Tiêu chí đánh giá sự minh bạch và chặt chẽ trong khoa học
Tiêu chí đánh giá sự minh bạch và chặt chẽ trong khoa học
Theo dõi MTĐT trên
Gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã đưa ra danh sách tiêu chí đánh giá minh bạch và chặt chẽ đối với các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu và công trình của họ. Những tiêu chí này đại diện cho những gì mà giới học thuật đang theo đuổi.
Mỗi quốc gia, đặc biệt là Việt Nam phải định nghĩa một cách rõ ràng và cởi mở về tiêu chí đánh giá như vậy.
Cộng đồng các nhà nghiên cứu kiêm giảng viên và các nhà nghiên cứu toàn thời gian ủng hộ mạnh mẽ tinh thần của Khoa học Mở, ở đó các ấn phẩm và dữ liệu khoa học được mở và quyền truy cập được cung cấp miễn phí tới công chúng. Tuy nhiên, trở ngại lớn trong thực tế lại nằm ở những quy chuẩn đánh giá. Cần phải tháo gỡ những trở ngại đó theo tinh thần của những văn bản quan trọng về đánh giá, chẳng hạn như tuyên bố DORA(1) được nhiều tổ chức ký, bao gồm cả Viện Hàn lâm Khoa học Pháp(2).
Chia sẻ dữ liệu và tiến bộ khoa học đảm bảo các khám phá được phổ biến tốt, nhanh và rộng rãi hơn. Khi kết quả và dữ liệu khoa học được đưa ra thảo luận và phản biện bởi số đông và đa dạng công chúng, nghiên cứu sẽ được đảm bảo được thực hiện nghiêm túc và tuân theo các quy tắc đạo đức hơn.
Trong hoàn cảnh liên tục thay đổi, các nhà nghiên cứu – những người có quyền mong muốn nghiên cứu của mình được công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế – băn khoăn về những phương pháp đánh giá công trình và dự án khoa học là hợp lý. Câu hỏi của họ có thể liên quan đến (i) các tiêu chí cụ thể sẽ được các đại học và tổ chức nghiên cứu sử dụng cho công tác bổ nhiệm hoặc đề bạt, (ii) các quy định mới liên quan đến việc đánh giá dự án nghiên cứu của các cơ quan tài trợ quốc gia hoặc châu Âu (iii) các tiêu chí cho giải thưởng khoa học, có thể cần được xem xét lại.
Ủy ban Đánh giá và Khoa học Mở (CoÉSO) của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp cho rằng những nguyên tắc của Khoa học Mở sẽ được chấp nhận và thực thi bởi toàn thể cộng đồng khoa học chỉ khi việc đánh giá dựa trên các nguyên tắc rõ ràng, khách quan, minh bạch với tiêu chí xác định trước. Dưới đây là danh sách không đầy đủ những nguyên tắc và tiêu chuẩn mà CoÉSO khuyến nghị theo hướng như vậy:
1. Ưu tiên đánh giá định tính dựa trên (i) một báo cáo miệng (ii) lựa chọn từ 5 đến 10 công bố (của nhà nghiên cứu trẻ hoặc nhà nghiên cứu có kinh nghiệm) với bản tóm tắt vài dòng về những đóng góp chính và tính mới của những công trình này;
2. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể (bản chất của vị trí tuyển dụng hoặc đề bạt, tính chất của dự án, v.v.), cần mở những tiêu chí đánh giá tới các khía cạnh khác nhau của nghề nghiệp, chẳng hạn như vị trí công việc có tham gia giảng dạy hoặc đào tạo các nhà khoa học trẻ, khả năng phát triển (bằng sáng chế, bằng sáng chế được cấp phép, tạo ra khởi nghiệp, hợp tác công nghiệp, phần mềm, công cụ), lãnh đạo (quản lý nhóm và dự án, v.v.), khả năng làm việc theo nhóm, tác động của đề tài/dự án ở cấp quốc gia và quốc tế (mạng lưới, lợi ích xã hội và quy định, sự xuất hiện của một ngành mới, v.v.), hoạt động đánh giá, nỗ lực tiếp cận cộng đồng, chia sẻ dữ liệu, tính liên ngành, v.v., để việc đánh giá không còn chỉ giới hạn qua các bài báo khoa học;
3. Chỉ sử dụng dữ liệu trắc lượng thống kê trong hoàn cảnh phù hợp, một cách lành mạnh, tính đến những phân tích định tính được thực hiện trước đó. Nghiêm cấm sử dụng các chỉ số tác động của tạp chí;
4. Đồng nhất hóa các tiêu chí đánh giá ở cấp độ quốc tế càng nhiều càng tốt đồng thời tôn trọng sự khác biệt về văn hóa của các ngành khoa học và các quốc gia;
5. Tiến hành đánh giá bằng cách sử dụng các biểu mẫu dễ điền, tạo điều kiện cho ứng viên thăng tiến trong sự nghiệp và có thể sắp xếp hồ sơ một cách tự do nhất;
6. Nghiêm cấm quan liêu và sử dụng những biệt ngữ hành chính và tài chính, thường khó hiểu;
7. Ủng hộ việc đánh giá tính đến những con đường sự nghiệp không điển hình và độc đáo, xem xét hoàn cảnh sống cụ thể của ứng viên ở mức độ phù hợp và khuyến khích di chuyển giữa khu vực công lập sang tư nhân và ngược lại;
8. Tính đến việc làm đa dạng kỹ năng cần thiết cho tiến hành nghiên cứu đúng đắn và sự bổ sung cần thiết làm cho hệ thống/cơ quan/tổ chức hoạt động hiệu quả hơn; nói chung, đánh giá cao công việc nhóm;
9. Ưu tiên càng cao càng tốt cho các buổi thảo luận với những ứng viên cho một vị trí hoặc một dự án nghiên cứu có mức đầu tư kinh phí lớn, đặc biệt là đối với các nhà nghiên cứu trẻ và các nhà nghiên cứu kiêm giảng viên; đối với đánh giá nhóm, bắt buộc phải thực hiện các buổi làm việc tại chỗ với thời lượng phù hợp với quy mô của đơn vị được đánh giá. Đối với các đánh giá liên quan đến các khoản đầu tư và/hoặc định hướng quan trọng, không được chỉ đánh giá qua việc đọc hồ sơ khoa học;
10. Cung cấp nguồn nhân lực và tài chính cần thiết để có thể thực hiện đánh giá khách quan và sâu sắc các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu, đồng thời tránh đánh giá nhiều lần. Đánh giá quá nhiều sẽ giết chết đánh giá;
11. Ưu tiên thành lập hội đồng đánh giá chất lượng cao, với quy tắc phải có thành viên quốc tế;
12. Đảm bảo các thành viên hội đồng có đủ năng lực và kiến thức trong lĩnh vực đánh giá và yêu cầu họ trình bày báo cáo của mình một cách rõ ràng và thực tế nhất có thể;
13. Cho phép ứng viên trả lời nhận xét đánh giá trong những trường hợp thích hợp, trên cơ sở thực tế;
14. Khuyến khích tương tác trong các hội nghị quốc tế, nơi có nhiều cơ hội để quảng bá công trình nghiên cứu, khởi xướng hợp tác và/hoặc thực tập quốc tế cho các nhà nghiên cứu trẻ.□
——-
(1) DORA_English_V2.pdf (sfdora.org)
(2) Thông cáo Báo chí: Viện Hàn lâm Khoa học phê chuẩn Tuyên bố San Francisco hoặc DORA (academie-sciences.fr)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị