân. Đề nghị các địa phương khảo sát cụ thể để tránh lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công.”

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích