Thực hiện chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn

Quá trình thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó nổi lên vấn đề liên quan đến biên chế hành chính công chức cấp huyện trở lên…

Thực hiện chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn
Quang cảnh buổi làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 8, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Sáng 9/12, Kỳ họp thứ 8 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 8, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) – đây là cơ hội lớn để thành phố phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có.

Nhìn chung, công tác thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị đã thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ các yêu cầu đặt ra, việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa hai giai đoạn.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 131 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả tích cực như: công tác quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết từng bước đi vào chiều sâu; việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động; công tác cán bộ về cơ bản hoàn thành tốt.

Đến nay, đa số cán bộ được sắp xếp, bố trí lại phù hợp với trình độ chuyên môn và nguyện vọng, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch trong quản lý của chính quyền thành phố được tăng cường.

Quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và phát huy; huy động được ngày càng nhiều nguồn lực cho sự phát triển bền vững của thành phố; hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Ông Võ Văn Hoan cũng cho biết quá trình thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó nổi lên vấn đề liên quan đến biên chế hành chính công chức cấp huyện trở lên; biên chế công chức, số lượng người làm việc không chuyên trách ở phường; các quy định liên quan đến phân cấp, ủy quyền.

Qua xem xét báo cáo thẩm tra của Hội đồng Nhân dân thành phố về công tác giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 và các ý kiến trao đổi tại Kỳ họp, các đại biểu nhất trí biểu quyết thông qua Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố về hoạt động giám sát thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố.

Hội đồng Nhân dân thành phố nhất trí đánh giá qua hai năm thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát sinh một số vấn đề thực tiễn nhưng chưa được quy định cụ thể như quy định về tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp là người hoạt động không chuyên trách đủ điều kiện được bổ nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường; quy định, hướng dẫn thể thức hoặc biểu mẫu ban hành quyết định quy phạm pháp luật của Ủy ban Nhân dân quận, văn bản hành chính của Ủy ban Nhân dân quận, phường (thuộc thẩm quyền chung)…

Thực hiện chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo kết quả thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Khi thực hiện chính quyền đô thị, Ủy ban Nhân dân quận, phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách (nếu có) nên ảnh hưởng phần nào đến việc chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn…

Bên cạnh đó, công tác thực hiện lập đồ án, thẩm định và phê duyệt quy hoạch của thành phố cả về quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng tại khu vực nông thôn đều chậm, kéo dài, không đạt yêu cầu kế hoạch, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng kế hoạch phát triển của các quận, huyện.

Việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và 16 quận theo thẩm quyền còn chậm; việc xây dựng chính quyền điện tử, Đề án Đô thị thông minh cũng còn những vấn đề cần được tập trung giải quyết và chưa đạt tiến độ; việc xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Thủ Đức còn chậm chưa đảm bảo tiến độ…

Hội đồng Nhân dân thành phố yêu cầu trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đối với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và 16 quận trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 131 và Nghị định 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021; rà soát và ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và 16 quận theo quy định.

Các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, trong đó đẩy mạnh việc triển khai Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường công tác triển khai chương trình chuyển đổi số của thành phố, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số bảo đảm an toàn thông minh mạng.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đối với Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; đề xuất các nội dung phân cấp quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Thủ Đức và một số quận, huyện có quy mô dân số đông vào nội dung trình Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 16-NQ/TW và Nghị quyết số 54/2017/QH14./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích