Thị trường bất động sản xả hàng giá gốc, người sẵn tiền có lợi
Thị trường bất động sản hiện tại được cho là cơ hội tốt cho cả người mua ở và đầu tư khi nguồn cung đa dạng, giá cạnh tranh và nhiều ưu đãi.
Doanh nghiệp “đói vốn”
Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung nội dung giải quyết một số khó khăn cấp bách của thị trường bất động sản tại kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội.
Nhận định thị trường bất động sản đang khó khăn, HoREA cho biết, hiện nay, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Nhiều bất động sản đang ồ ạt giảm giá bán trước áp lực tài chính, lãi suất vay tăng cao (Ảnh: Hà Phong). |
HoREA cho rằng, vướng mắc pháp lý đang là vấn đề lớn của thị trường bất động sản chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động…
Cũng theo HoREA, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và cả vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40-50% giá hợp đồng). Thực tế này đang tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn, nhưng cũng tiềm ẩn “rủi ro” do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, HoREA lo ngại việc chuyển nhượng dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh có cơ hội “thâu tóm” các dự án tốt, các thương hiệu mạnh, có thể làm giảm “lợi thế” của các doanh nghiệp trong nước đang “thống lĩnh” thị trường bất động sản hiện nay.
Trước đó, dữ liệu của một kênh thông tin thị trường cũng cho thấy, 10 tháng năm nay, tổng lượng tin đăng rao bán nhà đất cả nước tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu tập trung tại các dự án thứ cấp. Thậm chí, các chủ đầu tư lớn đang có nguồn cung sơ cấp mở bán áp dụng chiết khấu đến 30-40% cho người mua và hầu hết đều kéo dài thời hạn hỗ trợ ưu đãi vay cho khách hàng.
Cơ hội cho người sẵn tiền
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, đầu tư bất động sản vẫn là ngành hấp dẫn. Nhưng nhà đầu tư cần phải tập trung vào các loại bất động sản có nhu cầu ở và kinh doanh thật sự, hạn chế đầu tư lướt sóng. Hướng đi này cũng bền vững cho các công ty bất động sản trong giai đoạn tiếp theo.
Các chuyên gia bất động sản nhấn mạnh, nếu có dòng tiền trong tay, thị trường bất động sản đang là cơ hội tốt cho cả người mua ở và đầu tư khi nguồn cung đa dạng, giá cạnh tranh và nhiều ưu đãi.
Trong bối cảnh thị trường đang “đói vốn”, nhiều bất động sản giảm giá, đang tạo ra cơ hội lớn cho người sẵn tiền tham gia đầu tư hoặc mua ở thực (Ảnh: Hà Phong). |
Theo ông Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc thị trường nhà ở CBRE Việt Nam, xu hướng giảm giá, chiết khấu của các nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường khát vốn được dự báo sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm. Còn thanh khoản năm 2023 vẫn sẽ khó khăn khi chính sách tiền tệ, lạm phát và diễn biến kinh tế thế giới phức tạp.
Theo ông Kiệt, thị trường thứ cấp đang chịu ảnh hưởng lớn khi thanh khoản yếu, nhà đầu tư cần xoay dòng tiền nên lượng sản phẩm cần sang nhượng gia tăng. Giá căn hộ thứ cấp đang có xu hướng đi xuống do lượng cung cần chào bán tăng mạnh trong khi nhu cầu mua không nhiều. Nhiều trường hợp giảm giá 7-10% so với thời điểm mua vào. Thậm chí, thị trường đã xuất hiện nhà đầu tư thứ cấp xả hàng giá gốc.
Còn theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ ít biến động, nguồn cung mới cũng không nhiều. Nguồn cung tại TPHCM và Hà Nội không có đột biến, tính thanh khoản cũng thấp, nhưng giá nhà sẽ tiếp đà tăng. Đây là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản vùng ven, giải quyết bài toán nhà ở cho phần lớn người lao động.
Cũng theo ông Khương, những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ phải tìm cách đẩy hàng ra, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn dòng tiền hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ thấp. Còn những khách hàng trẻ, nguồn lực chưa đủ lớn thì có thể tìm đến thị trường các tỉnh vùng ven các thành phố lớn.
Nguồn: Báo xây dựng