HĐND TP.Hà Nội chất vấn về bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước

HĐND TP.Hà Nội chất vấn về bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước

MTĐT –  Thứ bảy, 10/12/2022 08:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại phiên họp ngày 9/12, HĐND TP. Hà Nội đã chất vấn về 2 nhóm vấn đề: Bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn Thành phố.

Thường trực HĐND TP Hà Nội nhận định, dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, song vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ. Hiện thành phố có 8 dự án chưa triển khai thực hiện. Trên địa bàn thành phố hiện nay, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu vấn đề về việc, trong quy hoạch chi tiết tại nhiều khu đô thị không có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải riêng biệt. Ông Đức đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc làm rõ nguyên nhân. Theo Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, về cơ bản, chủ đầu tư cần bố trí trạm xử lý rác thải tập trung rồi mới đến giai đoạn xử lý cục bộ. Đơn cử, tại khu đô thị Tứ Hiệp – Pháp Vân hiện nay, công tác xử lý trạm rác thải thiếu cục bộ, còn khu đô thị Yên Xá, Yên Sở có khá hơn. Tới đây, Sở Quy hoạch kiến trúc sẽ tiến hành đẩy mạnh trạm xử lý rác thải giai đoạn xử lý cục bộ. Tuy nhiên việc này phụ thuộc vào công tác tài chính vì vậy rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành. “Riêng đối với khu đô thị Văn Phú, trạm xử lý rác thải là trách nhiệm của chủ đầu tư nên đề nghị chủ đầu tư tuân thủ đúng luật, tiến hành rà soát lại để nâng cấp theo quy hoạch” – ông Trúc Anh nói.

Chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Hoàng Thúy Hằng cho biết, hiện nay việc xử lý bùn thải có nguồn phát sinh từ các nhà máy xử lý nước thải đang gặp rất nhiều hạn chế và gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân của tình trạng này là do trên địa bàn thành phố còn thiếu các điểm, khu vực xử lý nguồn thải tập trung. “Đề nghị Giám đốc Sở đưa ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới” – bà Hằng chất vấn.

Trả lời, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, vấn đề thiếu nhà máy xử lý nước thải không chỉ diễn ra ở các khu đô thị mà ngay cả các khu vực theo lưu vực nước thải tại quy hoạch 725 cũng đang bị thiếu. Về giải pháp, ông Phong cho hay, sẽ thực hiện rà soát lại dự án trên địa bàn thành phố, dự án nào có trạm xử lý, nhà máy phải tập trung đôn đốc chủ đầu tư thực hiện.

tm-img-alt
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho biết, năm 2022 phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt 4 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Trả lời về vấn đề nước thải tại các khu đô thị vẫn xả thẳng ra môi trường, Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, năm 2022 phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt 4 tỷ đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo thành phố để có các giải pháp cụ thể giải quyết tồn tại trên. Đối với dự án tồn tại từ lâu thiếu quy hoạch xây dựng xử lý nước thải, cần khẩn trương hoàn thiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch và đầu tư các hạng mục xử lý nước thải.

Ông Thái cũng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo thành phố hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc giám sát tự động, giám sát chặt chẽ việc xử lý nước thải. Đối với các khu đô thị cần nghiêm túc hoàn thành các dự án xử lý nước thải tập trung theo dự án phê duyệt.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các vị đại biểu HĐND Thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tích cực tham gia đặt câu hỏi, tranh luận (nhất là các vị đại biểu không phải là đại biểu chuyên trách) với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, làm rõ những vấn đề cần quan tâm để phiên chất vấn đạt kết quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Đối với người trả lời chất vấn phải trả lời đúng nội dung, đúng trọng tâm, thẳng vào những nội dung được hỏi, giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm, thời gian, lộ trình cụ thể và giải pháp thực hiện để cử tri và đại biểu HĐND Thành phố theo dõi, giám sát.

Minh Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích