Cầu Thủ Thiêm 2 hơn 3.000 tỉ đồng ở TPHCM chính thức hợp long
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn có tổng vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng, dài gần 1,5km vừa hoàn thành công tác lắp đặt đốt dầm cuối cùng để hợp long nối quận 1 và Thành phố Thủ Đức.
Cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành hợp long cầu chính. Ảnh: Minh Quân |
Sau khi hợp long, các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thi công trụ tháp và 2 nhánh dẫn phía quận 1. Dự kiến công trình cầu Thủ Thiêm 2 sẽ chính thức đưa vào khai thác vào quý 2/2022.
Khởi công năm 2015, cầu Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỉ đồng. Cầu được thiết kế có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465m. Phần cầu dài 885m được thiết kế là cầu dây văng, với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.
Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và ban đêm.
Công trình hoàn thành giúp kết nối giao thông giữa khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm TPHCM hiện hữu, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, đường hầm sông Sài Gòn.
Đốt dầm cuối cùng của cầu Thủ Thiêm 2 đã được lắp đặt nối nhịp vào bờ quận 1. Ảnh: Minh Quân |
Sau khi hợp long, cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến đưa vào khai thác quý II/2022. Ảnh: Minh Quân |
Hiện nay, công trình Cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những công trình xây dựng trọng điểm, giao thông cấp bách được UBND TPHCM cho phép thi công trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đồng thời cũng là một trong những công trình trọng điểm hiếm hoi đảm bảo tiến độ trong giai đoạn này.
Đại diện chủ đầu tư (Công ty Đại Quang Minh) cho biết, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chủ đầu tư vẫn cố gắng bố trí đầy đủ vật tư, nhiên liệu để thi công, đảm bảo dự án triển khai theo tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, để vừa tổ chức thi công vừa chống dịch hiệu quả, chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị thi công, tư vấn tuân thủ theo hướng dẫn chỉ đạo của UBND TPHCM về giãn cách xã hội như bố trí phương án “3 tại chỗ”, tổ chức xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ cán bộ kỹ thuật và công nhân.
Nhờ đó đến nay, dự án đã hoàn thành lắp đặt 17/17 đốt dầm thép băng ngang sông Sài Gòn, kết nối với cầu dẫn tuyến chính phía quận 1 đã hoàn thành trước đó, đảm bảo vừa đúng tiến độ đã cam kết với UBND TPHCM.
Tuy nhiên, phía chủ đầu tư lo ngại trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì và huy động nhân sự để thi công, nhất là công tác thi công kết cấu dầm phía quận 1.
Ngoài ra, kết cấu dầm thép, trụ tháp cần huy động rất nhiều công nhân để tổ chức, do đó việc đảm bảo tiến độ thi công trong thời gian tới là một thách thức lớn cho nhà đầu tư cũng như các đơn vị thi công. Đồng thời, việc tổ chức “3 tại chỗ”, xét nghiệm định kỳ do tình hình dịch kéo dài cũng đã làm phát sinh chi phí hoạt động của nhà thầu.
Nguồn: Báo xây dựng